Không thể thoát tội

(ANTĐ) - Người đàn ông đó không còn trẻ và đã có 10 năm thụ án ở Trại giam số 5, Bộ Công an về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ, lưu hành tiền giả. Đó là Lê Hồng Hải (SN 1968), nhà ở thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Nếu không có gì thay đổi, chỉ một thời gian nữa, Hải sẽ được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Không thể thoát tội

(ANTĐ) - Người đàn ông đó không còn trẻ và đã có 10 năm thụ án ở Trại giam số 5, Bộ Công an về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ, lưu hành tiền giả. Đó là Lê Hồng Hải (SN 1968), nhà ở thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Nếu không có gì thay đổi, chỉ một thời gian nữa, Hải sẽ được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Song, tất cả đã khép lại vào một buổi sáng khi các chiến sĩ công an của cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đến Trại 5 và giải y về Hà Nội bởi các chứng cứ cùng nhân chứng cho thấy y đã từng vận chuyển một khối lượng lớn thuốc phiện từ Sơn La về Hà Nội.

Vậy là một vụ án cách đây gần 14 năm lại được lật lên từ tro bụi của thời gian.

Hồi 19h ngày 4-2-1994, tổ bảo vệ khách sạn Sơn La, Thanh Xuân, Hà Nội bắt quả tang Trần Đình Chiến trú tại xã Chiềng Pấc, Thuận Châu, Sơn La đang vận chuyển 23 kg chất dẻo màu nâu. Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, toàn bộ chất dẻo thu giữ của Trần Đình Chiến là thuốc phiện.

Tại cơ quan điều tra, Chiến khai: Chiến làm phụ xe khách thuộc Công ty Xe khách tỉnh Sơn La do anh Bạch Cẩm Lâm điều khiển. Khoảng 2h30 ngày 4-2-1994, khi xe đỗ tại Bến xe Thuận Châu để đón khách thì Lê Hoàng Hải đến đưa cho Chiến một bao tải bằng vải và nói: Đây là hàng cấm, chuyển hộ anh về Bến xe Thanh Xuân. 19h tới nơi, anh sẽ ra nhận và trả công. Chiến hiểu đó là thuốc phiện và nhận lời, sau đó xách bao tải đựng thuốc phiện để ở gầm ghế xe ôtô.

Cánh cửa tự do đã... khép
Cánh cửa tự do đã... khép

Lúc này, Hải cũng lên xe đi cùng, nhưng khi xe qua Bến xe ôtô Hà Đông, tỉnh Hà Tây thì Lê Hồng Hải xuống và không đi cùng xe ôtô nữa. Khi xe về đến Bến xe ôtô Sơn La, Thanh Xuân, hành khách xuống hết thì Hải đến nhắc Chiến mang bao tải thuốc phiện trên xe ra cổng giao cho Hải. Chiến mượn chiếc xe máy của anh Đào Thái Dương (làm nghề “xe ôm”) và chở ra cổng cho Hải thì bị tổ bảo vệ của bến xe bắt quả tang.

Còn Lê Hồng Hải từ xa nhìn thấy Chiến bị bắt đã bỏ trốn. Với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, ngày 21-7-1994, tòa phúc thẩm - TANDTC áp dụng khoản 3, điều 96a Bộ luật Hình sự năm 1985 xử phạt Trần Đình Chiến tù chung thân và phạt 25 triệu đồng.

Với Lê Hồng Hải bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã. Đến ngày 15-10-2005, cơ quan điều tra đã phát hiện Hải đang thụ hình án phạt 20 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội tàng trữ, lưu hành tiền giả theo bản án số 34 ngày 23-5-1997 của TAND tỉnh Sơn La.

Tại cơ quan điều tra, Hải không thừa nhận đã giao hàng cho Trần Đình Chiến là một bao tải có 23 kg thuốc phiện từ Sơn La về Hà Nội sáng 4-2-1994. Nhưng căn cứ vào lời khai nhận của Trần Đình Chiến phù hợp với lời khai của anh Lê Văn Bình cùng là phụ xe ôtô và anh Phạm Văn Nhân đã khẳng định: Khoảng 3h ngày 4-2-1994, thấy Lê Hồng Hải có đưa cho

Chiến một bao tải bằng vải từ Bến xe Thuận Châu (chính là bao tải đựng thuốc phiện đã thu giữ). Sau khi phục hồi điều tra, Chiến đã nhận diện và vẫn khẳng định Lê Hồng Hải là người đã đưa cho Chiến bao tải vải trong đó có thuốc phiện và đã bị bắt giữ như đã nêu trên.

Còn đây là những lời tâm sự của bị cáo Lê Hồng Hải với tôi trong phòng cách ly. Cùng lúc, tại phiên tòa sơ thẩm sáng 26-2 của TAND TP Hà Nội, Hội đồng xét xử đang thẩm vấn bị án Trần Đình Chiến.

Em là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em. Họ đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Học xong phổ thông, em ở nhà, không đi làm mà nghĩ đến những việc không tốn công sức mà vẫn có tiền. Bị bạn bè rủ rê, em trở thành kẻ vận chuyển ma túy và tiền giả. Rồi bị bắt với bản án 20 năm tù. Em đã có một thời gian dài cải tạo ở Trại giam số 5. Công việc của em ở trại là xây dựng. 10 năm trời, em và những phạm nhân khác đã xây không biết bao nhiêu công trình bao quanh trại. Hết xây ở trại lại chuyển ra xây ở những phân trại khác. Vì lao động nên ngày trôi đi nhanh hơn.

