Khung giá mới dịch vụ y tế: Bệnh viện tăng nguồn thu, người bệnh thêm lựa chọn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một trong những điểm nhấn nổi bật của Thông tư số 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế là quy định giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa tại bệnh viện công không được vượt quá 500.000 đồng/lượt; tiền giường điều trị tối đa không quá 4 triệu đồng/ngày… Vậy khung giá mới này sẽ tác động như thế nào đến người bệnh và chính các cơ sở y tế?

* Giá khám bệnh không được vượt quá 500.000 đồng/lượt

* Tiền giường điều trị tối đa không quá 4 triệu đồng/ngày

Viện phí không tính đúng, tính đủ khiến các bệnh viện khó khăn trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Viện phí không tính đúng, tính đủ khiến các bệnh viện khó khăn trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu hiện giờ ra sao?

Thực tế, gần như toàn bộ bệnh viện công lập trong cả nước đã triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu nhiều năm qua. Tuy nhiên, do trước đây chưa có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu nên mỗi bệnh viện thực hiện một kiểu, mỗi nơi áp một bảng giá khác nhau.

Theo khảo sát của phóng viên An ninh Thủ đô, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được phân thành nhiều mức, tùy thuộc vào yêu cầu của người bệnh. Cụ thể, mức giá khám Giáo sư, Phó giáo sư là 500.000 đồng/lượt; khám Tiến sĩ hoặc bác sĩ CKII là 400.000 đồng/lượt; khám Thạc sĩ, bác sĩ CKI là 300.000 đồng/lượt, khám theo yêu cầu thông thường là 200.000 đồng/lượt.

* “Về việc Thông tư 13/2023 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh thì phạm vi điều chỉnh, khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư này chỉ áp dụng cho nhóm là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5 - 10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, tuyến huyện gần như không có). Do vậy, khung giá mới theo Thông tư 13/2023 không ảnh hưởng đến người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, không ảnh hưởng đến người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận

* “Giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu được xây dựng trên 6 yếu tố gồm: Chi phí trực tiếp; tiền lương; quản lý; đề phòng rủi ro; khấu hao tài sản; chi phí tích lũy để tái đầu tư. Mục đích của việc ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể cho các cơ sở khám chữa bệnh được cung ứng dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của người dân”.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế Dương Đức Thiện

Tại Bệnh viện Việt Đức, dịch vụ khám với Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ CKII hoặc bác sĩ là Trưởng khoa, Phó trưởng khoa đồng giá 500.000 đồng/lượt; khám Thạc sĩ, bác sĩ, bác sĩ CKI: 300.000 đồng/lượt. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, giá khám bệnh theo yêu cầu ngoài phân theo các mức dựa trên chuyên môn của bác sĩ còn phân loại theo giờ hành chính và ngoài giờ hành chính. Chẳng hạn, giá khám Giáo sư trong giờ hành chính là 350.000 đồng/lượt, ngoài giờ hành chính là 500.000 đồng/ lượt…

Tại nhiều bệnh viện công lập tuyến thành phố của Hà Nội như Xanh Pôn, Thanh Nhàn… giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu dao động 200.000 - 300.000 đồng/lượt… Tuy nhiên, tại Bệnh viện Bạch Mai, giá khám theo yêu cầu thấp hơn đáng kể và áp dụng trong nhiều năm qua. Mức khám với Giáo sư, Phó Giáo sư là 150.000 đồng/lượt; khám Tiến sĩ, bác sĩ CKII là 120.000 đồng/lượt, khám Thạc sĩ, bác sĩ CKI là 70.000 đồng/lượt.

Như vậy có thể thấy, với việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 13 về khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ giúp hạn chế tình trạng “loạn giá”, mỗi nơi áp giá một kiểu như hiện nay. Theo đó, các bệnh viện công sẽ phải căn cứ vào khung giá của Bộ Y tế để nghiên cứu, xây dựng, ban hành khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu một cách phù hợp và nằm trong khung giá chung.

Khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu được xây dựng trên 6 yếu tố

Theo Thông tư mới, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán, xét nghiệm…) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng đặc biệt, hạng 1, có giá tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa là 500.000 đồng/lượt. Giá khám bệnh ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có giá tối thiểu từ 30.500 đồng/lượt và tối đa là 300.000 đồng/lượt. Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận với người sử dụng dịch vụ.

Về khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật, y tế khác…), loại 1 giường/phòng có giá tối thiểu là 180.000 đồng/ngày, tối đa là 4 triệu đồng/ngày. Loại 2 giường/phòng có giá tối thiểu là 150.000 đồng/ngày, tối đa là 3 triệu đồng/ngày. Loại 3 giường/phòng có giá tối thiểu là 150.000 đồng/ngày, giá tối đa là 2,4 triệu đồng/ngày; loại 4 giường/phòng có giá tối thiểu là 150.000 đồng/ngày, tối đa là 1 triệu đồng/ngày

Khung giá một số dịch vụ y tế có giá cao như: Siêu âm Doppler màu tim 4D giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang giá không vượt quá 1.584.000 đồng/lượt; chụp CT Scaner từ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5.250.000 đồng/lượt; chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA giá không vượt quá 10.150.000 đồng/lượt; chụp nút dị dạng và can thiệp các bệnh lý mạch thần kinh dưới DSA giá không vượt quá 23.111.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giá không vượt quá 3.701.000 đồng/lượt...

