Khoảng tối trong lịch sử đưa trẻ ra nước ngoài làm con nuôi ở Hàn Quốc

ANTD.VN - Chính phủ Hàn Quốc, các nước phương Tây và các cơ quan nhận con nuôi đã hợp tác để đưa khoảng 200.000 trẻ em Hàn Quốc làm con nuôi, nhưng cuộc điều tra của hãng tin AP mới đây cho thấy, nhiều trẻ đã bị mua bán một cách đáng ngờ, thậm chí vô đạo đức…

Robert Calabretta (phải), đang sống ở New York, Mỹ chụp ảnh cùng bố đẻ trong một lần về thăm Daegu, Hàn Quốc năm 2020

May mắn đoàn tụ

Năm 2020, khi máy bay hạ cánh xuống Seoul, Robert Calabretta, 34 tuổi vô cùng xúc động vì sắp được gặp cha mẹ mình lần đầu tiên kể từ khi anh được 3 ngày tuổi. Trong suốt cuộc đời mình, anh nghĩ rằng họ đã bỏ rơi để đưa anh sang Mỹ làm con nuôi. Năm 2019, một cơ quan chính phủ Hàn Quốc thông báo với Calabretta rằng họ đã tìm thấy cha anh. Khi đó, anh mới biết được sự thật: Câu chuyện về nguồn gốc trên giấy tờ nhận con nuôi của anh là giả dối.

Calabretta được đưa khỏi Bệnh viện Chữ thập đỏ ở Daegu vào năm 1986. Ông Lee Sung-soo, cha anh cho biết, một người quản lý đã nói với ông rằng con trai ông bị bệnh phổi và tim nghiêm trọng. Lựa chọn duy nhất là một cuộc phẫu thuật rủi ro cao và rất tốn kém, có thể khiến trẻ tử vong hoặc bị tàn tật nghiêm trọng. Người này khuyên ông Lee nên giao con trai mình cho Holt, đơn vị tiên phong trong việc đưa trẻ em Hàn Quốc đến Mỹ, nơi sẽ chi trả cho cuộc phẫu thuật và tìm một ngôi nhà cho trẻ khuyết tật nếu cậu bé sống sót. Ông Lee đã ký vào giấy tờ, tin rằng đó là cách duy nhất để cứu con trai mình.

Trong khi cha mẹ của Calabretta nghĩ rằng con mình đã qua đời thì con trai họ đã được đưa đến Mỹ với giấy tờ ghi là con của một bà mẹ chưa kết hôn, khỏe mạnh bình thường. Khi gặp lại cha mẹ, đầu tiên Calabretta có cảm giác vui sướng vì họ vẫn còn sống và thương nhớ mình, nhưng sau đó là sự tức giận vì bản thân giống như đã bị cướp đi khỏi gia đình. Nhưng anh chỉ là một trong số nạn nhân trong hệ thống nhận con nuôi, trong đó người ta đôi khi bất chấp tất cả, chỉ cần có trẻ em để cung cấp cho người nước ngoài có nhu cầu.

Một trường hợp khác, năm 1975, Laurie Bender đang chơi trước sân nhà thì một phụ nữ lạ tới gần. Bà ta nói rằng Bender sẽ bị bố mẹ bỏ rơi vì mẹ đã có em bé mới sinh. Quá buồn bã, cô bé chỉ mới 4 tuổi đã đi theo người phụ nữ đó. Nhưng thực tế là mỗi ngày, mẹ cô bé, Han Tae-soon, đến đồn cảnh sát, văn phòng chính phủ, các cơ quan nhận con nuôi cùng bức ảnh cô con gái mất tích. Bức ảnh đó được treo khắp mọi nơi: các ga tàu điện ngầm, trên cột đèn, trên những túi đồ ăn nhẹ có quảng cáo trẻ em mất tích, nhưng Bender đã ở bên kia bán cầu, do được Holt gửi đến một gia đình người Mỹ tin rằng cô là trẻ mồ côi.

Bốn thập kỷ sau, Laurie Bender làm xét nghiệm DNA để tìm kiếm người thân vì chính con gái bà tò mò về nguồn gốc của họ. Năm 2019, bà nhận được một cuộc gọi và cùng con gái bay đến Hàn Quốc chỉ vài tuần sau đó. Mẹ của Bender, Han Tae-soon nhận ra con gái mình ngay tại sân bay. Bà Han, hiện đã ngoài 70 tuổi, dự định kiện chính phủ Hàn Quốc và Holt vì đã cướp đi con của mình. Bà vẫn giữ giấy tờ đã gửi con gái mình đi. “Đây không phải là con dấu của chính phủ sao? Tại sao lại bịa ra chuyện này và bán con tôi cho người khác?”.

Bà Han Tae-soon đăng tìm cô con gái mất tích khắp mọi nơi mà không biết con mình đã được đưa sang Mỹ làm con nuôi

Thân phận bị tráo đổi

Robyn Joy Park, được nhận nuôi tại Mỹ, trân trọng các giấy tờ của mình đến nỗi cô đã xăm số nhận con nuôi của mình: 82C-1320 lên lưng. Giấy tờ ghi rằng cô tên là Park Joo Young, sinh ra tại Busan vào tháng 8-1982 và người mẹ chưa lập gia đình không đủ khả năng nuôi con. Năm 2007, Park đã đến Hàn Quốc để gặp người phụ nữ mà Eastern, cơ quan nhận con nuôi ghi nhận là mẹ cô.

