Khó xóa rào cản kỳ thị người nhiễm HIV

ANTĐ - Khoảng 3 năm trở lại đây, số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm dần qua từng năm. Tuy vậy, hiệu quả phòng chống HIV/AIDS vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng trong khi dịch còn diễn biến phức tạp.

Người nhiễm HIV cần được tư vấn đầy đủ để phòng
tránh lây nhiễm cho người thân, cộng đồng

Hơn 40% người nhiễm HIV mà không biết 

Cục Phòng chống HIV-AIDS (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù số nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm nhưng hình thái dịch đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, phức tạp. Nếu như trước đây, số mắc HIV/AIDS chủ yếu lây truyền qua nhóm nghiện chích ma túy thì từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này giảm dần, lần đầu tiên xuống dưới 11% kể từ năm 1997. Dù giảm như vậy nhưng ở hầu hết các tỉnh, dịch HIV/AIDS vẫn cao ở mức đáng báo động. Tỷ lệ lây truyền HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm thay đổi ít hơn, ở mức 2,6%, song con số này ở một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh còn ở mức rất cao (trên 10%). 

Đặc biệt, trong những năm gần đây, dịch HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) được ghi nhận ngày càng rõ hơn. Số liệu giám sát trọng điểm HIV trong nhóm MSM năm 2013 (ở 8 tỉnh) cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm trung bình là 3,7%. Các chuyên gia về HIV phân tích, quan hệ tình dục qua đường hậu môn không được bảo vệ là con đường lây truyền HIV chính trong nhóm MSM. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tiêm chích ma túy khá cao. 

Cũng theo Bộ Y tế, điều đặc biệt lo ngại là trong số 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, hơn 40% không biết tình trạng nhiễm của mình. Trong lĩnh vực điều trị, tính đến tháng 6-2014, toàn quốc có 86.771 bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) đang được điều trị ARV. Như vậy, tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV chỉ chiếm 32% số người nhiễm HIV hiện đang sống trong cộng đồng.

Cần xóa bỏ rào cản

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hiệu quả phòng chống HIV/AIDS chưa đáp ứng kỳ vọng là sự kỳ thị của cộng đồng còn nặng nề. Sự phân biệt đối xử cũng làm cho việc phát hiện người nhiễm HIV trong cộng đồng rất khó khăn bởi nhiều người nhiễm HIV do lo sợ kỳ thị mà không dám sử dụng dịch vụ điều trị ARV. Rất nhiều người làm xét nghiệm và có kết quả HIV dương tính nhưng không khai đúng tên, địa chỉ vì lo sợ bị kỳ thị nên không quản lý, theo dõi được.Sự kỳ thị cũng là rào cản lớn trong việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động... đã được pháp luật quy định.

Đây cũng là lý do vì sao Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay (từ 10-11 đến 10-12-2014) có chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS chia sẻ, Việt Nam là một trong số ít các nước có Luật Phòng, chống HIV/AIDS trong đó có các quy định rất rõ về việc không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, còn có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác quy định việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng. Tuy vậy, việc triển khai trong thực tế lại là câu chuyện khác. Một điểm hạn chế dễ nhận thấy ở Việt Nam là vấn đề vi phạm quyền giữ bí mật đời tư hay bí mật thông tin cá nhân của người nhiễm còn phổ biến hay vấn đề cơ hội việc làm cho người nhiễm HIV… Thậm chí, sự kỳ thị còn xuất phát từ bản thân người nhiễm HIV khi chính họ cho rằng, mắc HIV là định mệnh phải cam chịu hay ngại lộ diện.

Đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, Bộ Y tế phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan sẽ chú trọng đẩy mạnh truyền thông, thay thế các thông điệp, hình ảnh dễ khiến người dân ghê sợ HIV/AIDS một cách quá mức. Đồng thời, sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia của người nhiễm HIV trong các hoạt động truyền thông; tạo điều kiện giúp những người nhiễm HIV/AIDS tự vượt qua mặc cảm, sẵn sàng công khai tình trạng nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng biết; tích cực tham gia các hoạt động có ích để lấy lại được niềm tin cho bản thân và sự chia sẻ, thông cảm của những người xung quanh...