Kiến thức, kỹ năng là sự sống còn khi gặp hỏa hoạn

ANTD.VN - Trước những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người trong các vụ cháy xảy ra gần đây, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã chủ động tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), trong đó có loại hình nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh và khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cao luôn được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa hỏa hoạn.

Người dân trải nghiệm cháy giả định

Học cách thoát nạn để tự cứu mình

Từ những vụ cháy cho thấy, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phổ biến là nhà xây dựng hình ống liền kề, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp chống tụ khói. Khi xảy ra cháy, lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường để tổ chức cứu người bị nạn. Các phương tiện chữa cháy cũng gặp khó khăn do địa hình chật hẹp, kết cấu hầu hết là nhà liền nhau nên việc phá dỡ công trình gặp nhiều khó khăn, nguồn nước chữa cháy tại khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về công tác PCCC còn hạn chế. Qua kiểm tra cho thấy nhiều chủ hộ bố trí sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt như: ban thờ, ban thần tài gần hàng hóa dễ cháy, không bảo đảm an toàn cháy, nổ. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng câu mắc điện, sử dụng điện quá tải, quá công suất, chưa thiết kế, bố trí lối thoát nạn khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ xảy ra hoặc chưa xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (CNCH) nên khi xảy ra sự cố không biết cách xử lý.

Nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác PCCC, với mục tiêu cao nhất để an toàn cho người dân, trong các ngày cuối tuần vừa qua, Đoàn Thanh niên Công an quận Cầu Giấy đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCCC - CNCH đối với loại hình nhà trọ, chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh và thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại khu dân cư nguy cơ cháy, nổ cao tại phường Yên Hòa.

Cảnh sát PCCC - CNCH hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy an toàn, hiệu quả

Tại đây, báo cáo viên đã đưa ra các khuyến cáo về nguy cơ cháy tại nhà ở, cơ sở kinh doanh. Qua đó hướng dẫn cách thoát nạn, xử lý tình huống an toàn khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, khi đã nắm chắc các kiến thức cơ bản, người dân được hướng dẫn thực hành, sử dụng công cụ, phương tiện PCCC. Để tuyên truyền hiệu quả hơn, lực lượng cứu hỏa đã phối hợp diễn tập chữa cháy và CNCH tại khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Đây cũng là biện pháp tuyên truyền, trải nghiệm, đặc biệt qua tình huống nhiều người mắc kẹt trong môi trường khói khí đậm đặc để “thức tỉnh” ý thức tự giác với công tác phòng ngừa hỏa hoạn.

"Cẩn tắc vô áy náy"

“Một số hộ kinh doanh chưa trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện cứu nạn cứu hộ như mặt nạ phòng độc, dụng cụ phá dỡ… Nguy hiểm hơn, chủ hộ lắp đặt các biển quảng cáo, mái vảy trên các đường dây dẫn điện gây mất an toàn PCCC. Do đó tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của gia đình mình, các hộ không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu, nhất là không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Trường hợp gia đình có ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín”- cán bộ Cảnh sát PCCC - CNCH Công an quận Cầu Giấy khuyến cáo.

Những bài học nhãn tiền về hậu quả xảy cháy lớn trong các vụ hỏa hoạn cũng được lực lượng Cảnh sát PCCC nêu rõ nguyên nhân từ chủ quan, lơ là.

Qua điều tra của lực lượng chức năng, trên 60% nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ do sự cố từ thiết bị điện, hệ thống điện, bởi vậy các hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, nhánh và thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn, không để hàng hoá dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn nê-ông.

Lực lượng cứu hỏa tuyên truyền, diễn tập chữa cháy, cứu nạn để kiểm tra phương tiện, sự phối hợp, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác về an toàn cháy, nổ cho người dân

Nhiều vụ cháy xảy ra xuất phát từ sự chủ quan, đãng trí của người dân khi sử dụng thiết bị, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Do vậy, khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện. Cùng với đó, việc bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên ban thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng, tắt hết các thiết bị điện không cần thiết.