Không phòng, khó tránh

(ANTĐ) - Như một quy luật, cứ mùa hè đến, thời tiết nóng nực là hoạt động của trộm đêm lại gia tăng. Nhà có chủ, sơ hở, trộm gây án dễ. Và càng dễ hơn đối với những gia chủ đi vắng dài ngày mà chủ quan, mất cảnh giác.

Ẩn họa trong bóng đêm:

Không phòng, khó tránh

(ANTĐ) - Như một quy luật, cứ mùa hè đến, thời tiết nóng nực là hoạt động của trộm đêm lại gia tăng. Nhà có chủ, sơ hở, trộm gây án dễ. Và càng dễ hơn đối với những gia chủ đi vắng dài ngày mà chủ quan, mất cảnh giác.

>>>Bài 1: Trộm đột nhập quá dễ

Độ cao của những ngôi nhà như thế này không có ý nghĩa với kẻ trộm nên quan trọng là phải đề cao cảnh giác

Độ cao của những ngôi nhà như thế này không có ý nghĩa với kẻ trộm nên quan trọng là phải đề cao cảnh giác

“Tiên trách kỷ…”

Tìm hiểu những vụ trộm xảy ra ở khu tái định cư Thượng Thanh nói riêng và những vụ trộm đêm khác trên địa bàn thành phố, chúng tôi nhận thấy một đặc điểm chung là trong nhiều vụ trộm, bị hại không đến trình báo cơ quan chức năng, chính quyền sở tại. Thậm chí như trong vụ trộm của ổ nhóm Trần Doãn Hường, có bị hại CQĐT phải vận động 3, 4 lần mới chịu đến trình báo. Việc xác định được những bị hại “khó tính” này không phải do họ nói ra, mà từ lời khai của chính đối tượng trộm cắp.

Bi hài nhất ở khu tái định cư Thượng Thanh, có gia đình vị cán bộ cơ sở 2 lần bị trộm đột nhập trong 2 đêm liên tiếp. Đêm đầu tiên, bọn gian (chính là nhóm trộm của tên Hường) đột nhập nhưng không lấy được gì. Đêm hôm sau, chúng “phục thù”, “câu” được điện thoại di động của gia chủ để ngay cạnh giường ngủ. Câu chuyện bị mất trộm tài sản ấy phải đến khi CSKV hỏi, vị cán bộ cơ sở mới gãi đầu, gãi tai: “Tớ ngại mang tiếng mất cảnh giác, với lại tài sản bị mất cũng không lớn”.

Trung tá Nguyễn Hồng Khanh - Đội trưởng Đội CSHS CAQ Long Biên nhận định: “Chính sự thiếu ý thức cảnh giác, không trình báo của bị hại khiến tội phạm trộm đêm có cơ hội hoành hành”. Đơn cử như hoạt động trộm đêm của nhóm đối tượng Hường ở khu tái định cư Thượng Thanh, nếu người dân trình báo sớm thì công an cơ sở đã biết để xây dựng phương án, kế hoạch mật phục, vây bắt. Phòng ngừa kém, cộng với ý thức trách nhiệm công dân chưa cao- thể hiện qua việc không trình báo cơ quan công an, đó là những “lỗi” đáng trách của người dân trong hiện tượng gia tăng tội phạm trộm đêm trên địa bàn thành phố.

Đáng lo hơn nguy cơ mất trộm

Khóa cửa cần chắc chắn
Khóa cửa cần chắc chắn

Đã đi trộm, bọn gian bao giờ cũng xác định phải đạt bằng được ý đồ. Vụ trộm xảy ra tại gia đình chị Lan ô X1 mà chúng tôi đã nêu ở phần trước là một ví dụ. Dù bị gia chủ phát hiện, nhưng tên trộm vẫn cố giằng bằng được chiếc máy tính xách tay mới chịu bỏ chạy. “Đầu trộm, đuôi cướp”, thậm chí cả… “đuôi” giết là biểu hiện không hiếm gặp ở những đối tượng lưu manh. Trung tuần tháng 4, 2 thành viên của một hộ dân ở đường Nguyễn Văn Cừ đã bị trộm dùng súng tự tạo chống trả, khi ngăn chặn ý đồ lấy trộm chiếc xe máy SH của tên gian.

Khi bị bao vây, tên gian đã rút súng bắn 3 phát về phía chủ nhà. Rất may vì đêm tối nên đối tượng không nhìn rõ mục tiêu. Ba viên đạn găm vào tường, trong sự thất thần của gia chủ. Một vụ trộm táo tợn khác được lưu trong hồ sơ của Phòng CSHS CATP Hà Nội, xảy ra ở khu vực Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng. Tên gian tìm cách lẻn vào một căn hộ 5 tầng và chui lên tum nấp. Đêm đến, đối tượng mò xuống lục lấy tài sản thì bị phát hiện. Sau khi chém trọng thương chủ nhà, đối tượng chạy ra ban công để lần sang các nhà dân gần đó, tìm cách bỏ trốn. Khá đông người dân quanh đó tham gia truy đuổi tên gian, và có người đã bị thương do y dùng hung khí điên cuồng chống trả.

Bằng mọi cách lấy trộm được tài sản và cũng bằng mọi cách chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi; đó là đặc tính tâm lý của tội phạm và tội phạm đột nhập nhà dân, trộm cắp nói riêng. Trong tình huống phải đối mặt giữa trộm và gia chủ, nguy cơ rủi ro thường nghiêng nhiều hơn về phía chủ nhà. Với bất cứ vật gì trên tay, bọn gian sẽ sử dụng làm hung khí chống trả, tấn công. Chưa kể đến loại tội phạm trộm đêm chuyên nghiệp, khi đi trộm, chúng thường thủ hung khí để sẵn sàng uy hiếp, tấn công chủ nhà nếu bị phát hiện. Nguy cơ này thực sự đáng lo ngại hơn nhiều so với việc bị mất trộm tài sản.

Nói như Thượng tá Nguyễn Bình - Phó trưởng CAQ Long Biên, “thuốc trị” đối với tội phạm trộm đêm không quá khó. Đó là công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên của công an và cán bộ cơ sở. Là việc chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình. Đi xa vắng nhà phải nhờ hàng xóm trông nom.

Tối ngủ phải chú ý khóa cửa tum, không mở cửa sổ; phải gia cố hệ thống cửa, không để chấn song quá thưa hoặc thiếu kiên cố. Khi xảy ra mất trộm, phải đến trình báo chính quyền sở tại, và thông tin với các hộ hàng xóm để cảnh giác, phòng ngừa. Ngăn chặn tội phạm và tội phạm trộm đêm nói riêng, nếu chỉ trông cả vào việc đấu tranh, bắt giữ của lực lượng công an, sẽ rất khó triệt để. Điều này đòi hỏi sự tham gia của mỗi người dân, ít nhất là bằng sự cảnh giác, bảo vệ tài sản của chính mình.

Hoàng Quân