"Khúc ca khải hoàn” của quân và dân Thủ đô

ANTD.VN - Để tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những năm kháng chiến gian khổ, sáng 5-10, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ra mắt Trưng bày "Khúc ca khải hoàn". Tại đây, những cảm xúc hào hùng của thời khắc lịch sử trọng đại vẫn nguyên vẹn trong mỗi nhân chứng lịch sử và người dân Thủ đô.

Không khí hào hùng đón đoàn quân trở về ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 cách đây 68 năm như sống lại, hào khí âm vang tại Nhà tù Hoả Lò.

Sinh đúng ngày 10-10, ông Đỗ Đăng Long, cựu tù chính trị của Nhà tù Hoả Lò. Với ông và bao lớp người dân Thủ đô, trưng bày “Khúc ca khải hoàn” đã gợi nhớ cuộc trở về với biết bao cảm xúc, niềm vui của 68 năm trước khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô. Từ thời khắc lịch sử trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đi lên với những bước chuyển mình quan trọng. Trưng bày cũng thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn những người con đã hy sinh vì Thủ đô thân yêu.

Còn với bà Đỗ Thị Hải... cảm xúc trào dâng nghẹn ngào khi nhìn lại những kỷ vật về người chồng vừa quá cố của mình cùng đồng đội trong những ngày lịch sử đó. Bà Đỗ Thị Hải là vợ của đồng chí Trần Khắc Cần (hay còn có tên khác là Lê Văn Ba), học sinh kháng chiến Hà Nội bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hoả Lò năm 1953. Để con cháu được tận mắt nhìn về quá khứ hào hùng, hôm nay bà đã đưa cả gia đình và cả cháu đích tôn đến Nhà tù Hoả Lò để tham dự triển lãm trưng bày "Khúc ca khải hoàn".

Trưng bày “Khúc ca khải hoàn” được thể hiện qua 3 nội dung: “Bền bỉ kháng chiến”, “Ngày về chiến thắng” và "Hà Nội của ta”.

Trong không gian trưng bày rực rỡ cờ hoa, đại biểu sẽ cùng hát vang bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao.

Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt sẽ gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ từng tham gia tiếp quản Thủ đô năm 1954.