Như vậy, tại Thông tư vừa ban hành, mức giá tối thiểu của các dịch vụ kỹ thuật trong danh mục khám, chữa bệnh theo yêu cầu tương đương hoặc nhỉnh hơn vài trăm nghìn đồng so với khung giá được quy định theo Thông tư 13 (sửa đổi Thông tư 39/2018) và 14 (sửa đổi Thông tư 37/2018) do Bộ Y tế ban hành năm 2019. Được biết, để xây dựng khung giá này, Bộ Y tế đã khảo sát tại gần 100 bệnh viện từ Trung ương đến tuyến huyện. Lãnh đạo nhiều bệnh viện đánh giá, khung giá được quy định trong Thông tư 13/2023 là phù hợp với thực tế.

Cũng có ý kiến so sánh giá giường bệnh dịch vụ 4 triệu đồng/ngày là quá cao, ngang với khách sạn 5 sao, nhưng theo lãnh đạo các bệnh viện, so sánh như thế rất khập khiễng. Thực tế nhiều phòng bệnh hiện nay được thiết kế với không gian như khách sạn hạng sang, có trang thiết bị y tế hiện đại, đắt tiền, người bệnh được cung cấp vật dụng thiết yếu, có suất ăn hàng ngày, có nhân viên y tế chăm sóc 24/24h. Ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu được xây dựng trên 6 yếu tố gồm: Chi phí trực tiếp; tiền lương; quản lý; đề phòng rủi ro; khấu hao tài sản; chi phí tích lũy để tái đầu tư. “Mục đích của việc ban hành Thông tư này nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể cho các cơ sở khám, chữa bệnh được cung ứng dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của người dân. Cùng đó, thu hút được một bộ phận người nước ngoài tới khám chữa bệnh tại Việt Nam và giữ chân một số người Việt Nam có nhu cầu, có khả năng chi trả nhưng hiện nay vẫn phải ra nước ngoài khám bệnh” - ông Dương Đức Thiện nhấn mạnh.

Kiểm soát tình trạng lạm dụng khám, chữa bệnh theo yêu cầu

Thông tư số 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 15-8-2023. Hiện các bệnh viện trên cả nước đang rà soát, xây dựng lại giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện mình cho phù hợp để có thể triển khai từ giữa tháng sau.

Một trong những nội dung được quan tâm là việc Thông tư 13/2023 quy định về khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu của Bộ Y tế đưa ra một “tuyến giá” khá rộng. Chẳng hạn, với bệnh viện hạng 1 được áp giá tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa là 500.000 đồng/lượt; các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới được áp giá tối thiểu từ 30.500/lượt đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt. Liệu điều này có tạo cơ hội để các bệnh viện đều áp dụng giá ở mức cao (hoặc tối đa) trong khung cho phép? Liệu có tình trạng bệnh viện lạm dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu? Quyền lợi của người bệnh có bị ảnh hưởng hay không?

PGS.TS Đào Xuân Cơ (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai): Xây dựng mức giá phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân

“Thông tư 13/2023 của Bộ Y tế là cơ sở, hành lang pháp lý quan trọng để các bệnh viện dựa vào đó ban hành giá kỹ thuật cho dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Thông tư quy định theo hướng rất “mở” cho các bệnh viện vì không quy định, cố định giá mà có dải giá từ mức tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình và người bệnh, từ đó xây dựng giá phù hợp với từng bệnh viện, điều kiện cơ sở vật chất của viện mình. Chúng tôi đang nghiên cứu để có thể xây dựng mức giá phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân chứ không áp dụng đồng loạt giá cao. Việc ban hành mức giá khám bệnh theo yêu cầu sẽ được thực hiện khi Thông tư 13/2023 có hiệu lực. Thông tư 13/2023 đã nêu rõ, các chuyên gia y tế, đặc biệt là bác sĩ giỏi dành 30% thời lượng làm việc phục vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, còn cơ bản thời gian vẫn phục vụ khám, chữa bệnh chung cho tất cả người dân. Thông tư còn quy định số giường khám, chữa bệnh chỉ được thực hiện dưới 20%. Đây chính là những quy định cần thiết để kiểm soát tình trạng lạm dụng khám, chữa bệnh theo yêu cầu hay bố trí giường dịch vụ quá nhiều, gây thiệt thòi đến bệnh nhân nghèo cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của người khám chữa bằng bảo hiểm y tế”.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội): Điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

“Việc Bộ Y tế quy định dải giá rộng tại Thông tư 13/2023 nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường. Từ đó, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, điều này giúp cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi. Hiện trung bình Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám khoảng 4.500 - 5.000 lượt người bệnh/ngày, trong đó khoảng 30% khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện đã yêu cầu các chuyên gia hạn chế số khám theo yêu cầu tối đa trong 1 ngày để đảm bảo dành phần lớn thời gian phục vụ người bệnh khám thông thường. Trước đây, giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 450.000 đồng/lượt. Tuy nhiên cách đây một thời gian, bệnh viện đã chủ động điều chỉnh giá khám tối đa còn 300.000 đồng/lượt. Về giá giường bệnh dịch vụ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện là 2,2 triệu/giường/phòng, giường dịch vụ thấp nhất giá 320.000 đồng/giường…”.

Duy Tiến (Ghi)