Khi người lính mang hai màu áo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bác sĩ công tác tại trại tạm giam là một công việc rất đặc thù, bệnh nhân của họ chính là các phạm nhân. Do vậy, họ luôn phải làm việc với hơn 100% sức lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để xảy ra sai sót. Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Thế Nhiên, người đã từ chối theo truyền thống bác sĩ quân đội của gia đình để khoác lên mình màu áo xanh của lực lượng Công an nhân dân, được Ban giám thị Trại tạm giam số 1 (CATP Hà Nội) và các đồng nghiệp đánh giá cao về tình yêu nghề, sự tận tụy trên mặt trận chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Ước mơ và bản lĩnh

Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Thế Nhiên xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm bác sĩ quân đội. Anh tự hào kể, từ ngày xưa, các cụ trong dòng họ Nguyễn Thế của mình đã làm trong Thái y viện, chuyên chữa bệnh cho nhiều đời vua nhà Nguyễn. Hiện trong nhà thờ dòng họ Nguyễn Thế tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vẫn khắc ghi dòng chữ “Khám bệnh cứu người” như một tôn chỉ để các thế hệ con, cháu luôn ý thức về nghề nghiệp của mình. “Từ bé tôi đã mong ước được trở thành chiến sĩ công an. Thế rồi, thời điểm tôi tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình cũng là lúc CATP Hà Nội thông báo tuyển bác sĩ cho trại tạm giam. Thấy vậy tôi liền thử sức, không ngờ trúng tuyển và được khoác lên mình bộ cảnh phục mà mình mơ ước ngày nào” - Thượng úy Nguyễn Thế Nhiên hào hứng chia sẻ.

Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Thế Nhiên

Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Thế Nhiên

Hàng ngày, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sĩ, số bệnh nhân cũ tại đơn vị, Thượng úy Nhiên cùng các đồng nghiệp còn phải tiếp nhận khám sàng lọc, phân loại bệnh tật đối với các phạm nhân mới được đưa vào trại. Trại tạm giam số 1 là nơi có mật độ giam giữ đông nhất cả nước. Vấn đề tội phạm đi kèm với đó rất phức tạp.

“Số đối tượng ban đầu vào sẽ có tư tưởng hoang mang, dao động về các mức án. Trong quá trình điều tra, phạm nhân có thể tìm mọi cách giả bệnh để thông cung… Vì thế, tôi và các đồng nghiệp luôn phải giữ một cái đầu lạnh, chỉ cần khám và chẩn đoán non tay là sẽ “mắc bẫy” phạm nhân, bởi khi chuyển họ ra các bệnh viện tuyến ngoài thì sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Việc trang bị kiến thức về tâm lý tội phạm là điều kiện bắt buộc đối với những bác sĩ công tác tại trại tạm giam như chúng tôi” - Thượng úy Nguyễn Thế Nhiên cho biết.

Bác sĩ kiêm chuyên gia tâm lý

Việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân trong trại giam không giống như các bệnh viện bên ngoài. Ngoài mong muốn được chữa bệnh thì không ít bệnh nhân trong trại tạm giam lại có tâm lý chống đối, bất cần. Vấn đề này xảy ra thường xuyên ở những can phạm, phạm nhân phải đối diện với án chung thân, tử hình. Có những phạm nhân chỉ cần cán bộ lơ là, chủ quan là họ tìm cách tự tử.

Thượng úy Nguyễn Thế Nhiên kể lại: “Cách đây vài tháng, một bệnh nhân của tôi quê ở Hoài Đức (Hà Nội) bị kết án về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Khi anh ta vào trại đã mang trên mình bệnh tăng huyết áp và HIV, cộng thêm việc bị người thân trong gia đình “từ mặt”, không quan tâm, khiến cho tâm lý rất bất ổn.

