Khuyến cáo “5K” đã đến lúc cần điều chỉnh, Bộ Y tế cần sớm coi Covid-19 thành bệnh đặc hữu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, đã đến lúc Bộ Y tế phải chuyển Covid-19 thành bệnh đặc hữu, việc này phải do các nhà khoa học Việt Nam quyết định chứ đừng chờ đợi WHO...
Phố đi bộ quanh Hồ Gươm đông đúc trong ngày mở cửa trở lại cuối tuần vừa qua

Phố đi bộ quanh Hồ Gươm đông đúc trong ngày mở cửa trở lại cuối tuần vừa qua

Sắp xếp lại thứ tự 5K

Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và mở cửa, phục hồi kinh tế xã hội, cuối tuần qua, Hà Nội bắt đầu mở lại phố đi bộ quanh Hồ Gươm, lượng người đổ dồn về rất đông. Cùng thời điểm, tuyến đường trồng hoa phong linh vàng rực tại khu đô thị Park City ở Hà Đông cũng thu hút hàng nghìn người đổ về chụp ảnh.

Và bắt đầu từ hôm nay, 21-3, học sinh từ khối lớp 7 đến 12 ở Hà Nội cũng đồng loạt đi học trực tiếp trở lại tại trường… Trong bối cảnh “bình thường mới” như vậy, khuyến cáo phòng dịch “5K” của Bộ Y tế, nhất là khuyến cáo giữ “khoảng cách” và hạn chế “tập trung đông người” có còn phù hợp?

Trao đổi với ANTĐ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, cuối tuần qua, Chính phủ đã ký ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 áp tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022. Nghị định vẫn đề cập đến việc thực hiện “5K” và nhấn mạnh: “áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.

Ông Nga cho biết, nguyên tắc của “5K” là để bảo vệ sức khỏe của mỗi người, hơn nữa dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các làn sóng dịch mới nên hiện chưa thể chủ quan.

Tuy nhiên, đúng là trong thời điểm “bình thường mới” hiện nay thì khuyến cáo “5K” (gồm “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo Y tế”) cần áp dụng một cách linh hoạt, theo đúng nghĩa là “khuyến cáo” chứ không nên là quy định “bắt buộc”.

“Theo tôi, trong 5 công thức của 5K thì khẩu trang, khử khuẩn – cụ thể là rửa tay xà phòng – là hai quy định không bỏ được, 3K còn lại thì nên khuyến cáo một cách linh hoạt để người dân tự chủ động thực hiện.

Chẳng hạn, những người chưa mắc Covid-19, chưa tiêm vaccine, những người già, người bệnh nền hay những trẻ em mà bố mẹ muốn gắng phòng bệnh cho trẻ thì họ tự quyết định việc thực hiện 5K; hay khai báo y tế thì vẫn cần áp dụng với khách nhập cảnh; còn lại việc giữ khoảng cách và không tập trung đông người thì không bắt buộc…” – PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Trước ý kiến cho rằng Bộ Y tế chậm trễ trong việc điều chỉnh một số quy định phòng dịch Covid-19, nhất là với khách nhập cảnh, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, Bộ Y tế đã có ý kiến về quy định phòng dịch để mở cửa du lịch trở lại, trong đó điều chỉnh quy định khách nhập cảnh chỉ cần khai báo y tế và có giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 chứ không cần giấy chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19.

Tại Hà Nội, trao đổi với ANTĐ, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, để phù hợp với bối cảnh bình thường mới, thành phố đã điều chỉnh, sắp xếp lại thứ tự các yêu cầu trong công thức “5K”, cụ thể là đưa “Khẩu trang” lên vị trí số 1, “Khử khuẩn” lên vị trí số 2, còn “Khoảng cách”, “Khai báo y tế” và “Không tụ tập đông người” đưa xuống vị trí thứ yếu.

“Chúng ta vẫn khuyến cáo thực hiện 5K nhưng áp dụng một cách linh hoạt. Chẳng hạn về “Khai báo y tế” thì nên áp dụng với khách nhập cảnh, còn trong cộng đồng thì bây giờ có truy vết F0, F1 nữa đâu mà khai báo...” – vị cán bộ của Sở Y tế Hà Nội thông tin.

Đã đến lúc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu

Cũng liên quan đến các biện pháp phòng dịch Covid-19, một số ý kiến cho rằng đã đến lúc chuyển bệnh Covid-19 từ dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm bệnh thuộc dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B.

ĐBQH, GS.TS Nguyễn Anh Trí

ĐBQH, GS.TS Nguyễn Anh Trí

Trao đổi với ANTĐ, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, theo quy định thì với dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, khi có ca mắc vẫn phải cách ly, kiểm soát chặt chẽ.

Đáng chú ý, tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, lúc này họ xác định tỷ lệ nhiễm Covid-19 từ 5% dân số trở lên thì xếp vào nguy cơ dịch bệnh nhóm A nhưng ở Việt Nam vẫn áp tiêu chí tỷ lệ nhiễm là 0,55%, như vậy là tiêu chí cao hơn 10 lần. Ông Tuấn cho rằng, đã đến lúc hạ tiêu chí về nguy cơ dịch bệnh kể trên để đưa Covid-19 xuống dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Cũng trao đổi với ANTĐ về nội dung này, đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu và đề xuất việc đưa Covid-19 từ dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B, đây là chỉ đạo thận trọng, khoa học, tôn trọng chuyên môn của ngành y.

Về quan điểm cá nhân, GS. Nguyễn Anh Trí cho rằng, đã đến lúc Bộ Y tế phải chuyển Covid-19 thành dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B chứ không phải đại dịch nữa, vì dịch bệnh này đã thay đổi.

“Chúng ta thấy rằng dịch vẫn đang lan rất rộng nhưng số ca nặng giảm, số ca tử vong giảm mạnh. Tôi đi giám sát ở Quảng Ninh, tỷ lệ tử vong do Covid-19 chỉ là 0,04%, trong khi thế giới họ quy định tỷ lệ tử vong dưới 0,1% thì đã coi là loại bệnh thông thường chứ không phải dịch bệnh nhóm A.

Mặt khác, độ phủ vaccine của chúng ta rất tốt và vẫn đang kiên trì thực hiện chiến lược phủ vaccine. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm chống dịch, các điều kiện về thuốc men, điều trị Covid-19 cũng đã tốt hơn nhiều” - GS. Nguyễn Anh Trí phân tích.

Lưu ý ngành y tế cần tham khảo thêm tình hình thực tiễn của một số nước trên thế giới, trong đó nhiều nước đã chuyển Covid-19 thành bệnh đặc hữu, vị giáo sư y tế đồng thời là đại biểu Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh, đã đến lúc Việt Nam coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, hay có người gọi là bệnh thông thường, hoặc dùng cách gọi khác là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

“Tôi nhấn mạnh rằng quyết định này (coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, bệnh nhóm B – PV) phải do chính các nhà khoa học Việt Nam, do người Việt Nam quyết định, căn cứ vào thực tiễn của Việt Nam chứ không phải cứ chờ đợi ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới - WHO” – GS Nguyễn Anh Trí nói.

Đồng thời, ông cũng đề xuất Tổ chuyên môn dịch tễ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cần định nghĩa rõ về “bệnh thông thường”, ”bệnh đặc hữu” để thống nhất cách gọi.