Không nên cho phép đăng ký doanh nghiệp bừa bãi

ANTĐ - Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách hành chính là rút ngắn thời gian, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nhưng liệu có nên quá thoáng để rồi sau khi đăng ký, nhiều đơn vị không có khả năng hoạt động hoặc xuất hiện doanh nghiệp “ma”?

Không nên cho phép đăng ký doanh nghiệp bừa bãi ảnh 1Việc cấp đăng ký doanh nghiệp cần thuận lợi nhưng không nên thông thoáng quá

Hàng chục doanh nghiệp dùng chung văn phòng

Ông Dương Viết Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, có tình trạng cùng một địa chỉ nhưng rất nhiều doanh nghiệp đăng ký. “Tại quận Cầu Giấy, có văn phòng chỉ rộng 100m2 nhưng qua kiểm tra, chúng tôi thấy có 60-70 doanh nghiệp đăng ký. Doanh nghiệp không thể đảm bảo điều kiện hoạt động với trụ sở như vậy”- đại diện ngành thuế Hà Nội nói. Ông Dương Viết Hùng kiến nghị, các cơ quan liên quan cần quan tâm quản lý doanh nghiệp trong khâu cấp đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp đang được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động nhưng đáng buồn là không ít trong số đó đã lợi dụng sự ưu ái của cơ quan Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm thủ tục thành lập mà không thực hiện thủ tục giải thể theo quy định. Sau một thời gian ngừng hoạt động, chính các chủ doanh nghiệp này lại đăng ký thành lập mới mà không gặp trở ngại nào. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, có doanh nghiệp thay đổi thông tin nhưng không thông báo. Khi ngành thuế kiểm tra, thấy “có vấn đề” thì khó tìm họ ở đâu.

Báo cáo tổng kết công tác đăng ký doanh nghiệp năm 2014 của Sở KH-ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, cơ sở dữ liệu trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia với cơ quan thuế còn chưa đồng bộ; chưa có sự phản hồi thông tin hai chiều giữa cơ quan cấp đăng ký và cơ quan thuế, dẫn đến sai lệch hoặc treo dữ liệu mỗi khi doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký trên giấy phép. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh các vướng mắc về tình trạng hoạt động hoặc thông tin đăng ký doanh nghiệp không thống nhất giữa cơ quan cấp đăng ký và cơ quan thuế. 

Bà Trịnh Thị Ngân - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho hay, hiện nay, có doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, được bố trí mặt bằng nhưng lại không sử dụng. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lại thiếu địa điểm để sản xuất kinh doanh. “Cơ quan quản lý nên cung cấp thông tin về mặt bằng cho doanh nghiệp. Những khu công nghiệp nào chưa lấp đầy, khu văn phòng nào chưa được đưa vào sử dụng nên để doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê lại”- bà Trịnh Thị Ngân kiến nghị.

Giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, tính đến đầu tháng 12-2014, Hà Nội có 13.409 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng khoảng 96,5% so với năm 2013. Số doanh nghiệp giải thể là 735 doanh nghiệp, tăng 1,5% so với năm 2013. Bên cạnh đó, có 2.414 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, giảm 11,5% so với năm trước. Số thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cũng tăng lên, với 32.286 doanh nghiệp, tăng 28% so với năm 2013. Mặc dù khối lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới rất lớn, nhưng số hồ sơ cấp trước và trả đúng hạn chiếm tới 99,3%; chỉ có 0,7% số hồ sơ bị giải quyết quá hạn. 

Tuy nhiên, phản ánh từ phía doanh nghiệp cho thấy, “giấy phép con” vẫn gây phiền hà, nhất là giấy phép liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn thực phẩm. Văn bản pháp quy cũng có chỗ chưa rõ ràng. Ví dụ, thủ tục yêu cầu doanh nghiệp chỉ cần ghi ngành kinh doanh “đồ uống”. Nhưng sau khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp lại phải đi xin lại giấy phép mới để ghi thêm đồ uống “có cồn” hay “không có cồn”, dẫn đến tốn kém thời gian, chi phí.

Từ ngày 1-1-2015, Hà Nội đã giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày. Các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn để đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng đang tiến hành các biện pháp để doanh nghiệp không thể “lách luật”, thành lập ồ ạt nhưng hoạt động không hiệu quả.