Kiểm soát giá thực phẩm, tiêu dùng

ANTĐ - Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2011 sẽ tăng so với tháng trước, song biên độ tăng có thể sẽ chậm lại, khoảng 1% so với mức 1,17% của tháng 7, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến giá cả tiêu dùng vẫn tương đối phức tạp.

Giá thực phẩm tương đối ổn định 

Giá thực phẩm, rau xanh có xu hướng ổn định

Các chuyên gia kinh tế nhận định, áp lực tăng giá vẫn còn tiếp tục do bước vào mùa mưa bão nên tình hình cung - cầu thị trường sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, một số hàng hóa có tính chất mùa vụ có xu hướng tăng giá như: phân bón cho vụ hè thu, đường và một số nguyên liệu khác cùng với các loại đồ dùng phục vụ năm học mới. 

Trong những ngày qua, thị trường hàng tiêu dùng Hà Nội đã có biến động nhẹ ở một số loại hàng hóa do bước vào thời điểm Rằm tháng 7, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, đặc biệt là thịt cá, tôm cua, hoa quả... Chị Hải - chủ quầy hàng thịt bò, ở chợ phố Vũ Thạnh cho biết, từ ngày 12-7 (Âm lịch) lượng hàng bán ra đã tăng lên từ 10.000-15.000 đồng/kg. Kèm theo nhu cầu tiêu dùng tăng, giá cả các mặt hàng cũng nhích lên như: thăn bò tăng 5.000 đồng/kg, tôm sú tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg, cua bể tăng từ 20.000-40.000 đồng/kg loại to... Gà ta làm sẵn tăng 10.000-20.000 đồng/kg, các mặt hàng hoa quả cũng tăng giá nhẹ. Riêng các mặt hàng rau xanh vẫn giữ nguyên giá so với tháng trước: Cải thảo 13.000 đồng/kg; rau muống 3.000- 3.500 đồng/mớ; cải ngọt, cải bắp 10.000 đồng/kg...

Bên cạnh hiện tượng tăng giá nhẹ của các mặt hàng thực phẩm, giá vàng và tỷ giá VND/USD tăng mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xu hướng giá cả của nhiều mặt hàng tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một số mặt hàng nhập khẩu khó tránh khỏi tăng giá trong đợt giá vàng và tỷ giá biến động mạnh này. Trong khi đó, nhằm kiềm chế lạm phát, Chính phủ tiếp tục thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao. Những yếu tố này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt  hàng. 

Tuy nhiên, thị trường có chiều hướng tốt lên khi một số mặt hàng vào mùa vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào như: lúa gạo, thịt lợn, vật liệu xây dựng... giá giữ ổn định hoặc giảm. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này dự báo sẽ không tăng đột biến gây “sốt” giá. Một thành viên tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, diễn biến giá cả như trên có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) tháng 8 tăng thêm 1% so với tháng 7, nâng CPI cả nước 8 tháng đầu năm lên gần 16%. So với những năm trước, mức tăng CPI tháng 8 như dự báo vẫn tương đối cao. 

Chú trọng quản lý giá thực phẩm

Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm 2011, công tác kiểm soát giá cả sẽ được tăng cường với tất cả các mặt hàng, các lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào quản lý giá nhóm hàng thực phẩm là nhóm hàng liên tục dẫn đầu về biên độ tăng giá từ đầu năm đến nay. Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tránh để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến tốc độ tái đàn và tâm lý của người chăn nuôi; Xem xét các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vốn, lãi suất cho các trang trại, hộ gia đình khôi phục đàn gia súc, mở rộng sản xuất, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. 

Trước mắt, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện các biện pháp điều hoà thị trường như: đẩy mạnh vận chuyển thực phẩm từ các địa phương đang thiếu; kiểm soát chặt khâu lưu thông phân phối; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; Tăng cường giám sát để hạn chế tăng chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi như: tiếp tục thực hiện biện pháp hỗ trợ sản phẩm giống gốc, vật nuôi; giám sát chặt việc đăng ký tăng giá thức ăn chăn nuôi; xem xét hoãn thu phí giết mổ…

 

Để ngăn chặn tình trạng xuất khẩu nông sản, thịt lợn qua biên giới, Bộ Tài chính đang xem xét phương án tăng thuế xuất khẩu thực phẩm kết hợp với biện pháp hành chính hạn chế việc thu gom, xuất theo đường tiểu ngạch; giám sát chặt chẽ việc xuất lậu theo lối mòn mặt hàng thực phẩm tươi sống sang các nước có chung đường biên giới.