Khó xóa điểm “trắng” trường mầm non

ANTĐ - Tháng đầu tiên của năm học mới 2011-2012, Hà Nội sẽ khởi động việc giám sát triển khai Đề án và Nghị quyết HĐND TP nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nhằm phát hiện và tháo gỡ khó khăn. Tìm hiểu thực tế từ các quận, huyện thì tình trạng “trắng” trường và thiếu giáo viên đang là vướng mắc chính.

Quỹ đất hạn hẹp

Nhu cầu học trường mầm non công lập bức thiết vì chất lượng được đảm bảo

Tăng 10 trường với hơn 1.000 nhóm, lớp học so với năm học trước nhưng số ghế học trong khối mầm non của Hà Nội vẫn còn thiếu xa so với nhu cầu học. Đặc biệt ở một số quận nội thành, các điểm nóng tuyển sinh năm học mới này dù đã giảm xuống nhưng vẫn gây “sốt” cho cha mẹ học sinh khi muốn đăng ký cho con vào trường công lập. Tính đến thời điểm này, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD Mầm non Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố còn 6 phường chưa có trường mầm non, trong đó, riêng quận Đống Đa đã có tới 4 phường không có trường mầm non. 

Được hỏi về vấn đề này, bà Phạm Thị Dung, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết, đối với 4 phường “trắng” trường mầm non, Phòng GD-ĐT Đống Đa đang tham mưu với UBND quận đưa ra hướng khắc phục bởi quỹ đất quá hạn hẹp. “Để xây trường mầm non trên địa bàn phường Láng Thượng, chúng tôi đã xin được khu đất 1.500m2 nhưng với diện tích đất hẹp, trường sẽ phải xây cao tầng trong khi quy định xây trường mầm non không được phép. Hiện tại, ngành cũng đã mạnh dạn xây dựng thiết kế 4 tầng để đưa toàn bộ phòng hiệu bộ lên tầng cao nhất và bố trí các lớp học của trẻ từ tầng 2 trở xuống để đảm bảo đủ phòng học cho địa bàn phường”.

Trong khi phường Phương Mai đang chờ quyết định phân đất xây trường thì để sớm đáp ứng nhu cầu học của người dân, quận Đống Đa sẽ sửa chữa, xây mới trường Mầm non Hoa Sữa thuộc địa bàn quận Kim Liên với 20 lớp học mới dành cho dân cư địa bàn phương Phương Mai. “Còn phường Trung Liệt và Ngã Tư Sở hiện đang trông chờ vào quỹ đất trên phố Thái Thịnh nhưng cũng chưa có thời gian cụ thể”- bà Phạm Thị Dung cho biết. Có thể thấy tình trạng hạn hẹp quỹ đất cùng với quy định không được nâng tầng ở bậc học mầm non đang khiến các quận nội thành gặp rất nhiều khó khăn trước yêu cầu tăng cường chỗ học cho trẻ mầm non trong năm học mới.

Cơ chế kém sức hút giáo viên 

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, một vấn đề nữa khối mầm non Hà Nội gặp phải trong việc nâng cao chất lượng bậc học là thiếu giáo viên. Trong khi các khối ngành khác, chỉ tiêu luôn hạn chế so với nhu cầu được tuyển thì khối mầm non, ngay các quận nội thành năm học này vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu được giao. “Chúng tôi được thành phố duyệt 246 chỉ tiêu giáo viên mầm non năm 2011 tuy nhiên, qua đợt xét tuyển vừa rồi, cả quận mới chỉ tuyển được 144 giáo viên, thiếu tới hơn 100 giáo viên so với nhu cầu của các trường” - bà Hoàng Thị Kim Phượng, Phó phòng GD-ĐT quận Long Biên cho biết. Quận Đống Đa cũng chỉ tuyển được 131 trên tổng chỉ tiêu được giao là 158 giáo viên mầm non. “Giáo viên không muốn thi vào biên chế mầm non vì thực tế mức lương khởi điểm cho giáo viên mầm non quá thấp so với mức sinh hoạt hiện nay. Mức lương này bất cập ở chỗ, giáo viên dù tốt nghiệp đại học nhưng lại chỉ được hưởng mức lương khởi điểm bậc trung cấp theo ngạch lương giáo viên mầm non. Chính điều này đã khiến giáo viên mầm non chọn tư thục thay vì vào biên chế các trường công lập”- bà Phạm Thị Dung cho biết. 

Theo bà Hoàng Thị Kim Phượng, cùng là bằng tốt nghiệp nhưng bậc đại học và bậc trung cấp thì hoàn toàn khác nhau về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, cách xét điểm hiện nay lại áp dụng một mức tính điểm cho bằng loại khá, giỏi của đại học cũng như trung cấp, trong khi rõ ràng bằng khá của đại học phải khó hơn nhiều bằng khá trung cấp, chưa kể bằng giỏi của đại học thì rất ít, còn khá giỏi của trung cấp thì lại nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân biên chế mầm non kém sức hút với giáo viên đào tạo bậc đại học.