Khi nhà cho thuê thành “ổ chứa” tội phạm

(ANTĐ) - Lợi dụng những kẽ hở trong quản lý của chính quyền cơ sở, chế tài xử phạt thiếu răn đe… nhiều đối tượng hình sự, đặc biệt là tội phạm ma túy đang chọn nhà trọ, nhà cho thuê là nơi ẩn náu lý tưởng để hoạt động phạm tội. Với các chủ nhà trọ, nhà cho thuê, sau khi thu tiền của khách… họ cũng phó mặc.

Khi nhà cho thuê thành “ổ chứa” tội phạm

(ANTĐ) - Lợi dụng những kẽ hở trong quản lý của chính quyền cơ sở, chế tài xử phạt thiếu răn đe… nhiều đối tượng hình sự, đặc biệt là tội phạm ma túy đang chọn nhà trọ, nhà cho thuê là nơi ẩn náu lý tưởng để hoạt động phạm tội. Với các chủ nhà trọ, nhà cho thuê, sau khi thu tiền của khách… họ cũng phó mặc.

Thuê nhà để hoạt động phạm tội

Cơ quan công an khám xét “động lắc” do Đại và Cường điều hành

Dư âm triệt xóa các “ổ” sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp ở các phòng trọ, nhà cho thuê giữa lòng Thủ đô vừa lắng xuống, thì những tháng gần đây, CATP Hà Nội phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an lại tiếp tục phát hiện, bóc gỡ nhiều “ổ lắc”, “động lắc” trá hình trong các quán cà phê, karaoke, nhà nghỉ tại các quận trung tâm Thủ đô… Điểm chung của các vụ án này: đối tượng phạm tội đều thuê nhà để ẩn náu, trú ngụ “hoạt động”.

Kể lại việc phát hiện, triệt xóa “động lắc” trên phố Yên Phụ do 2 đối tượng Nguyễn Trọng Đại (SN 1982), ở quận Đống Đa và Nguyễn Anh Cường (SN 1976), ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội điều hành, chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAQ Tây Hồ cho biết: Khoảng tháng 1-2011, Nguyễn Trọng Đại - đối tượng từng quản lý, điều hành quán karaoke ở 173 Nghi Tàm, thuộc phường Yên Phụ, vừa bị UBND quận Tây Hồ thu hồi giấy phép kinh doanh, do có biểu hiện chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tiếp tục đến thuê ngôi nhà 145 phố Yên Phụ mở khách sạn, “kinh doanh” không phép.

Lần này, Đại không trực tiếp lộ diện mà giao cho “đàn em” là Nguyễn Anh Cường đứng ra thuê nhà. Trung tá Đỗ Danh Chiến - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAQ Tây Hồ phân tích: Thông thường, khi biết mình lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan công an, những đối tượng ma túy thường lẩn tránh, tìm thuê các nhà dân ở khu vực kín đáo, ít người qua lại hòng giấu tung tích, che đậy hoạt động phi pháp. Song Đại là một trường hợp “đặt biệt”. Anh ta chấp nhận bỏ ra 50 triệu đồng - cái giá không hề rẻ để thuê một ngôi nhà 5 tầng trên phố Yên Phụ “kinh doanh”, ngay tại địa bàn vừa bị thu giấy phép do có dấu hiệu hoạt động phạm pháp.

Chỉ huy CAP Yên Phụ cho biết thêm: “Bình mới, rượu cũ”, với kiểu kinh doanh khách sạn “khác người”, lấy ngày làm đêm như của Đại thì sớm muộn cũng phát giác. Phát hiện nhiều kẻ ra vào đây ban đêm, xăm trổ đầy mình, dấu hiệu hoạt động bất minh, CAP đã tiến hành kiểm tra hành chính ngôi nhà, song đối tượng quản lý, điều hành tụ điểm ăn chơi, thác loạn này chỉ đạo nhân viên chốt cửa, cố thủ bên trong. “Dù biết các đối tượng chống đối, nhưng chúng tôi cũng đành “bó tay” bởi những sai phạm, vi phạm hành chính như: hoạt động quá 24h, lực lượng công an không được phá cửa kiểm tra” - chỉ huy CAP Yên Phụ cho biết.

