Không để du khách thất vọng vì khách sạn tự phong và hướng dẫn viên "chui"

ANTĐ - Những quy định có tính ràng buộc nhằm thắt chặt hoạt động kinh doanh lữ hành đã được đưa vào Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi mà Tổng cục Du lịch vừa công bố. Vấn đề xếp hạng và thẩm định chất lượng khách sạn cũng như quản lý hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành, hướng dẫn viên được làm rõ hơn trong dự thảo lần này. 

Không để du khách thất vọng vì khách sạn tự phong và hướng dẫn viên "chui" ảnh 1

Mặc dù chưa có quy định, nhưng có những khách sạn tự ý phong 6, 7 sao 

Chưa có xếp hạng quá “5 sao”

Theo dự thảo Luật Du lịch sửa đổi vừa được Tổng cục Du lịch công bố, ở điều 71, Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sơ lưu trú du lịch được thống nhất trong cả nước theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Trong đó, khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao đối với các tiêu chí cụ thể như thiết kế kiến trúc; quy mô, diện tích buồng ngủ; nơi để xe; không gian xanh; nhà hàng, bar…

Nhiều doanh nghiệp sử dụng hướng dẫn viên nước ngoài tại Việt Nam

Tuy nhiên, trên thực tế trong một vài năm trở lại đây, việc một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn trưng biển 6 sao, 7 sao không phải là chuyện hiếm. Thậm chí có một khách sạn có tiếng ở Hà Nội đã tự nâng thành 7 sao, khi bị cơ quan chức năng “thổi còi” liền gỡ 2 sao xuống nhưng trong các ấn phẩm quảng cáo vẫn đề 7 sao. Có trường hợp cơ sở lưu trú không đạt chuẩn nhưng cũng tự động lắp “sao” để đánh lừa du khách.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thu, nguyên Giám đốc kinh doanh khách sạn Movenpick, Hà Nội, người từng hoạt động trong nhiều khách sạn quốc tế khác cho biết: “Ngay cả tiêu chuẩn quốc tế cũng chỉ quy định đến 5 sao. Khách sạn mà đạt tiêu chuẩn 5 sao đã là rất quy mô rồi. Không thể nâng quá sao được. Vì nếu cho phép 7 sao thì cũng có nơi tự phong 10 sao”. 

Cũng theo dự thảo sửa đổi thì các cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng trong thời hạn 3 năm. Sau thời hạn này, các cơ sở phải nộp hồ sơ cho Tổng cục Du lịch (đối với hạng 4 sao, 5 sao) và cho Sở VH-TT&DL địa phương (đối với hạng từ 1 đến 2 sao) để được công nhận lại hạng phù hợp với thực tế. Trước đây, đã từng có nhiều ý kiến xung quanh việc nên kéo dài hay giữ nguyên thời hạn thẩm định 3 năm này.

Đại diện một số khách sạn tại Hà Nội đưa ý kiến nên giãn thời gian thẩm định lên 5 năm, bởi trong vòng 3 năm thì “không đến nỗi xuống cấp trầm trọng”. Trái lại, theo ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Golden Tour, không nên để thời hạn thẩm định quá dài. Trên thực tế, nếu không nói đến các cơ sở lưu trú trong thành phố, ở các vùng ven biển hạ tầng xuống cấp rất nhanh. Nếu chủ đầu tư không kiểm tra, nâng cấp… khó tránh khỏi tình trạng xập xệ, nhếch nhác. 

Lách luật bằng hướng dẫn viên “ngồi”

Đối với hoạt động kinh doanh lữ hành đang có nhiều biểu hiện phức tạp, tại điều 47 dự thảo cũng quy định chi tiết các trường hợp vi phạm liên quan đến sử dụng hướng dẫn viên.

Trong đó có các nội dung như: sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên hoặc thẻ hết hạn để hướng dẫn khách; sử dụng hướng dẫn viên du lịch nội địa để hướng dẫn cho khách du lịch nước ngoài và khách ra nước ngoài du lịch; sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam. Nếu vi phạm các điều này, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ kinh doanh 6 tháng.

Nhận định về điều này, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (Vitours) cho biết: “Việc sử dụng hướng dẫn viên nước ngoài để đi tour trong nước thường chỉ xảy ra đối với doanh nghiệp nước ngoài “đội lốt” làm ăn ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đưa khách Trung Quốc, Hàn Quốc… đến nước ta thuê một hướng dẫn viên Việt Nam có thẻ đi theo đoàn, nhưng thực chất chỉ làm “bình phong”. Còn người dẫn đoàn lại là hướng dẫn viên từ nước họ. Cần phải chấn chỉnh lại tình trạng này”. 

Cũng theo đại diện Vitours, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế cũng như chính sách quản lý đối với hướng dẫn viên. Trên thực tế, việc doanh nghiệp phải “nuôi” hướng dẫn viên trong khi hướng dẫn viên ra ngoài “gom tour” để thêm thu nhập không phải chuyện hiếm.

Bởi lẽ không phải doanh nghiệp nào cũng đưa ra những điều kiện ràng buộc, yêu cầu và quyền lợi khi ký hợp đồng với hướng dẫn viên nên họ đa phần làm việc tự do hơn là làm cố định cho một công ty nào. Thành ra, hướng dẫn viên thừa vẫn thừa, thiếu vẫn hoàn thiếu.