Không nên nóng vội

ANTĐ - Phí đăng ký cấp biển số tăng 10 lần, phí trông giữ xe theo lượt tăng 4 lần, lệ phí trước bạ tăng gần 2 lần... Hàng loạt những chính sách kinh tế áp dụng từ đầu năm 2012 đã tỏ rõ hiệu quả khi lượng ô tô cá nhân đăng ký mới tại Thủ đô giảm rất mạnh. Không chỉ có vậy, nhiều người đang sở hữu xe ô tô ở Hà Nội cũng đang tính bán xe vì “sử dụng không bao nhiêu mà chi phí “nuôi” xe quá lớn“. Đây rõ ràng là những tín hiệu tốt cho thấy chính sách điều tiết đang đi đúng hướng.

Trong bối cảnh “bù đầu vì phí” như thế, việc Bộ GT-VT đưa ra đề xuất thu phí lưu hành phương tiện và phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm càng như đổ thêm dầu vào lửa. Bỏ qua những ý kiến cho rằng thu phí lưu hành phương tiện sẽ gây ra cảnh “phí chồng phí“, rồi “không khả thi”, “chưa đủ căn cứ pháp lý”... Bộ GT-VT vẫn khăng khăng quan điểm phải sớm thu phí lưu hành phương tiện. Dường như, Bộ

GT-VT đang vội vã trong việc vận dụng tối đa “cây gậy” thuế và phí để nhanh chóng “chặn đứng” thay vì “hạn chế” sự gia tăng của mọi loại phương tiện cá nhân. Sự nóng vội đó có đi ngược lại xu hướng phát triển của xã hội hiện đại? Bộ GT-VT có nhớ tới bài học “ưu tiên kiềm chế lạm phát” nhưng vẫn phải “duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý”?

Những chính sách liên quan tới hàng triệu con người, không thể làm theo kiểu “đùng một cái”. Nhiều thành phố muốn cấm hẳn xe máy đã phải lập và công bố lộ trình chi tiết, rõ ràng kéo dài từ 10-20 năm. Sao lại phải lâu như vậy mà không làm theo kiểu “đùng một cái” là bởi, những quyết sách lớn đó cần được sự ủng hộ của đại bộ phận người dân, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả xã hội và nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Chỉ cần thiếu một trong 3 yếu tố này, chính sách sẽ nửa vời, thành ra đẽo cày giữa đường.

Xã hội văn minh không thể thiếu phương tiện cá nhân. Khi còn tiểu học, người ta ước ao có cái xe đạp. Lớn lên chút nữa, người ta cần cái xe máy. Đi làm, lập gia đình, sinh con đẻ cái thì mong mua ô tô đi lại cho tiện. Đó là những mong ước bình thường và hợp pháp, chính đáng nhất là trong khi phương tiện giao thông công cộng còn nhiều hạn chế. Chẳng lẽ, chỉ vì sự nóng vội mà hàng triệu người khác sẽ phải cam chịu từ bỏ những mong muốn chính đáng của mình!?