Không xem nhẹ lợi ích

ANTĐ - Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012, đã đề ra 6 giải pháp cho thời gian tới để các đại biểu Quốc hội phân tích và góp ý. Không ít đại biểu đã thẳng thắn nhận xét, có tới một nửa số giải pháp còn mang tính “khẩu hiệu” từ năm này sang năm khác. Chưa thật sự nhìn thẳng vào những cái không bình thường về “sức khỏe” nền kinh tế. Chính phủ cần phải có một số giải pháp rất mạnh về thuế, phí, giá các mặt hàng thiết yếu và an sinh xã hội.

Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội góp ý lần cuối việc thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, một đại biểu nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không ngần ngại cho rằng, báo cáo nhận định “tình hình có chuyển biến” thì được nhưng nói rằng “tích cực” thì chưa được. Theo ông, ngay trong báo cáo, Chính phủ đã thống kê có tới 5-6 điểm như tồn kho tiếp tục tăng cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất hạn chế, tốc độ tăng nhập khẩu giảm mạnh, quá tải bệnh viện, tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiếu nại tố cáo diễn ra phức tạp… đó là những điểm rất bức xúc khi tiếp xúc với cử tri nên chưa thể nhận định tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là tích cực được.

Là một trong những “tác giả” soạn thảo báo cáo này, một Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhìn nhận: “Đúng là đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội thì báo cáo cũng có phần hơi... màu hồng”. Với tâm trạng đầy trăn trở, một đại biểu TP.HCM kiến nghị, Chính phủ cần hết sức thận trọng cân nhắc trong điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu bởi dễ gây ra tâm lý bất ổn không đáng có trong xã hội.

Chính vì vậy, khi thảo luận về dự án Luật Giá, một số đại biểu tỏ ra lo ngại dự luật này sẽ “dẹp đường” cho giá một số mặt hàng thiết yếu “phi mã”. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng Nhà nước không nên siết chặt quá các loại giá này. Không tán thành quy định doanh nghiệp phải đăng ký giá, có đại biểu lập luận, theo Luật Cạnh tranh thì việc đăng ký giá là không phù hợp mà hơn thế còn tạo ra nhiều chi phí hơn là đem lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Không khí thảo luận đặc biệt “nóng” lên khi bàn về giá điện.

Theo dự thảo Luật Giá, Nhà nước quy định mức giá truyền tải, giá dịch vụ hỗ trợ hệ thống điện vì hiện vẫn thuộc độc quyền Nhà nước. Nhà nước quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Hầu hết các đại biểu nhận xét, quy định này tưởng là hợp lý nhưng đi vào thực tế không khả thi. Giá bán lẻ điện bình quân hiểu như thế nào? Trong khi EVN còn độc quyền thì Nhà nước không nên chỉ đưa ra khung giá mà cần định giá cụ thể đối với cả giá bán lẻ điện.

Đồng tình với Chính phủ kéo giảm lạm phát là cần thiết, các đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề bây giờ là lo lạm phát rơi tự do khó kiểm soát được. Với sức mua giảm sút thì chỉ số giá tiêu dùng không thể tăng nổi. Vấn đề điều hành, quản lý giá cả trở nên cấp bách. Không thể “thả” giá bán lẻ điện cũng như một số mặt hàng thiết yếu. Cạnh tranh theo cơ chế thị trường nhưng lợi ích của đại đa số người dân vẫn không thể xem nhẹ trước các nhóm lợi ích.