Chuyển hóa 10 địa bàn trọng điểm về ANTT (2)

Không có chỗ cho sự bị động

ANTĐ - Rất ít trong số 10 địa bàn trọng điểm về ANTT mà chúng tôi đi khảo sát, tiếp xúc, có được giải pháp hay hoặc những kết quả cụ thể chứng minh việc đang “từng bước giảm hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội”. Có phường lập hồ sơ “chuyển hóa phức tạp” tới vài chục trang giấy, nhưng chỉ huy CAQ sau khi đọc xong đã thẳng thắn nhận xét: “Không có gì cụ thể trong giải pháp đề ra”!

Tính chất đầu mối của chợ Đồng Xuân đã khiến địa bàn phường trở thành “điểm” về phức tạp ANTT


“Mách có chứng”

Đặt câu hỏi với lãnh đạo xã Kim Chung, huyện Đông Anh về những biện pháp cụ thể  nhằm chuyển hóa tình hình phức tạp ANTT địa bàn, chúng tôi được cung cấp “bộ” tài liệu tương đối bài bản: quyết định về việc ban hành quy chế hoạt động của BCĐ thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT (do Bí thư Đảng ủy xã Trần Đức Thái ký ngày 10-4); kế hoạch đấu tranh, chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT (do Chủ tịch UBND xã Phan Văn Biên ký ngày 14- 4); quyết định thành lập BCĐ phòng chống tội phạm; kế hoạch mở đợt cao điểm tập trung đấu tranh trấn áp tội phạm về tệ nạn xã hội trên địa bàn (từ 15-4 đến 15-8); kế hoạch quản lý người lao động tỉnh ngoài tạm trú trên địa bàn (có sự phê duyệt của Chủ tịch UBND xã Phan Văn Biên ngày 5-5)… 

Nghĩa là về hình thức, xã Kim Chung đã thực hiện đủ các bước để “chuyển hóa điểm”. Tuy nhiên đi vào thực hiện, những thành viên trong BCĐ chuyển hóa của xã lại hết sức lúng túng. Một thành viên trong BCĐ chuyển hóa địa bàn trọng điểm xã thừa nhận: “Không thể “quản” hết các nhà trọ, bởi mỗi đêm, nếu đi kiểm tra giỏi lắm cũng chỉ được mươi nhà. Trong khi toàn xã có tới hơn 1.000 nhà trọ”. Dấu hiệu lúng túng, bất lực trong công tác quản lý nhân hộ khẩu - vấn đề “sống còn” đối với Kim Chung, thể hiện rõ nét qua sổ ghi thông tin vụ việc xảy ra trên địa bàn của Ban công an xã. Xin trích dẫn: “10h15 ngày 10-7, chị Triệu Thị Lành, SN 1992, tạm trú ở thôn Bầu đến trình báo bị kẻ gian đột nhập phòng trọ, lấy đi 2 ĐTDĐ, tiền mặt và thẻ ATM. Sự việc được cho là xảy ra hôm 14-7. Tiếp tục, 10h20 ngày 10-7, chị Trần Thị Huyền, SN 1992, trú ở thôn Bầu, đến trình báo kẻ gian phá khóa cửa phòng trọ, lấy đi 1 ĐTDĐ và thẻ ATM. 22h30 cùng ngày, Ban công an xã Kim Chung bắt quả tang vụ đánh bạc tại một nhà trọ ở thôn Bầu; 5 con bạc bị bắt tại chỗ”…

Một sự bị động khác, chúng tôi bắt gặp tại xã Cổ Nhuế. Ngày 12-7, khi cùng đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm xây dựng dọc hành lang đường sắt tuyến Bắc Hồng (Đông Anh) - Văn Điển; chúng tôi bắt gặp cùng lúc 2, 3 công trình đang xây dựng ngay trong phạm vi an toàn hành lang đường sắt. Hỏi tên chủ hộ vi phạm, cán bộ xây dựng nói một đằng, công an viên thông tin một nẻo. Thậm chí, thời điểm chủ hộ vi phạm dọn đến ở, công an viên cũng không nắm được. Hỏi, “thế ban công an xã đã quán triệt chủ trương chuyển hóa địa bàn điểm về ANTT?”, đồng chí công an viên phụ trách địa bàn trả lời: “Thì vẫn cứ làm như bình thường thôi. Vất vả lắm, mỗi công an viên quản lý 5.000-6.000 dân, sao xuể”.

Muốn thành công, phải nhận thức tốt

“Chúng tôi xác định, việc thành phố chọn Phúc Xá là 1 trong 10 địa bàn trọng điểm cần tập trung biện pháp đảm bảo ANTT chính là cơ hội lớn. Tranh thủ được cơ hội ấy, địa bàn sẽ ổn định, cuộc sống của người dân cũng sẽ bình yên”, Trung tá Kim Minh Đức- Trưởng CAP Phúc Xá trao đổi.

Khi đã được chọn “điểm”, tự thân cán bộ quản lý địa bàn ý thức được nguy cơ, tồn tại khiến tội phạm và tệ nạn xã hội có thể lợi dụng hoạt động. Nhưng đã 3 tháng bắt tay thực hiện chủ trương chuyển hóa phức tạp địa bàn, có nơi vẫn bình chân như vại; có nơi bị động, chỉ biết chờ đợi sự hướng dẫn, hỗ trợ, tăng cường của cán bộ quận, huyện, thành phố. Phổ biến nhất là tình trạng “khoán” mọi phần việc, trách nhiệm cho lực lượng công an mà “quên” mất yêu cầu trong chủ trương mà thành phố đặt ra, đó là bí thư Đảng ủy xã, phường phải là trưởng ban chỉ đạo việc thực hiện công tác chuyển hóa phức tạp. 

Việc chuyển hóa 10 địa bàn trọng điểm về ANTT không thể thực hiện trong tức khắc, chưa thể nhìn thấy trong ngày một ngày hai. Song điều đó không đồng nghĩa với việc, sau 3 tháng triển khai, cấp cơ sở vẫn chưa định hình được lộ trình chuyển hóa. Lực lượng chức năng thành phố, quận, huyện vào cuộc là hết sức cần thiết. Quan trọng hơn cả chính là sự chủ động của cấp cơ sở, từ nhận thức đến triển khai biện pháp thực hiện. Sẽ không thể có sự chuyển hóa nào, nếu tâm lý bị động, ngại việc còn tồn tại.