Mối quan hệ của họ ngày càng sâu sắc theo năm tháng. 5 năm trôi qua, Park đã đề nghị mẹ làm xét nghiệm DNA với hy vọng tìm thấy cha cô. Nhưng họ hóa ra không phải là người thân. Cô không phải là Park Joo Young mà là một ai đó không rõ danh tính. “Tôi thực sự rất đau lòng, choáng váng, suy sụp và vô cùng tức giận”, Robyn Joy Park kể.

Cũng trong tình trạng bị hoán đổi với người khác là Mia Sang Jørnø, lớn lên ở Đan Mạch. Cô đã tìm được người cha theo xác nhận của cơ quan dịch vụ xã hội Hàn Quốc. Cô gái này cũng đã chịu tang cha mình vào năm 2000, sau đó tìm cách liên lạc với người được cho là mẹ đẻ của mình. Họ đã làm xét nghiệm DNA nhưng cũng không có quan hệ họ hàng.

Cả Park và Jørnø đều không bao giờ tìm thấy cha mẹ ruột của mình. Cả hai băn khoăn tự hỏi điều gì đã xảy ra với bản thân mình và cả những người mà họ “đóng thế”? Theo những nhân viên nhận con nuôi trước đây, khi những đứa trẻ dự kiến đưa đi làm con nuôi đột nhiên qua đời, quá ốm yếu hoặc được gia đình ruột thịt đón về, các cơ quan môi giới thường thay thế bằng những đứa trẻ khác thay vì làm lại toàn bộ quy trình từ đầu. Năm 2021, một nhân viên lâu năm cho biết, các cơ quan đối tác phương Tây sẵn sàng nhận “bất kỳ đứa trẻ nào cùng giới tính và độ tuổi tương tự, vì sẽ mất quá nhiều thời gian để bắt đầu lại từ đầu”.

Robyn Joy Park mãi mới biết mình được nhận làm con nuôi ở Mỹ nhưng dưới danh tính của một người khác

Ngành công nghiệp nhận con nuôi ở Hàn Quốc

Ngành công nghiệp nhận con nuôi ở Hàn Quốc đã phát triển từ sau Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, khi người Mỹ nhận nuôi những đứa trẻ lai sinh ra ngoài ý muốn của phụ nữ Hàn Quốc và lính phương Tây. Đến lúc nguồn cung trẻ sơ sinh lai ngày càng cạn kiệt, Hàn Quốc chuyển sang những đối tượng mà họ coi là công dân không được chào đón: trẻ em các gia đình nghèo và những bà mẹ chưa kết hôn. Điều này mang lại hàng triệu USD cho nền kinh tế Hàn Quốc. Trong khi đó, ở phương Tây, số lượng trẻ sơ sinh có thể nhận con nuôi đã giảm mạnh. Mong muốn của đôi bên đã chạm nhau: các cặp vợ chồng ở các quốc gia giàu có muốn có con, còn Hàn Quốc muốn thoát khỏi tình trạng thiếu hụt người nuôi.

Nhưng cuộc điều tra của AP thời gian gần đây, được thực hiện với sự hợp tác của Frontline (hãng tin PBS), dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 80 người được nhận con nuôi tại Mỹ, Australia và 6 quốc gia châu Âu, cùng với người nhận con nuôi, nhân viên của cơ quan, nhân viên nhân đạo và quan chức chính phủ, đã khơi lại những mặt tối trong việc nhận con nuôi từ Hàn Quốc. Trong hàng chục trường hợp mà AP đã xem xét cùng Frontline, họ phát hiện ra trẻ em bị bắt cóc trên đường phố và đưa ra nước ngoài. Cha mẹ được thông báo rằng con mới sinh của họ đã chết hoặc quá ốm để có thể sống sót, nhưng thực tế chúng lại bị đưa đi với giấy tờ đã bị làm giả.

Các tài liệu cho thấy, các cơ quan nhận con nuôi đã tạo ra một thị trường cạnh tranh và trả một khoản tiền “hậu hĩnh” cho các bệnh viện hay trại trẻ mồ côi để cung cấp trẻ cho họ. Hệ thống này biến trẻ em thành những người không có lịch sử, không có cha mẹ, không có mối quan hệ. Nhiều người được nhận nuôi sẽ không bao giờ biết được sự thật về ngày sinh, cha mẹ ruột vì các giấy tờ đều là giả.

Năm 1982, Bộ Y tế Hàn Quốc đã thừa nhận các vấn đề phát sinh và cảnh báo các cơ quan “môi giới” nhận con nuôi cải thiện hoạt động của mình để tránh bị coi là “buôn bán người, trục lợi”. Helen Noh, học giả tại Đại học Soongsil ở Seoul, từng ghép hàng trăm trẻ em với cha mẹ người Mỹ tại Holt từ năm 1981 đến 1982 cho biết, cơ quan này tính phí người nhận con nuôi khoảng 3.000 USD cho mỗi đứa trẻ. “Lương của tôi là 240.000 won, tương đương chưa đến 200 USD/tháng. Nếu gửi đi được một đứa trẻ... số tiền thu về có thể trả lương cho ít nhất một nhân viên trong cả năm”. Các tài liệu mà AP thu thập được cho thấy các cơ quan có khả năng tính phí cao hơn nữa, khoảng 4.000 đến 6.000 USD.

Do trở thành chủ nhà của Thế vận hội năm 1988, Chính phủ Hàn Quốc đã ngừng mọi hoạt động nhận con nuôi tại bệnh viện và trại trẻ mồ côi để gỡ “tai tiếng” buôn bán trẻ em. Vào những năm 1990, số lượng trẻ em được nhận nuôi chỉ còn khoảng 2.000 trẻ, giảm mạnh so với khoảng 8.000 trẻ một năm vào giữa những năm 1980. Nhưng khi đó, hàng chục nghìn trẻ em Hàn Quốc đã trở thành con nuôi ở nước ngoài.