Khi Thủ tướng Đức hết kiên nhẫn

ANTD.VN - Tối 6-11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tỏ ra điềm tĩnh khi phát biểu trước giới truyền thông giải thích lý do sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner - Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz giải thích quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindne

Lý do sa thải Bộ trưởng Tài chính

Việc Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner bị sa thải được ví như một “quả bom tấn” đối với chính trường Đức. “Tôi buộc phải thực hiện bước đi này để ngăn chặn thiệt hại cho đất nước chúng ta” - ông Scholz nói.

Theo Thủ tướng Đức, ông gửi một “kế hoạch toàn diện” tới Bộ trưởng Tài chính để thu hẹp khoảng cách 10 tỷ euro trong ngân sách năm 2025. Khoản thiếu hụt này là một trong những vấn đề cuối cùng khiến 3 đảng liên minh còn bất đồng. Tuy nhiên, tuần qua, các đề xuất mới của Thủ tướng Scholz cho ngân sách năm 2025 đã bị bác bỏ khiến ông phải nhận định: “Bộ trưởng Tài chính không có thiện chí thực hiện đề xuất nào của chúng tôi và do đó, không có cơ sở tin cậy cho bất kỳ sự hợp tác nào trong tương lai. Ông ấy không phục vụ lợi ích chung mà chỉ phục vụ khách hàng và đảng của mình. Tôi không muốn đất nước chúng ta phải tiếp tục chịu đựng hành vi này nữa”.

Nhà lãnh đạo nước Đức phát biểu như vậy, chứng tỏ câu chuyện ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc cá nhân của ông. Ông chỉ trích gay gắt “chiến thuật chính trị nhỏ nhen” cùng mức độ ích kỷ “hoàn toàn không thể hiểu nổi” của Bộ trưởng Lindner. Ông tiếp tục giải thích những đề xuất của mình bao gồm việc vay thêm nợ để hạ giá năng lượng (đặc biệt là đối với các công ty), để cứu việc làm trong ngành công nghiệp ô tô đang gặp khó khăn, để cung cấp các ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư và để tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Ông Scholz nói thêm, các công ty Đức cần được hỗ trợ ngay lập tức và “bất kỳ ai từ chối điều đó đều đang hành động vô trách nhiệm”.

Trước khi bị sa thải, Bộ trưởng Lindner đã gây ra nhiều tranh cãi khi công bố bài báo dài 18 trang có tựa đề “Sự thay đổi kinh tế của Đức”. Bài báo này được các phương tiện truyền thông Đức mô tả là “tờ ly hôn” của liên minh vì giọng điệu và nội dung có vẻ trái ngược với lập trường của các đối tác trong chính phủ.

Bài phát biểu ấn tượng nhất từ trước đến nay

Chính phủ liên minh của Đức có nguy cơ sụp đổ khi FDP tuyên bố sẽ rút tất cả các Bộ trưởng của mình khỏi liên minh cầm quyền 3 bên của Đức. Điều đó đồng nghĩa với việc Thủ tướng Olaf Scholz phải lãnh đạo một chính phủ thiểu số bao gồm đảng Dân chủ Xã hội trung tả và đảng Xanh trong vài tuần.

Ông Scholz tuyên bố ý định tiếp cận với đảng đối lập bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) để thúc đẩy hợp tác về 2 vấn đề cấp bách: Tăng cường quốc phòng và củng cố nền kinh tế. “Bởi vì nền kinh tế của chúng ta không thể chờ đợi cho đến khi các cuộc bầu cử mới diễn ra. Và chúng ta cần làm rõ ngay bây giờ về cách thức sẽ tài trợ vững chắc cho quốc phòng của mình trong những năm tới” - ông Scholz lập luận.

Chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút, ông đã giải thích được lý do sa thải Bộ trưởng Tài chính khỏi chính phủ của mình và cũng gây áp lực buộc phe đối lập phải hợp lực trong thời điểm khó khăn này. Cuối cùng, Thủ tướng Đức cũng kêu gọi người dân hãy tự tin hướng về phía trước. Ông cũng nhắc đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ: “Bất kỳ ai theo dõi nước Mỹ trong những tuần gần đây đều thấy một đất nước bị chia rẽ sâu sắc. Một đất nước mà những khác biệt chính trị đã phá hủy tình bạn và gia đình” - ông Scholz nói, kết luận rằng điều này không nên xảy ra ở Đức.

Nhà lãnh đạo Scholz sau đó rời khỏi buổi họp báo mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào sau bài phát biểu ấn tượng nhất từ trước đến nay. Việc các lãnh đạo còn lại trong chính phủ và trên hết là phe đối lập có ủng hộ kế hoạch của ông Olaf Scholz hay không vẫn còn là điều chưa chắc chắn. Nhưng ít ra, ông đã giải quyết được nỗi “ấm ức” vì bế tắc trong giải quyết công việc chung.

Trước những diễn biến hôm 6-11, cuộc bầu cử theo lịch trình tiếp theo của Đức dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9-2025. Tuy nhiên, ông Scholz cũng thông báo sẽ triệu tập một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày 15-1, sau đó có thể tổ chức bầu cử vào cuối tháng 3 năm sau. Lần gần nhất Đức tổ chức bầu cử bất thường là vào năm 2005 dưới thời Thủ tướng Gerhard Schroder, sau đó ông Schroder đã thua bà Angela Merkel.