Khó “kê” cho bằng

ANTĐ - Trong thông điệp đầu năm mới 2012, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập tới hàng loạt bất hợp lý của thị trường đất đai, tài chính, chứng khoán, lao động trong tiến trình vận hành theo cơ chế thị trường. Một trong những bất cập có tính lâu dài là sự chênh lệch cung - cầu của thị trường lao động, nguồn nhân lực. Thực trạng này đã được nói tới, bàn luận khá nhiều, song tới nay vẫn chưa chuyển biến vì chưa được điều tiết bằng các công cụ chính sách như “phân luồng, phân làn” học sinh ngay từ phổ thông dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn.

Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường lao động nước ta còn “non trẻ” lại phải chuyển sang nền kinh tế thị trường, nên đã bộc lộ nhiều nhược điểm và mâu thuẫn như mất cân đối cung - cầu, năng suất lao động thấp dẫn đến đồng lương của người lao động quá thấp không đủ sống, phải làm việc thêm giờ mà vẫn không đủ tái tạo sức lao động. Cái vòng luẩn quẩn chất lượng lao động thấp-năng suất thấp-lương thấp dẫn đến chất lượng cuộc sống thấp, bao năm qua vẫn chưa thoát ra khỏi. “Điệp khúc” thừa thầy, thiếu thợ vẫn tái diễn, đặc biệt trong các kỳ thi tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề, tỷ lệ thí sinh đổ xô vào các trường, các ngành nghề dễ kiếm việc, kiếm tiền và thăng tiến ngày càng nghiêng lệch khiến cho cán cân cung - cầu thêm xô lệch.

Hàng năm nước ta có hơn 1 triệu người mới “gia nhập” đội quân lao động, chủ yếu là sinh viên vừa tốt nghiệp, học viên học nghề ra trường. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 65% lực lượng lao động cả nước không có kỹ năng làm việc, trên 75% trong số đó là lao động trẻ từ 20 - 24 tuổi. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, trong ASEAN, Việt Nam đang xếp hàng ở nửa cuối về nguồn nhân lực. Đáng lo ngại là, 50% việc làm thuộc khu vực phi chính thức, tức là lương thấp hơn mức lương tối thiểu và không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế.

Đây là một trong những nguyên nhân phân hóa giàu - nghèo và gây ra nghèo đói. Không thể bỏ qua một thực tế phi lý, vài năm gần đây số sinh viên tốt nghiệp đại học lại quay về học nghề ở các trường trung cấp. Vì sao có chuyện “nước chảy ngược”? Đó là những sinh viên sau khi có bằng đại học nhận thấy nghề không phù hợp và những người không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Song phổ biến nhất vẫn là cử nhân, kỹ sư quá “ngô nghê” kỹ năng thực hành và ngoại ngữ. Thật là một nghịch cảnh: người học ngành nghề không phù hợp thì lại tìm kiếm một nghề khác khá hơn để học làm. Trong khi đó, người thiếu kỹ năng thì phải học nghề lại để làm việc, kiếm tiền được. Rõ ràng đây là một sự thiệt hại lãng phí cho xã hội và cho cả bản thân họ. Hai trong nhiều “lỗ hổng” mà các nhà tuyển dụng đang “đau đầu” với lực lượng lao động. Một là, kỹ năng làm việc và ứng dụng giữa thực hành và lý thuyết. Hai là, tinh thần, thái độ và hành vi ứng xử trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Thật khó lấp kín hai “lỗ hổng” này bởi vì khả năng cung ứng nguồn lao động của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề không đủ để thỏa mãn, thậm chí các trường cũng tuyển đủ người vào học.

Một nghiên cứu của Tập đoàn Manpower cảnh báo, Việt Nam chỉ còn 5 năm nữa để giữ lợi thế nhân công giá rẻ, kỹ năng thấp, chi phí thấp. Nếu ngay bây giờ không “kê” cho bằng sự chê lệch cung - cầu, thì lợi thế sẽ trở thành rào cản cho phát triển kinh tế. Lao động cần cù khó… bù thông minh khi thiếu hụt hàng loạt kỹ năng quan trọng.