Không chỉ vì một vài “viên sỏi, viên sạn” mà nghi ngờ cả chủ trương về sách giáo khoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, chúng ta được nghe nói và được biết nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng về “sỏi và sạn” trong SGK vì cứ có một “viên sạn” thì mạng nói rất nhiều…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong mỗi quyển sách giáo khoa là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, các nhà khoa học thì rất ít ai nói đến. Như vậy liệu có công bằng?

Vừa qua, Bộ Giáo dục có tổng kết, đánh giá về việc một năm triển khai sách giáo khoa mới, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị đánh giá cho thấy ý kiến của các thầy cô trực tiếp dạy lớp 1 phản ánh sách giáo khoa mới được thiết kế theo chương trình 2018 rất hứng thú trong việc dạy. Với tính mở, sách giáo khoa là công cụ để giáo viên được chủ động, hứng thú hơn.

Theo Bộ trưởng, điều này đã cho thấy chủ trương của chương trình giáo khoa chương trình 2018 theo hướng từ trang bị kiến thức chuyển sang phát triển năng lực của học sinh là một hướng đi đúng và Nghị quyết 88 của Quốc hội là đúng đắn trong việc đổi mới chương trình phổ thông.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn

Sách giáo khoa mới khiến người dạy hào hứng hơn và qua đánh giá, học sinh lớp 1 chủ động hơn, khả năng đọc viết năng động hơn. Để đánh giá được cả chương trình phổ thông chỉ qua lớp 1 thì chưa nói được nhiều nhưng cũng là dấu hiệu để chúng ta quyết tâm tiếp tục con đường đổi mới mà chúng ta đã chọn.

Về chất vấn của Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) liên quan đến giải pháp đối với SGK, Bộ trưởng cho biết, để có được bộ sách chất lượng, cần nhiều yếu tố như người soạn, quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến các đối tượng liên quan khác nhau. Bộ đang sửa đổi Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định biên soạn và thẩm định, xuất bản sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ trương giám sát đồng hành với các nhóm tác giả ngay từ đầu, không phó thác cho tác giả, nhà xuất bản. Đặc biệt, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng thẩm định SGK cũng có sự thay đổi và họ sẽ được ghi tên vào SGK để cùng chịu trách nhiệm với tác giả.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cùng về nội dung này, Bộ trưởng khẳng định, bất kỳ tài liệu nào được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phải đạt chuẩn mực về tính khoa học và tính sư phạm. Trong quá trình sửa đổi Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, Bộ đã quy định tỷ lệ thẩm định cụ thể với sách giáo khoa.

Làm rõ chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) về việc môn lịch sử chưa hấp dẫn học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nguyên nhân nằm ở việc tổ chức dạy học còn thiên về sự kiện, số liệu, chưa phát huy được nhiều sáng tạo của học sinh; quá trình thi, kiểm tra thiên về số liệu, ngày tháng lịch sử mà chưa chú trọng tư duy cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng đổi mới trong việc dạy học môn lịch sử, trong đó, tăng cường tính sáng tạo cho học sinh, không áp đặt cách hiểu trong lịch sử, không đánh đố bằng các con số, địa danh, sự kiện trong các bài thi, kiểm tra.