Kiện người đã cứu nạn nhân tai nạn giao thông thiếu căn cứ, có thể bị xử lý về tội Vu khống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc vợ chồng anh N.V.C ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đã bị kiện ngược vì cứu giúp, đưa một phụ nữ bị TNGT (tên T) vào bệnh viện.

Người nhà của nạn nhân này đã cho rằng chính vợ chồng ân nhân là những người gây ra tai nạn. Song theo kết quả xác minh ban đầu từ cơ quan chức năng, anh N.V.C không phải là người gây tai nạn cho bà T, người thân bà T đã có dấu hiệu vu khống cho lái xe C.

Liên quan đến vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, nếu có đủ căn cứ cho rằng, người nhà bà T đã vu khống cho anh C thì theo quy định hiện hành, người này sẽ bị xử lý ra sao?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, người nhà của nạn nhân trong vụ TNGT có quyền nghi ngờ và nếu chỉ dừng lại ở mức độ này thì pháp luật không xử lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp người này biết rõ sự việc mà vẫn cố tình bịa chuyện để tố cáo người khác, thì có thể bị xử lý về tội vu khống.

Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Gia đình lái xe với Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Vân Đồn về những vấn đề liên quan

Gia đình lái xe với Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Vân Đồn về những vấn đề liên quan

Như vậy, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, song người tố cáo cũng có nghĩa vụ: Cung cấp thông tin cá nhân; Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Luật này cũng nghiêm cấm cá nhân có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.

Hành vi vi phạm được tố cáo chỉ được pháp luật công nhận và xử lý khi có đầy đủ bằng chứng chứng minh vi phạm. Vì vậy, nếu tố cáo thiếu chứng cứ và nội dung tố cáo được cơ quan chức năng cho là sai sự thật, hành vi tố cáo này có thể bị coi là bịa đặt, vu khống.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, điểm b khoản 1 Điều 156 BLHS 2015 sửa đổi nêu rõ, người có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống, với mức phạt tù lên đến 7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Nếu tố cáo thiếu chứng cứ, sai sự thật và không được cơ quan chức năng công nhận, người tố cáo có thể bị tố ngược về tội vu khống.

Do đó, trước khi quyết định tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức nào đó, người tố cáo cần phải tìm hiểu kỹ thông tin để tránh việc tự đẩy mình vào vòng lao lý - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.