Khi ở Trại 5, lúc làm việc thì quên đi nhưng khi đêm về, em lại hoảng sợ khi phải đối diện với chính mình. Vụ án vận chuyển 23 kg thuốc phiện lại ám ảnh em. Khi Chiến bị bắt và chịu án, em cứ hy vọng là Chiến sẽ không khai ra em. Một năm, hai năm... rồi 10 năm qua đi. Em dần dần tin rằng Chiến đã giấu kín bí mật này cho em và em thầm cảm ơn cậu ta.

Thế rồi, vào một buổi sáng, khi em đang làm việc thì bị quản giáo gọi lên nói rằng có người ở cơ quan điều tra cần gặp để làm rõ một vụ án cách đây hơn 10 năm. Tai em ù đi, hai chân muốn khuỵu xuống. Em hiểu rằng, tất cả niềm tin đã sụp đổ. Và Chiến đã khai ra tất cả về vụ án thuốc phiện đó. Em vô cùng thất vọng. Nhưng em cũng đã hiểu ra một điều, sự thật vẫn là sự thật và em không thể thoát tội được. Ai có tội người đó phải chịu tội và chính điều này giúp em lấy lại sự bình tĩnh.

Bị cáo Hải trong phòng cách ly
Bị cáo Hải trong phòng cách ly

Hôm nay ra tòa, chỉ có anh, chị em đến dự. Bố mẹ em đều già yếu. Em vô cùng ân hận về tội lỗi của mình. Vì mình mà bao người phải khổ. Còn em, tuổi trẻ đã trôi đi nhanh chóng trong trại giam. Giờ đây, khi bố mẹ em già yếu, bệnh tật, cần những đứa con bên cạnh để giúp đỡ thì em chẳng thể làm được gì. Em chỉ mong bố mẹ tha thứ cho em, một đứa con bất hiếu... Anh là nhà báo hả? Viết bài và chụp ảnh em làm gì, đời em buồn lắm!

- Đúng, tôi là nhà báo. Tôi muốn viết về nỗi buồn đó để những ai đang sa chân vào vũng lầy tội ác sẽ coi đó là một bài học và tự răn mình trước khi bi kịch ập đến!

Ngập ngừng một lúc, bị cáo Hải hỏi tiếp: Em có điều này cứ phân vân, không biết anh có giúp được không. Em đã chấp hành bản án trước được 10 năm, nếu trong phiên tòa hôm nay, em bị tuyên phạt tù chung thân thì khi đến thời hạn được xét giảm án, em có được giảm án không?

- Theo sự hiểu biết của tôi thì không được giảm án. Nếu anh bị án tù chung thân cộng với bản án cũ thì tổng hợp hình phạt vẫn là tù chung thân. Như vậy, anh phải trở lại vạch xuất phát từ con số không. Tuy nhiên, đến một thời hạn nhất định khi anh đã chấp hành tối thiểu là 15 năm tù (1/2 thời hạn của án có thời hạn cao nhất là 30 năm tù), Hội đồng xét giảm án có thể sẽ xem xét, cân nhắc và giảm án cho anh.

Thật vậy hả anh? Hải hỏi xong câu đó toàn thân rũ xuống, hai tay ôm chặt đầu trong sự đau đớn và thất vọng tận cùng.

Bị án Trần Đình Chiến bị triệu tập đến tòa khi y đang thụ án tại Trại giam Nam Hà với tư cách nhân chứng của vụ án. Quá lâu để nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra cách đây hơn 10 năm. Một con người tiều tụy, nói hụt hơi, đôi mắt mệt mỏi luôn cúi xuống trước mỗi câu trả lời thẩm vấn.

Bị án Trần Đình Chiến bị triệu tập đến tòa với tư cách người làm chứng
Bị án Trần Đình Chiến bị triệu tập đến tòa với tư cách người làm chứng

Những điều không nhớ rõ, Hội đồng xét xử lại công bố lời khai của y tại cơ quan điều tra. Tuy nhiên, có một chi tiết mà y không biết diễn đạt một cách trọn vẹn, đó là cái túi đựng thuốc phiện bằng chất liệu gì, màu sắc ra sao. Lời khai của y luôn mâu thuẫn, song cuối cùng y cũng nhớ được, đó là chiếc túi may bằng vải bao tải màu xám.

Còn bị cáo Lê Hồng Hải, sau khi các chiến sĩ cảnh sát dẫn Chiến vào phòng cách ly, Hải được giải ra vành móng ngựa để thẩm vấn. Bản năng và sự khao khát tự do đã biến con người mà tôi vừa trò chuyện thành một người khác. Hải khăng khăng chối tội, cho rằng không quen biết Chiến, không có chuyện nhờ Chiến vận chuyển hộ thuốc phiện, không về Hà Nội trên chuyến xe hôm đó...

Tóm lại là Hải đã phủ nhận tất cả những lời đã khai trước đó tại cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử căn cứ vào lời khai của các nhân chứng, tang vật bị thu giữ có đủ cơ sở kết luận Hải chính là người đã nhờ Chiến vận chuyển hộ bao tải đựng 23 kg thuốc phiện từ Sơn La về Hà Nội vào sáng sớm ngày 4-2-1994.

Và bản án mà Hội đồng xét xử quyết định với Lê Hồng Hải là tù chung thân. Khi nghe tòa tuyên án, Hải lặng người trong giây lát, toàn thân rung lên. Đợi cho các thành viên trong Hội đồng xét xử bước ra khỏi phòng xử án, các chiến sĩ công an mới dẫn giải bị cáo ra xe để trở về Trại tạm giam Hà Nội. Bị cáo lê từng bước, đôi mắt dại đi và hình như y không nghe rõ tiếng gọi trong nước mắt của những người ruột thịt đang bước vội phía sau.

Nguyễn Tuấn