Anh ta không hợp tác chữa bệnh, cứ hở ra là đòi tự sát khiến tôi lúc nào cũng căng thẳng nghĩ cách ngăn chặn tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Sau nhiều ngày thuyết phục bệnh nhân, Ban Giám thị đã đồng ý đề xuất của tôi là lấy máu gửi ra bệnh viện tuyến ngoài làm xét nghiệm, rồi lấy thuốc điều trị theo phác đồ cho bệnh nhân. Kết quả đến nay, bệnh nhân đã ổn định tâm lý, tích cực uống thuốc và thể trạng sức khỏe tốt hơn rất nhiều”. Họ là tội phạm phải chấp hành các quy định của pháp luật, nhưng đồng thời cũng là bệnh nhân, thế nên về y đức thì bác sĩ Nhiên và các đồng đội vẫn phải nỗ lực hết mình để cứu chữa. Cùng với đó là thuyết phục, động viên để họ có trách nhiệm đối với sự sống của bản thân, có trách nhiệm với cơ hội mà tạo hóa đã ban tặng.

Bác sĩ Nguyễn Thế Nhiên thăm khám bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Thế Nhiên thăm khám bệnh nhân

Những đêm thay đổi thời tiết là những đêm mất ngủ đối với bác sĩ Nguyễn Thế Nhiên. Những phạm nhân mắc bệnh về tim mạch, lao, phổi... cấp độ nặng bị khó thở nếu không phát hiện kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, trong khi thuốc và trang thiết bị chữa bệnh tại trại tạm giam lại thiếu thốn, không đáp ứng một cách tốt nhất.

“Y tế tại trại tạm giam chúng tôi được ví như y tế cấp xã, cấp huyện. Gặp những ca bệnh khó vượt ngoài khả năng, chúng tôi phải chuyển bệnh nhân ra tuyến ngoài. Mỗi khi đưa bệnh nhân ra ngoài điều trị là một lần tốn kém tiền bạc và sức người. Các cán bộ quản giáo làm nhiệm vụ trông giữ phạm tại các bệnh viện rất vất vả. Chỉ cần một chút lơ là, bất cẩn là bệnh nhân có thể lợi dụng để bỏ trốn” - bác sĩ Nhiên cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm của bác sĩ Nhiên, Thượng tá Phạm Chiến Thắng - Phó Giám thị Trại tạm giam số 1 cho hay: “Cơ sở vật chất tại trại tạm giam hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm khám lâm sàng của mỗi bác sĩ. Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ không đồng đều, số y tá thì nhiều nhưng số bác sĩ thì còn quá ít so với nhu cầu, khiến cho việc theo dõi, khám chữa bệnh cho bệnh nhân rất khó khăn”.

Mong muốn nhỏ nhoi

Cho đến hiện tại, Thượng úy Nhiên đã có 10 năm công tác tại Trại tạm giam số 1. Anh đã cùng đồng nghiệp đã khám chữa bệnh cho hàng triệu bệnh nhân là can phạm, phạm nhân. Ngoài việc chữa bệnh, anh và các đồng nghiệp còn là những chuyên gia tâm lý, vực dậy tinh thần cho những phạm nhân có tâm lý bất cần, buông bỏ, gieo cho họ những niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng phía trước, nơi mà những người thân yêu đang chờ đón họ về, những ước mơ dang dở đang chờ họ hoàn thành.

Khi đã yêu màu áo lính, khoác lên người bộ cảnh phục Công an nhân dân, Thượng úy Nguyễn Thế Nhiên đã xác định hết mình với công việc. Dù ở trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, anh và các đồng đội đều cố gắng hết sức để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Có thể với nhiều người, trại giam là nơi không ai muốn đến, nhưng với anh và các đồng nghiệp thì đã coi đây là ngôi nhà thứ hai để gắn bó. Với sức trẻ của mình, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Thượng úy Nguyễn Thế Nhiên luôn sẵn sàng chia sẻ, gánh vác thêm phần việc khi các đồng nghiệp bận việc đột xuất, đau ốm hay nghỉ thai sản… một cách vui vẻ bởi anh luôn tâm niệm, chia sẻ cũng là một hạnh phúc.

Với một môi trường làm việc khắc nghiệt, đầy rẫy những nguy hiểm như trại tạm giam, Thượng úy Nguyễn Thế Nhiên và đồng đội luôn mong muốn được lãnh đạo Bộ, Cục Y tế (Bộ Công an) thường xuyên có những lớp tập huấn, cập nhật kiến thức y học, tạo điều kiện cho bác sĩ trại giam được đi học bồi dưỡng nâng cao, đáp ứng tốt hơn về công tác chuyên môn tại trại tạm giam.