Khó khăn bủa vây, ngân hàng thận trọng với mục tiêu lợi nhuận

ANTD.VN - Thị trường bất động sản ảm đạm, nhu cầu tín dụng suy yếu, chi phí vốn tăng, mảng bảo hiểm khó khăn… khiến các ngân hàng không lạc quan về lợi nhuận năm 2023.

Tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm lại

Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên ngành ngân hàng sắp đến, cũng là lúc các nhà băng rục rịch công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 để trình cổ đông. Năm nay, đa số các ngân hàng tỏ ra thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận.

Trong tài liệu dự kiến trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Đây là con số khá khiêm tốn so với kết quả đạt được là hơn 32% trong năm ngoái.

Một ngân hàng khác cũng đã công bố tài liệu dự kiến lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2023 là NamABank. Theo đó, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng chưa đầy 6% so với năm 2022. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 26% năm ngoái.

Các ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng trong năm 2023

Ngoài ra, dù chưa chính thức công bố tài liệu, song một số các ngân hàng cũng đã hé lộ mục tiêu lợi nhuận trong năm tới. Trong đó, lãnh đạo Vietcombank cho biết mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng tối thiểu 12%, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng 39% (đạt 36.700 tỷ đồng) mà nhà băng này ghi nhận được năm 2022 tính riêng kết quả tại ngân hàng mẹ.

Tương tự, Eximbank cũng đặt mục tiêu lãi trước thuế năm nay ở mức 5.000 tỷ đồng, tăng 35%. Dù mục tiêu tăng trưởng khá cao so với các ngân hàng khác, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức tăng lên tới 207% của năm ngoái.

Khó khăn bủa vây các ngân hàng

Theo dữ liệu từ Chứng khoán VNDirect, năm 2022, lợi nhuận của ngành Ngân hàng tăng gần 34% so với năm trước. Dự đoán cho năm nay, các chuyên gia công ty chứng khoán này cũng thận trọng đặt ra con số tăng trưởng toàn ngành chỉ vào khoảng 11%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm ngoái.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kinh doanh ngân hàng đó là triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến dòng tiền của doanh nghiệp suy yếu nghiêm trọng, làm gia tăng rủi ro nợ xấu, từ đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản và rủi ro tín dụng ngân hàng.

Cùng với đó, chi phí vốn của các nhà băng cũng sẽ gia tăng khiến biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, các ngân hàng đang đứng trước yêu cầu phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, thu nhập từ phí thông qua hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) kém khả quan cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận các nhà băng khi mảng này sẽ không còn là “con gà đẻ trứng vàng” trong năm nay.

Nguyên nhân được chỉ ra là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, và theo đó, là nhu cầu mua bảo hiểm. Đặc biệt là việc các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động banca giữa những thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.

Cùng nhận định, các chuyên gia của Công ty chứng khoán BSC cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng chậm lại; lãi suất huy động tăng, tỷ lệ CASA giảm... dẫn tới NIM thu hẹp và rủi ro nợ xấu tăng cao hơn dự báo là những nguyên nhân khiến ngành Ngân hàng đang gặp phải nhiều rủi ro và sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023.

Thực tế dù là thu ngoài lãi của các ngân hàng đã được cải thiện nhưng hiện thu tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Mặt khác, kinh tế khó khăn không chỉ khiến tín dụng giảm mà các hoạt động khác liên quan cũng bị ảnh hưởng, nhất là dịch vụ cơ bản của ngân hàng như thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế chắc chắn sẽ bị hạn chế, chịu ảnh hưởng trực tiếp...