Khi trẻ gặp nguy hiểm vì... cha mẹ

(ANTĐ) - Con em mình luôn phát triển khỏe mạnh là mong muốn của tất cả các bậc phụ huynh, tuy nhiên, đôi khi chỉ vì những bất cẩn, sự thiếu hiểu biết trong cuộc sống, một số bậc cha mẹ lại khiến con em mình gặp nguy hiểm.

Khi trẻ gặp nguy hiểm vì... cha mẹ

(ANTĐ) - Con em mình luôn phát triển khỏe mạnh là mong muốn của tất cả các bậc phụ huynh, tuy nhiên, đôi khi chỉ vì những bất cẩn, sự thiếu hiểu biết trong cuộc sống, một số bậc cha mẹ lại khiến con em mình gặp nguy hiểm.

Nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ không bị rối loạn tiêu hóa (Ảnh minh họa)

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong tuần vừa qua, bệnh viện phải tiếp nhận truờng hợp bé B.T., 6 tháng tuổi,, nhà ở Lâm Đồng, uống phải thủy ngân có lẫn trong sữa do mẹ bé bất cẩn làm vỡ chiếc nhiệt kế thủy ngân trong bình sữa pha cho bé mà không hề hay biết. Mãi đến khi bé bú gần hết bình, phát hiện có đọng ở đáy bình những giọt lóng lánh như thủy ngân, chị mới lấy nhiệt kế ra xem thì mới biết nó bị nứt vỡ, cạn sạch thủy ngân. Chị đã làm mọi cách để bé nôn ra nhưng không được nên chị đã đưa bé vào bệnh viện. Tại đây, sau một tuần điều trị, bé dần khỏe mạnh bình thường. 

Không chỉ uống nhầm thủy ngân như bé T., nếu cha mẹ hay người thân bất cẩn, không chú ý đến bé, thì bé có thể uống cả xà phòng tắm, nước tẩy javen hay thậm chí cả dầu hỏa. Vào tháng 3 -2011, Khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi Trung ương đã từng tiếp nhận trường hợp một bé trai tên V. 18 tháng tuổi, quê ở Nam Định. Mẹ cháu cho biết, mặc dù mới 18 tháng tuổi, nhưng bé V. rất hiếu động, dù chị đã để chai dầu hỏa tận trong góc nhà, nhưng không hiểu bằng cách nào, con trai chị vẫn lôi ra mà uống được. Rất may cho gia đình chị là cháu V. mới chỉ nhấp một ngụm nhỏ thì chị đã phát hiện ra. Tuy nhiên, sau đó, cháu V. vẫn có biểu hiện mệt mỏi, đi tiêu chảy dài ngày, nôn ra thức ăn có mùi dầu hỏa. Gia đình đã cho cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương và sau 5 ngày điều trị, cháu đã hồi phục.

Không chỉ uống nhầm hóa chất, một trường hợp nguy hiểm khác là hóc dị vật. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã từng tiếp nhận các ca hóc tiền xu. Tai nạn này thường bắt nguồn từ việc các bậc phụ huynh lấy đồng tiền xu hay những vật nhỏ bằng kim loại, tung xuống nền nhà tạo thành tiếng kêu leng keng để dỗ dành trẻ. Trong lúc chơi đùa, các bậc phụ huynh lơ đễnh, trẻ có thể bỏ nó vào miệng nuốt và bị sặc. Vì các cơ quan của trẻ còn rất nhỏ so với đồng tiền xu nên sẽ rất nguy hiểm, khi nuốt vào bé dễ bị suy hô hấp, thậm chí ngưng thở. 

Cũng như thế, theo các bác sỹ Bệnh viện Nhi trung ương, những tai nạn do các bé tự lấy tăm, bông ngoáy tai thọc vào tai làm thủng màng nhĩ, hay một bé sơ sinh 1 tháng tuổi bị hoại tử ngón tay do các sợi chỉ trong găng tay quấn chặt lấy... Thậm chí có trường hợp các bé nghịch ngợm lấy dây chun, chiếc vòng nhỏ bằng kim loại buộc vào tay gây hoại tử ngón tay.

Đầu tháng 5 vừa qua, khoa ngoại của bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đã tiếp nhận một truờng hợp tai nạn hi hữu của một bé gái N.T.V, 7 tuổi, trong lúc chơi đùa đã vô tình xỏ 1 cái long đền bằng sắt vào ngón tay trái. Mặc dù người nhà dùng mọi cách như thoa mỡ, xà phòng làm trơn nhưng vẫn không cách nào lấy cái long đền ra được. Sau  vài tiếng, ngón tay của bé do bị thít chặt bắt đầu sưng đỏ lên và phù nề gây đau, cử động của ngón cũng bắt đầu hạn chế. Bé được nhập viện và các bác sĩ đã phải sử dụng kềm cộng lực để cắt cái long đền này ra.

Bé gái suýt hoại tử ngón tay vì chiếc vòng sắt (Ảnh BV Nhi đồng 2)

Bên cạnh những tai nạn do sự bất cẩn, còn có các tai nạn do sự thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh. Khoa tiêu hóa, bệnh viện Nhi trung ương đã từng tiếp nhận vô số ca tiêu chảy ở trẻ nhỏ chỉ vì cha mẹ cho con ăn quá "thập cẩm", dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Không chỉ do ăn uống, việc sử dụng thuốc "vô tội vạ" cũng là một trong những sự thiếu hiểu biết của các bậc cha mẹ. Theo các bác sỹ bệnh viện Nhi trung ương, nhiều bà mẹ trẻ quá lạm dụng kháng sinh. Cứ thấy con mình có biểu hiện ho, sốt là tự mua kháng sinh về điều trị cho con.... 

Không chỉ thế, nhiều bà mẹ còn mua cả thuốc Nam cho con uống mà không cần khám xem con bị bệnh gì. Như trường hợp của cháu L. (Hà Nam), bị đi ngoài phân sống nên được mẹ cháu mua một loại thuốc nam nào đó cho cháu uống. Sau khi uống, cháu có biểu hiện sốt, mệt, bỏ bú nên gia đình đã đưa cháu vào khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sỹ cho biết, cháu bị nhiễm độc cùng một lúc 3 loại chất độc là chì, asen và thủy ngân (có trong thuốc nam), khiến gan bị nhiễm độc nặng, chỉ số đông máu giảm. Sau nhiều ngày tích cực điều trị, cháu L. mới thoát được cơn hiểm nghèo.

Những tai nạn như trên xảy ra rất nhiều trong cuộc sống thường ngày. Theo các bác sỹ khuyến cáo, các bậc phụ huynh hay người thân, người chăm sóc trẻ hãy cố gắng để mắt đến trẻ vì bất cứ vật dụng gì cũng có thể là nguyên nhân gây hại cho trẻ. Bên cạnh đó, cần học hỏi, trau dồi thêm những kiến thức khoa học để chăm sóc trẻ tốt hơn. Đừng để những đứa trẻ non nớt gặp nguy hiểm, và khiến những ông bố bà mẹ vô hình trở thành nguyên nhân gây hại cho con!

Hà Anh