Khuyến nghị cần đảm bảo an toàn thực phẩm với hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thị trường Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát an toàn thực phẩm với nông sản và thực phẩm nhập khẩu nên doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.
Cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng hóa xuất khẩu

Cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng hóa xuất khẩu

Theo đại diện thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), hiện Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thắt chặt kiểm soát an toàn thực phẩm với nhiều loại nông sản nhập khẩu.

Giai đoạn hiện nay, nhiều loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam như: nhãn, xoài, sầu riêng... đang vào vụ thu hoạch, xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc. Do đó, Thương vụ khuyến nghị các doanh nghiệp và hiệp hội rau quả Việt Nam phối hợp các địa phương sản xuất nhiều loại trái cây nghiên cứu tổ chức “Tuần lễ trái cây Việt Nam tại Trung Quốc”, có thể tổ chức tại các khu vực còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam và nhu cầu của người dân Trung Quốc luôn ở mức cao như: Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc hay Thượng Hải...

Đặc biệt, cần tiếp tục chú trọng và nâng cao chất lượng hàng hóa, thực hiện nghiêm các biện pháp về kiểm dịch an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói đối với hàng thực phẩm, nông, thủy sản theo quy định của thị trường; Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm bằng cách thay đổi bao bì phù hợp và thu hút hơn người tiêu dùng Trung Quốc;

Thương vụ cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, nông sản nói chung cần giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là kiểm soát vi sinh vật gây hại trên sản phẩm khi thời gian qua, Hải quan Trung Quốc vẫn tiếp tục phát hiện và cảnh báo các sinh vật gây hại trên các lô hàng trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với mặt hàng thực phẩm, Trung Quốc tiếp tục có những động thái siết chặt quản lý kiểm soát các đợt dịch (dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu phi, dịch đậu mùa khỉ...) và Việt Nam cũng đã ghi nhận có ca nhiễm đậu mùa khỉ. Do đó, các Hiệp hội cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp sản xuất có các biện pháp.

Tính riêng trong tháng 7, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thịt lợn có nguồn gốc từ Bosnia và Croatia khi WHO phát hiện có dịch tả lợn châu Phi tại hai quốc gia này. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc liên tục ban hành các lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các dịch bệnh lưu hành.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm đạt 105,7 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 39,5 tỷ USD, tăng 0,2% và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 66,2 tỷ USD, giảm 5,9%. Việt Nam vẫn giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, tuy nhiên nếu tính tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ 9 (sau Úc, Nga và Đức...).

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong quý II- 2023 ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực.

Đáng chú ý, với mặt hàng sầu riêng, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đạt 835 triệu USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Sầu riêng sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhất là khi mùa sầu riêng Tây Nguyên sẽ bắt đầu cho thu hoạch vào quý 3 này.