Không để “dịch chồng dịch” trong mùa Đông Xuân

ANTD.VN - Mùa Đông Xuân là thời điểm dễ bùng phát các bệnh lây qua đường hô hấp như sởi, cúm, quai bị, thủy đậu, ho gà... Ngay dịch Covid-19 cũng được cảnh báo là tăng nguy cơ quay trở lại vào mùa đông xuân, nhất là dịp Tết khi số người từ nước ngoài trở về Việt Nam sẽ tăng đột biến. Làm thế nào để tránh “dịch chồng dịch”?

Nhằm cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho người dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội phối hợp cùng Báo An ninh Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tư vấn phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân”. Các chuyên gia tham gia trả lời bạn đọc gồm: BSCKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội; ThS.BS Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì; BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn.

Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Chu Quốc Dũng tặng hoa các vị khách mời

Phòng chống Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu

- Tôi có người nhà ở Nhật Bản tới đây sẽ về nước ăn Tết. Xin hỏi làm thế nào để có thể đăng ký cách ly tại nơi lưu trú hoặc nhà riêng?

BSCKII Khổng Minh Tuấn: Hiện nay, tất cả công dân Việt Nam sau khi nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở của thành phố quy định. Sau khi có xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được thực hiện cách ly tại 1/19 khách sạn được cấp phép tổ chức cách ly theo yêu cầu. Trước khi người nhà của bạn về nước thì bạn cần liên hệ với các cơ sở cách ly, đồng thời có đơn gửi cơ sở cách ly tập trung để được giải quyết. Danh sách các khách sạn cách ly tự nguyện được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Hà Nội.

- Khi được đưa vào khu cách ly, những người cách ly sẽ được lấy mẫu xét nghiệm bao nhiêu lần, chi phí thế nào? Người cách ly có phải chi trả tiền sinh hoạt, ăn ở gì nữa không?

- ThS.BS Khuất Văn Sơn: Người được đưa vào khu cách ly tập trung sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và khoảng ngày thứ 13 ở khu cách ly tập trung. Chi phí xét nghiệm Covid-19 ở khu cách ly tập trung hiện nay là 734.000 đồng/lần/người xét nghiệm. Người được xét nghiệm sẽ phải nộp 120.000 đồng/ngày/người, gồm chi phí ăn uống và chi phí khác.

- BSCKII Khổng Minh Tuấn: Việt Nam đang thực hiện tổ chức cách ly tập trung cho tất cả hành khách nhập cảnh trong thời gian đủ 14 ngày và 2 lần xét nghiệm. Sau khi kết thúc cách ly đủ 14 ngày, những người này sẽ tiếp tục được theo dõi tại địa phương trong vòng 1 tuần. Trong khoảng thời gian đó, nếu có bất kỳ hiểu biện bất thường nào của sức khỏe, cần phải đến các cơ sở y tế để khám và loại trừ Covid-19. Nghĩa là sau 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam và đã được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì bạn có thể yên tâm, không có nguy cơ mắc Covid-19. Còn trong trường hợp bạn muốn được tư vấn thêm để yên tâm hơn thì gọi điện đến đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội: 0969.082.115 hoặc 0949.396.115.

- Huyện Thanh Trì có một số khu cách ly tập trung người nhập cảnh phòng dịch Covid-19. Xin hỏi các cơ quan có những biện pháp gì để đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhất là khi mới đây ở TP.HCM đã có trường hợp lây nhiễm tại khu cách ly?

ThS.BS Khuất Văn Sơn: Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị liên quan, đặc biệt là lực lượng quân đội thực hiện nghiêm túc tất cả biện pháp đảm bảo an toàn trong khu cách ly và an toàn cho người dân vùng lân cận khu cách ly. Người dân ở các khu vực này có thể an tâm không bị lây nhiễm từ khu cách ly tập trung.

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương (bên phải) trả lời các câu hỏi của bạn đọc

Chú trọng phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện

- Hiện nay nếu vào bệnh viện, chúng tôi rất lo ngại tình trạng đông đúc và có nguy cơ lây nhiễm chéo. Xin hỏi Bệnh viện Thanh Nhàn có biện pháp gì để phòng, tránh lây nhiễm chéo?

- BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương: Theo sự phân công của Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn là cơ sở cách ly cho những người nghi ngờ mắc Covid-19. Nếu phát hiện ra những bệnh nhân dương tính với Covid-19, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương CSII để điều trị. Bệnh viện Thanh Nhàn đã thành lập một đội sàng lọc bệnh nhân ngay từ cổng bệnh viện với các công việc cụ thể như đo nhiệt độ, khai báo y tế và nhắc nhở yêu cầu đeo khẩu trang trước khi vào khuôn viên bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện đã có hệ thống biển báo, nội quy quy chế niêm yết tại những nơi đông người, thuận tiện cho người nhà bệnh nhân tuân thủ. Ngoài ra, để nâng cao ý thức cho người dân, bệnh viện có phát loa hàng ngày yêu cầu tuân thủ phương pháp “5K” theo đúng quy định của Chính phủ. Đề nghị người dân đến bệnh viện cần tuân thủ phương pháp: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung đông người - khai báo y tế.

- Vừa rồi tôi thấy truyền hình thông tin Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạn chế tối đa hoặc không cho người nhà bệnh nhân vào viện trông nom bệnh nhân. Xin hỏi tại Bệnh viện Thanh Nhàn, quy định như thế nào?

- BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương: Để thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về hạn chế tối đa người nhà đến thăm, nom bệnh nhân, Bệnh viện Thanh Nhàn đã có những nội quy rất rõ ràng, niêm yết tại những nơi dễ nhìn, dễ thấy và những nơi tập trung đông người. Tại các khoa, phòng, chỉ cho phép một người nhà chăm nom khi cần thiết và yêu cầu người nhà cũng như bệnh nhân bắt buộc đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện.

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương

Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh

- Tôi ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Đợt này thấy nhiều nhà có con nhỏ ở khu vực tôi sinh sống bị mắc tay chân miệng. Xin hỏi lúc này có phải cao điểm của bệnh tay chân miệng hay không, bệnh này có lây sang các trẻ khác không?

- ThS.BS Khuất Văn Sơn: Tay chân miệng là bệnh do virus, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Hiện nay vẫn có trường hợp mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội. Khi mắc tay chân miệng cần thông báo cho trạm y tế phường và nơi cháu học để được hướng dẫn phòng bệnh. Trước hết, gia đình cần đảm bảo vệ sinh nơi ở, vệ sinh bàn tay, cơ thể cho cháu. Đồng thời, để cháu hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan.

- Theo tôi biết vào thời điểm đông xuân thường là cao điểm của dịch cúm mùa, cúm A, thế nhưng cúm A có rất nhiều chủng. Vậy tiêm phòng thế nào để hiệu quả?

- BSCKII Khổng Minh Tuấn: Cúm A hay cúm mùa là một loại bệnh thường xuyên xuất hiện ở Việt Nam hiện đã có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, miễn dịch của vaccine không bền vững. Vì vậy, để phòng không mắc cúm mùa thì cần phải tiêm vaccine hàng năm (mỗi năm 1 lần).

- Tôi đã tiêm vacine thủy đậu cho con nhưng chưa tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, thời gian tiêm mũi 1 cách đây hơn 1 năm. Vậy tôi có phải tiêm lại từ đầu không thưa chuyên gia?

- BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời: Với vaccine thủy đậu, thời gian tiêm nhắc lại của mũi 2 với mũi 1 là 3 tháng đối với trẻ dưới 12 tuổi, và ít nhất 1 tháng đối với trẻ 13 tuổi trở lên và người lớn. Con bạn đã tiêm mũi 1 được hơn 1 năm, và hiện nay chưa tiêm mũi 2 như vậy chưa đủ khả năng miễn dịch. Vì vậy, bạn cần phải cho cháu đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn để tiêm phòng tiếp tùy theo tình trạng của trẻ.

- Hôm trước tôi vào Bệnh viện Đống Đa thăm người nhà bị sốt xuất huyết (SXH), mới biết đợt này có rất nhiều người mắc SXH. Trước đây tôi vẫn nghĩ SXH chỉ tăng mạnh vào mùa mưa, đến mùa lạnh là hết, vậy có phải bệnh này đã thay đổi?

- BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương: Bệnh SXH tiềm ẩn cả năm, nhưng thường bùng phát vào dịp mưa nắng thất thường. Việc bệnh này có khả năng lây lan mạnh còn phụ thuộc vào ý thức của người dân, ví dụ như không nằm màn, môi trường sống xung quanh còn nhiều vật dụng chứa nước như tiểu cảnh, chai lọ, thùng nước... đó là môi trường để muỗi sinh sôi, nảy nở và phát triển.