Thiếu chế tài… thiếu cả sự hợp tác

Không chỉ là nơi trú ngụ của số đối tượng ma túy, hình sự, các phòng trọ, nhà cho thuê hiện cũng là “bãi đáp” lý tưởng của tệ nạn mại dâm. Theo thông tin chúng tôi thu thập được, gần đây trên địa bàn Hà Nội xuất hiện những tốp gái bán dâm gắn “mác” sinh viên, đi tìm thuê những ngôi nhà khang trang cao 3-4 tầng, giá 5-6 triệu đồng trong các ngõ nhỏ vờ sinh sống, học tập. Sống bầy đàn, đêm xuống, số gái bán dâm này tỏa đi các quán bar, karaoke, vũ trường… ở Hà Nội mời chào “bạn trai” về nhà ngủ cùng.

Những cuộc “mây mưa” dù kéo dài suốt đêm, hay diễn ra chốc lát… thì những giao dịch vẫn luôn lặng lẽ. Tuy vậy, thực tế cho thấy: những “ổ” mại dâm này dù tổ chức tinh vi đến đâu, nhưng việc có cả chục “sinh viên”  sống trong ngôi nhà 3-4 tầng, giữa khu vực dân cư đông đúc, hay đưa “bạn trai” về nhà vào lúc nửa đêm, chắc chắn không “qua mặt” được người dân nơi đây, và cũng sẽ nhanh “đến tai” chính quyền cơ sở. Nhưng không hiểu vì lý do gì, việc kiểm tra, xử lý chưa triển khai quyết liệt, vi phạm đến giờ vẫn tồn tại ở một số nơi!

Một trong những nguyên nhân khiến các nhà trọ, nhà cho thuê trở thành nơi “nương náu” của các loại tội phạm, là do sự thờ ơ, không tuân thủ các quy định pháp luật của chủ nhà trọ, nhà cho thuê. Theo quy định: Khi có khách đến lưu trú, tạm trú, chủ nhà trọ, nhà cho thuê phải đến cơ quan công an khai báo tạm trú, tạm vắng cho khách, hoặc đơn giản hơn là gọi điện thoại thông báo với CSKV việc khách lưu trú, tạm trú. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc trốn nộp thuế cho thuê nhà, các chủ nhà trọ, nhà cho thuê đang phớt lờ  quy định của pháp luật. Không khai báo lưu trú, trong trường hợp CSKV có kịp thời phát hiện cũng không thể phạt “nóng” chủ cơ sở, bởi Luật Cư trú quy định: sau 30 ngày chủ nhà trọ, nhà cho thuê không đến khai báo lưu trú cho khách mới bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 100.000-200.000 đồng. Chế tài xử phạt chẳng thấm vào đâu so với khoản lợi nhuận lớn thu được từ việc cho thuê nhà - một cán bộ CAQ Tây Hồ thẳng thắn.

Ngoài những bất cập trong chế tài xử lý, sự thiếu hợp tác của các chủ nhà trọ, nhà cho thuê, thì sự “quá tải” cũng là khó khăn không nhỏ với lực lượng làm nhiệm vụ. Việc một CSKV phải “nắm” cả trăm hộ, hàng nghìn nhân khẩu trên địa bàn như hiện nay, thì việc “nắm” người, “nắm” hộ khó có thể chặt chẽ. Trong khi đó, hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng liên tục di chuyển chỗ ở để đối phó với lực lượng công an…. Để ngăn chặn thực trạng này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ hơn của các ban, ngành và chính quyền cơ sở, bởi nếu không “quản” được việc thuê và cho thuê nhà - đây chính là “đất” cho tội phạm nương náu. 

Thu Hạnh