Khoảng tối ngành công nghiệp kinh doanh "thần tượng" của Nhật Bản

ANTD.VN - Mới đây, gia đình của Honoka Omoto, 16 tuổi, thành viên chính của nhóm nhạc thần tượng Enoha Girls đã tự tử hồi tháng 3-2018  kiện công ty quản lý yêu cầu bồi thường và làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của con gái họ. Vụ việc một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng Nhật Bản về ngành công nghiệp giải trí tưởng như hào nhoàng nhưng vô cùng phức tạp và đầy hệ lụy này.

Hôm 12-10-2018, gia đình Honoka Omoto đã nộp đơn kiện lên Tòa án quận Matsuyama chống lại Công ty giải trí H Project, đơn vị quản lý của nhóm nhạc mà  Honoka Omoto tham gia. Gia đình Omoto tuyên bố rằng lý do tự sát của con gái họ là do công việc nặng nề, áp lực cao và tình trạng bắt nạt nơi làm việc, đặc biệt là từ phía Chủ tịch công ty, Takahiro Sasaki. Nếu cô bé là một người trưởng thành, thậm chí đây có thể coi là một trường hợp “karoshi” (cái chết do làm việc quá sức).

Cô bé Honoka Omoto, thành viên nhóm Enoha Girls có ngày phải hoạt động liên tục 22 tiếng

Áp lực nhưng không thể bỏ việc

Nhóm Enoha Girls do Công ty giải trí H Project thành lập và quản lý, với khẩu hiệu “Họ là những thần tượng biết hát, nhảy và cày ruộng”. “Thần tượng” (otaku) ở Nhật Bản được hiểu là các cô gái trẻ dễ thương, do một công ty giải trí quản lý, hát những bài đơn giản hoặc đôi khi chỉ nhảy múa. Các nhóm này tuổi từ 3 đến 15, chủ yếu hoạt động quảng bá, tiếp thị với lĩnh vực phục vụ khá đa dạng, thậm chí có cả quảng bá cho tiền điện tử. Ngay như nhóm Enoha Girls, họ là khách mời thường xuyên của các sự kiện được địa phương cũng như Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản tài trợ. Honoka Omoto cùng nhóm Enoha Girls đã quảng bá cho sức hấp dẫn của nông nghiệp và đời sống nông thôn ở tỉnh Ehime, trong khi họ vẫn có kênh YouTube của riêng mình.

Các tài liệu được đệ trình lên tòa án cùng các nguồn thông tin khác đã vẽ ra bức tranh rõ ràng về một cô gái trẻ phải làm việc quá sức, cố gắng duy trì cả “nghề nghiệp” và công việc học tập của mình. Omoto gia nhập công ty giải trí vào tháng 7-2015 và đã làm tốt nhưng công việc ngày càng nặng, tăng lên hơn 10 tiếng mỗi ngày. Mẹ cô cho biết, có những ngày, cô bé hoạt động liên tục tới 22 tiếng cho cả việc làm và học tập.

Việc đào tạo ở công ty được cho là khá nghiêm ngặt. Đôi khi, Chủ tịch Sasaki điều chỉnh, ra lệnh cho học viên làm đi làm lại các động tác múa hoặc hát 4 tiếng liên tục tại các cuộc họp sau buổi biểu diễn. “Nó đã thực sự rất mệt mỏi. Tôi muốn từ bỏ. Thật đau đớn”, Omoto viết cho bạn bè. 

Các tin nhắn đó của Omoto được để lại trên ứng dụng LINE, dịch vụ nhắn tin phổ biến cho điện thoại thông minh tại Nhật Bản, cho thấy rằng trong khi cô bé cố gắng ưu tiên việc học ở trường hơn việc làm thêm thì cô bị mắng mỏ cùng với yêu cầu ngày càng leo thang từ phía công ty. Khi cô bé gửi tin nhắn rằng muốn bỏ việc thì một nhân viên trả lời: “Một cách nghiêm túc, nếu bạn nói vớ vẩn như vậy một lần nữa, tôi sẽ tống bạn ra ngoài”. Các tin nhắn trong điện thoại di động của Omoto cũng cho thấy một hình thức đe dọa và lạm dụng khác, đó là các tin nhắn đến đều theo kiểu mệnh lệnh và rất thô lỗ bởi thay vì gọi Omoto bằng tên, cô bé được gọi là “Omae”, dạng như “mày” trong tiếng Nhật.

Chọn cách giải thoát tiêu cực

Công ty đã hứa sẽ cho Omoto vay tiền để giúp cô học trung học nhưng sau đó đã hủy bỏ lời hứa khi cô gái trẻ đề cập đến việc cân nhắc rời khỏi nhóm. Một bài báo do mẹ cô bé, bà Yukie Omoto cho biết, hôm 21-3, con gái bà trước khi rời nhà đã chạy đến chỗ bà hỏi: “Mẹ ơi, hôm nay con có phải đi đến sự kiện này không?... Tôi nói: “Con nên làm những gì con cho là tốt nhất”. Mặt con tối sầm lại, rồi nhắc lại chuyện như hôm trước đã nói: “Nhưng con sợ gặp sếp (Chủ tịch Sasaki). Con sợ. Con không muốn đi. Đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của tôi với Honoka”. 

Khi bà mẹ về nhà khoảng 13h40, bà thấy chiếc xe đạp của con gái vẫn còn ở đó. Bà chạy lên tầng hai thì thấy chân của con gái mình lơ lửng trước mặt. Điện thoại thông minh của cô bé nằm trên sàn nhà. Thì ra trước đó, Omoto đã lên internet tham khảo các cách tự tử. Đám tang của thiếu nữ được tổ chức vào ngày 24-3 cùng với sự tham dự của hơn 200 người hâm mộ. 

