Khi tình yêu là những bản hợp đồng

ANTĐ - Hợp đồng hôn nhân lâu nay vẫn là một khái niệm tương đối “tế nhị” đối với những cặp vợ chồng Việt. Với quan niệm, khi đã là vợ chồng, của anh cũng là của em, tuy hai mà một thì cần gì phải “chắc lép”. Nhưng chỉ đến khi cùng nhau đứng trước toà, sự chân thành, tôn trọng và yêu thương được thay bằng những lời lẽ mạt sát chỉ vì vấn đề tài sản, nhiều người mới nói “giá mà”...

Nhận “quả đắng” khi ly hôn

Kể lại bi kịch khiến mình thiệt thòi sau ly hôn, chị Nguyễn Cẩm Nhung, ở quận Hai Bà Trưng vẫn như thấy nỗi đau chất chứa đến tận tâm can. Trong đôi mắt hằn lên sự thù hận và tuyệt vọng đối với người chồng bội bạc, chị Nhung đau đớn nhớ lại, do chồng cũ của chị không phải người Hà Nội, lại không có tài sản gì nên sau khi 2 người lấy nhau, chị được bố mẹ cho một mảnh đất 50m2 ở quận Ba Đình. Vì muốn có chút vốn làm ăn, nên sau khi sinh con gái, chị Nhung bán mảnh đất đó đi, mua một ngôi nhà khác để ở và dành một phần tiền để đầu tư vào công việc kinh doanh thiết bị nội thất. Ít lâu sau công việc thất bại, vợ chồng lục đục, mâu thuẫn không thể giải quyết nên hai người quyết định chia tay. Sau khi ly hôn, tòa tuyên bố mỗi người một nửa căn nhà. Do chị Nhung không có tiền để trả giá trị nửa căn nhà đó nên anh chồng cùng bồ mới đã mua lại và trả số tiền cho chị. Với số tiền ít ỏi, không mua được nhà để ở nên chị Nhung đành phải thuê một căn nhà trọ tuềnh toàng sống cùng con gái. “Tôi cứ tưởng anh ta sẽ vì con mà để lại nhà cho 2 mẹ con, không ngờ  anh ta nhẫn tâm tới mức cắt đứt luôn cả tình cha con. Không những lấy đi nửa căn nhà, anh ta còn chẳng trợ cấp cho tôi một xu nào để nuôi con”- chị Nhung chua xót.

Có lẽ trường hợp bị chồng đối xử tệ bạc, lấy đi phần tài sản không phải do mình làm ra như trường hợp của chị Nhung xảy ra khá nhiều bởi, việc phân chia tài sản trước khi kết hôn giữa các cặp vợ chồng dường như là điều rất “tế nhị”, một phần bởi văn hoá Á Đông. Tuy nhiên trong hôn nhân, không ai nói trước được điều gì vì đã là con người không tránh được tham-sân-si. Thế nên, mới có tình trạng rất nhiều cặp vợ chồng đồng thuận ly hôn nhưng lại khó khăn trong việc phân chia tài sản. Theo nhiều người, nếu cùng nhau xây dựng tổ ấm, hai bên sẽ không để ý gì đến chuyện thiệt, hơn khi phân chia tài sản. Tuy nhiên, khi hỏi nhiều người về việc có muốn lập hợp đồng hôn nhân trước khi kết hôn hay không, tôi chỉ nhận được những nụ cười trừ, hay những câu trả lời nước đôi kiểu như “tùy xem tình hình thực tế rồi mới đưa ra quyết định”.

Nhiều người còn phản đối kịch liệt về việc ký “hợp đồng hôn nhân” trước khi kết hôn vì họ cho rằng, không thể vì những vấn đề khó giải quyết khi ly hôn mà làm thay đổi cả bản chất tốt đẹp của nó. Bởi, nền tảng của hôn nhân là tình yêu, không phải là vật chất, không toan tính, vụ lợi. Việc ký hợp đồng trước hôn nhân tức là chưa cưới nhau đã nghĩ đến chuyện ly hôn rồi thì liệu gia đình có còn hạnh phúc? Tuy nhiên, là người trong cuộc, đã nếm “trái đắng” sau khi ly hôn, chị Nhung thừa nhận, nếu được làm lại và pháp luật Việt Nam thừa nhận “hợp đồng hôn nhân” chị sẽ ký hợp đồng với chồng cũ để tránh những thiệt thòi cho mình, đặc biệt khi tài sản đó là do bố mẹ chị cho, tặng.

Nên bổ sung điều khoản trong giấy đăng ký kết hôn

Về câu hỏi có nên lập hợp đồng hôn nhân trước khi kết hôn hay không, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật S&B nhận xét, pháp luật một số nước phương Tây cho phép trước khi kết hôn, nam nữ có quyền lập hợp đồng hôn nhân để thỏa thuận các vấn đề pháp lý như phân định tài sản chung, riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc liên quan đến việc một hoặc hai bên muốn chấm dứt hợp đồng hôn nhân, quyền nuôi con và chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện chưa công nhận vấn đề này bởi, nó không phù hợp văn hóa và truyền thống hôn nhân gia đình là đề cao lòng chung thủy, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, lâu dài. Song, không vì thế mà quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng đối với tài sản riêng có trước và trong thời kỳ hôn nhân không được bảo hộ, bởi theo Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình, “vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân…”. Về quan hệ giữa cha mẹ và con, dù trong hay sau thời kỳ hôn nhân, cha mẹ đều có quyền thương yêu, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, không ai được tước đi quyền này (trừ trường hợp cha mẹ có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con và bị tòa án ra quyết định hạn chế nuôi dưỡng, chăm sóc con).

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, nếu như hợp đồng hôn nhân là công cụ đắc lực cho những người trong cuộc muốn bảo vệ tài sản của mình thì nó cũng vô tình tạo ra sự nghi ngờ, ngăn cách giữa hai bên khi quyết định kết hôn. Ở nước ta, dù luật pháp không công nhận tính pháp lý của hợp đồng hôn nhân, song đã có nhiều cặp vợ chồng áp dụng. Điều đó chứng tỏ trong một số trường hợp, hợp đồng hôn nhân phát huy hiệu quả nhất định. Tuy vậy, để bản hợp đồng này đi vào cuộc sống thì nên coi nó là điều khoản kèm theo của giấy đăng ký kết hôn vì ngoài vấn đề kinh tế, nó còn đề cao những trách nhiệm khác giữa các bên.