Không quân Nga gặp ác mộng khi Ukraine nhận tiêm kích JAS 39 Gripen?

ANTD.VN - Tiêm kích JAS 39 Gripen được giới chuyên gia quân sự nhận xét sẽ giúp Ukraine giành lợi thế lớn trước Không quân Nga.

Cùng với F-16 của Mỹ, các loại chiến đấu cơ do châu Âu sản xuất, trong đó nổi bật là tiêm kích JAS 39 Gripen đang được cân nhắc để chuyển giao cho Ukraine sau khi các phi công nước này hoàn thành chương trình đào tạo, đây là viễn cảnh rất xấu đối với Nga.

Những chữ cái viết tắt hợp thành tên gọi JAS 39 Gripen có ý nghĩa như sau: Jakt (không đối không), Attack (không đối đất) và Spaning (trinh sát), cho thấy đây là một chiến đấu cơ cực kỳ toàn diện.

JAS 39 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 9/12/1988 và chính thức hoạt động trong thành phần Không quân Thụy Điển từ 9/6/1996. Chiếc tiêm kích này được sản xuất bởi Tập đoàn Saab nổi tiếng.

Gripen được coi là máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ thế hệ thứ 4 với trọng lượng rỗng chỉ 6.800 kg và trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 14.000 kg. Kích thước của máy bay gồm chiều dài 14,1 mét, sải cánh 8,4 m và chiều cao 4,5 m.

Đây là chiếc tiêm kích được thiết kế với giải pháp kỹ thuật thông minh, sẵn sàng thích ứng với công nghệ mới khi chúng có sẵn và rất thích hợp khi chống lại các mối đe dọa đã hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai, Gripen dự báo còn thống trị bầu trời trong nhiều thập kỷ tới.

Trong trường hợp JAS 39 Gripen được giao cho Ukraine, nó sẽ phải đối đầu những chiến đấu cơ mạnh nhất của Nga. JAS 39 dự báo ít có cơ hội gặp Su-57 vì tiêm kích tàng hình này chưa sẵn sàng cho những trận không chiến, thay vào đó đối thủ của nó sẽ là Su-35 Flanker-E.

Trong kịch bản đối đấu, giới phân tích cho rằng lợi thế lớn thuộc về JAS 39. Trước hết, khi so sánh khả năng không chiến tầm xa, radar N035 Irbis của Su-35 phát hiện được mục tiêu từ cự ly 400 km, nhưng đó phải là vật thể cỡ máy bay ném bom chiến lược.

Tầm trinh sát của radar Su-35 sẽ giảm đi rất nhiều nếu đối tượng là một chiếc tiêm kích nhẹ như JAS-39. Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng theo nhận định thì con số này chỉ vào khoảng 100 km.

Mặt khác, công nghệ radar quét mảng pha điện tử thụ động của Su-35 có đặc tính kỹ thuật không cao, ưu điểm là có thể nhìn thấy mục tiêu ở khoảng cách rất xa nhưng lại không thực sự chính xác.

Với diện tích phản xạ radar rất lớn của mình của mình, Su-35 có thể bị lộ diện trước radar PS-05/A Mark 5 AESA của JAS 39 từ cự ly 120 km. Khi cự ly phát hiện không chênh lệch quá lớn thì vũ khí tấn công tầm xa sẽ phát huy vai trò tối quan trọng.

Tên lửa tầm bắn xa nhất của Su-35 là KS-172 tiêu diệt được mục tiêu cách xa 300 km, nhưng đó chỉ là máy bay lớn có tính năng thao diễn kém như B-52 hoặc AWACS. Còn khi chạm trán tiêm kích đối phương, Su-35 vẫn phải trông chờ vào tên lửa R-77.

Đối với tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn, Not Escape Zone - NEZ (Vùng không thể trốn thoát) là thuật ngữ để chỉ khu vực mà trong đó máy bay địch không thể sử dụng sự nhanh nhẹn thuần túy để tránh tên lửa. Trong thế đối đầu, tên lửa R-77 có NEZ vào khoảng 30 - 40 km.

Trong khi đó JAS 39 đã được trang bị tên lửa không chiến tầm xa tiên tiến nhất thế giới là Meteor có tầm bắn tối đa 185 km (so với 150 km của R-77) và đặc biệt chỉ số NEZ cực kỳ ấn tượng - trên 100 km, gấp 3 lần R-77.

Rõ ràng Meteor đã mang lại cho JAS 39 lợi thế cực lớn khi giao chiến ngoài tầm nhìn trước Su-35, loại tên lửa này ưu việt đến mức Mỹ đang xem xét để trang bị nó như là vũ khí chính của F-22 và F-35.

Tiếp theo khi xét đến khả năng không chiến quần vòng cự ly ngắn thì tiêm kích Su-35 với động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) và tốc độ lớn được đánh giá trội hơn JAS 39.

Nhưng lợi thế này của Su-35 không quá rõ rệt khi Gripen cũng là một tiêm kích rất cơ động. Bên cạnh đó, 2 động cơ cỡ lớn AL-41F1S lại khiến Su-35 trở nên "sáng rực" trước đầu dò hồng ngoại của tên lửa nhiệt, hơn hẳn 1 động cơ Volvo RM12 của JAS 39.

Tương tự Meteor, JAS 39 cũng có lợi thế lớn với tên lửa không chiến trong tầm nhìn với chức năng "khóa mục tiêu sau khi phóng" loại IRIS-T, ưu việt hơn hẳn R-73 của Su-35 vẫn yêu cầu phi công phải bắt mục tiêu rồi mới bắn được.

Với tính năng ưu việt của mình, tiêm kích JAS 39 Gripen nếu xuất hiện trong thành phần tác chiến của Không quân Ukraine hoàn toàn đủ khả năng gây ra những "cơn ác mộng" cho các phi công Nga.