Theo gia đình nạn nhân, một ngày trước khi Omoto tự tử, Chủ tịch Sasaki tuyên bố: “Nếu rời nhóm, cô sẽ phải trả cho tôi 100 triệu yên (891.000 USD) tiền phạt”. Điều này được H Project phủ nhận trong văn bản gửi The Daily Beast hôm 13-10. H Project thông báo: “Chúng tôi sẽ làm sáng rõ mọi thứ tại tòa án và sẽ không đưa thêm tuyên bố nào. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nhiều thông tin đăng tải không phải là sự thật”. Thông báo này lưu ý rằng Omoto gặp rắc rối khi phải cân bằng giữa công việc và việc học ở trường nhưng phủ nhận hiện tượng “quấy rối bằng quyền lực” tại nơi làm việc. 

Trường hợp không phải là duy nhất

Trường hợp của Omoto Honoka không phải là duy nhất. Thần tượng người da màu đầu tiên của Nhật Bản, Amina Du Jean, người đã nghỉ việc năm ngoái để theo đuổi bằng cử nhân xã hội học không ngạc nhiên nhưng rất buồn khi nhắc đến chuyện này. Đến từ Detroit, Michigan, Amina đã dành nhiều năm làm công việc thần tượng ở Nhật Bản. “Tôi nghĩ vấn đề là thần tượng được đối xử như những mặt hàng có thể thay thế được chứ không phải là những nghệ sĩ trẻ”, Amina nói. 

 Trong các tài khoản truyền thông xã hội của mình, Amina thường vẽ ra một bức tranh phức tạp về ngành công nghiệp thần tượng. Cô là một biểu tượng về sự táo bạo trên tạp chí Playboy của Nhật Bản nhưng vẫn phải giữ hình ảnh “tinh khiết” tuổi thiếu nữ. Amina cho biết, theo hợp đồng, thần tượng thường bị cấm có mối quan hệ tình cảm với người hâm mộ là nam giới, nhiều cô gái còn bị ràng buộc bởi điều kiện độc thân để duy trì sức hấp dẫn với nam giới.

Thực tế, tháng 12-2013, một phụ nữ 23 tuổi Nhật Bản bị công ty phát triển tài năng kiện bồi thường 82.000 USD do hẹn hò với người khác giới. Thẩm phán cuối cùng phán quyết rằng, đứng ở góc độ quản lý, cấm thần tượng có quan hệ riêng tư là kế hoạch kinh doanh tốt nhưng con người ta phải có sự tự do yêu đương, ngay cả với người làm “nghề thần tượng”. Tìm bạn khác giới là một trong những quyền tự do thiết yếu để mưu cầu hạnh phúc, yếu tố đó được đảm bảo trong Hiến pháp Nhật Bản nên không ai có thể cấm được.

Việc kiểm soát cuộc sống cá nhân của thần tượng không phải là vấn đề duy nhất. Trong 2 năm qua, nhiều thần tượng đã kiện các công ty giải trí của họ về chuyện quấy rối tình dục hay bóc lột sức lao động. Khi “tốt nghiệp”, nhiều người trong số họ có ít kỹ năng làm việc bởi lẽ tập trung vào công việc hơn học hành, kết quả một số cô gái sa vào dịch vụ có nội dung khiêu dâm. Tháng 11-2017, 4 thành viên cũ của nhóm nhạc nữ Nijiiro Fanfare đã kiện công ty quản lý vì buộc họ làm việc với số tiền lương ít ỏi hoặc “quỵt” tiền trong 2 năm, đe dọa “nghiền nát” họ nếu họ tìm kiếm công việc khác trong ngành giải trí. Các cô gái này đã ra mắt một đĩa CD vào tháng 10-2015 và có vài chương trình biểu diễn mỗi tháng nhưng chưa bao giờ được chia sẻ về doanh thu. Công ty quản lý còn đưa ra một điều khoản hợp đồng là cấm đầu quân cho công ty tài năng khác trong vòng 7 năm. 

Nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng nhất Nhật Bản hiện nay phải kể đến AKB48 có 48 thành viên từ 12 đến 26 tuổi. Họ biểu diễn hàng ngày tại sân khấu AKB48 thuộc Akihabara - thánh địa Otaku của Nhật Bản và đem về hàng triệu đô la cho công ty quản lý của họ. AKB48 được thành lập năm 2005 bởi Yasushi Akimoto và đối tác Kotaro Shiba, người mà theo nguồn tin cảnh sát và trên báo chí Nhật Bản là một thành viên của nhóm tội phạm Goto-gumi Yamaguchi-gumi. Ông Kotaro Shiba không phủ nhận điều này, nhưng nhóm Goto-Gumi tan rã vào năm 2008. Nhà phê bình xã hội và nhà văn Kaori Shoji, trong bình luận về cuốn sách có tiêu đề “AKB48 là một tập đoàn tội ác” đã ví ông Yasushi Akimoto, người sáng lập AKB48 như là tầng lớp thương gia gọi là Zegen, tồn tại ở nước Nhật 50 năm trước, chuyên mua bán các cô gái trẻ (với sự đồng ý của cha mẹ họ) cho ngành giải trí và kinh doanh tình dục. 

Chưa rõ liệu gia đình Honoka Omoto sẽ thắng kiện hay không nhưng việc làm rõ yếu tố dẫn đến cái chết của “thần tượng” này sẽ soi rọi vào mặt tối của một ngành công nghiệp, ở đó không chỉ có những thiếu nữ trẻ vui vẻ ca hát, nhảy múa mà còn bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động… Người ta cũng hy vọng rằng cái chết thương tâm của cô gái trẻ trong ngành kinh doanh giải trí là lời cảnh tỉnh để không còn xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự.