Hạn hán kỷ lục ở miền Trung:

Không có giải pháp lâu dài, “cơn khát” còn tái diễn

ANTĐ - Cơn mưa rào giữa tuần qua ở Nghệ An, Quảng Bình… chỉ như muối bỏ bể, các tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục gánh chịu đợt hạn hán kỷ lục. Tỉnh Ninh Thuận đã trải qua 6 tháng không mưa, còn Bình Thuận cũng đang “khát cháy”. Hỗ trợ lương thực, kinh phí… chỉ là những giải pháp tình thế, nếu không có chiến lược dài hơi hơn thì tình trạng này sẽ còn tái diễn gay gắt.

Không có giải pháp lâu dài, “cơn khát” còn tái diễn ảnh 1Cây cối chết khô vì không có nước tưới trên những mảnh ruộng khô cằn

Các tỉnh Nam Trung bộ khát nước

Đầu tháng 6, tỉnh Ninh Thuận đã phải ban bố tình trạng thiên tai do hạn hán kéo dài, 6 tháng không mưa, cuộc sống của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Hàng nghìn hộ gia đình rơi vào cảnh thiếu đói vì không thể sản xuất, trồng trọt. UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đến trung tuần tháng 6, toàn tỉnh có khoảng 5.500 hộ với hơn 23.100 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt; 1.300 con gia súc đã chết liên quan đến hạn. Diện tích cây trồng vụ đông xuân bị mất trắng 501ha, diện tích giảm năng suất 1.578ha. Tổng diện tích phải dừng sản xuất vụ đông xuân là 6.100ha. Vụ hè thu này hơn 10.200ha phải dừng sản xuất do thiếu nước. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã hỗ trợ cho tỉnh 172 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra. Các địa phương thiếu nước sinh hoạt đã được cấp nước. 

Tiếp sau Ninh Thuận, hiện Bình Thuận cũng rơi vào cảnh tương tự. Bình Thuận có 525ha lúa, 450ha cây thanh long bị hạn hán nghiêm trọng, thiệt hại từ 30-70% sản lượng. Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân đã lên tới hơn 78,4 tỷ đồng. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra trên diện rộng tại Bình Thuận sẽ còn kéo dài tới tháng 7, tháng 8-2015. Hiện, 23.870 hộ dân với 119.350 khẩu đang rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. 

Những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm có nguồn nước, dù là nhỏ nhoi từ các khe suối để chống hạn, cứu lúa, cứu cây trồng đã được đưa ra. Người dân đã khoan giếng, đào giếng, khai thông nạo vét những dòng kênh, dòng sông để khai thác nguồn nước ngầm và nước mặt, nhưng phần lớn các giếng đều không có nước. Hy vọng mong manh từ nỗ lực đầu tư tìm kiếm ở độ sâu của đất và các ngọn núi có tia nước đem lại sự sống cho những ruộng lúa, những đàn gia súc cũng dần tan biến. 

Xây hồ chứa, đập dâng tính kế lâu dài

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng hạn hán khốc liệt trong vòng 2 thập kỷ qua tại các tỉnh miền Trung là do rừng đầu nguồn bị phá nghiêm trọng, đặc biệt ở Ninh Thuận. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của El Nino năm nay nghiêng về pha nóng, nên mưa trên cả nước cũng được dự báo đến muộn và lượng mưa giảm so với hàng năm. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ 532 tỷ đồng và hơn 13.000 tấn gạo cho các địa phương trong vụ đông xuân.

Nhìn nhận việc hỗ trợ các địa phương về mặt kinh phí để chống hạn chỉ là giải pháp tình thế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thủy lợi khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong đó sẽ xây dựng một số hồ chứa lớn và nhỏ để trữ nước như hồ Tân Mỹ có dung tích 220 triệu m3. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã đồng ý xây đập dâng có mức đầu tư 3.000 tỷ đồng để chống hạn cho Ninh Thuận. “Bên cạnh các giải pháp công trình, một số giải pháp phi công trình cũng cần phải thực hiện để chống hạn về lâu dài cho khu vực này. Chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh Ninh Thuận phải xem lại quy hoạch rừng, trồng lại rừng để giữ nước. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch cây trồng, không để tái diễn tình trạng phá rừng để trồng cà phê, tiêu…”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ sẽ được hoàn thành một phần vào mùa khô 2016- 2017. Nếu hoàn thiện toàn bộ, hệ thống thủy lợi này sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 3.700ha đất. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các tỉnh khô hạn vùng Nam Trung bộ trong việc chống hạn.