Khi mẹ chồng... sành điệu

ANTĐ - Ai đã từng gặp bà Hoài - mẹ chồng chị Vũ Hải Liên ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội đều không khỏi ngạc nhiên vì dù đã ở tuổi lục tuần nhưng bà ăn vận chẳng khác gì một cô gái mới lớn. Không những thế, bà còn luôn miệng chê con dâu là quê mùa, thẩm mỹ kém…

Ăn chơi không có tuổi?

Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, “ngày nay, việc các bà mẹ chồng trong độ tuổi từ 50-70 ăn mặc theo mốt, dùng điện thoại xịn, lướt web, trang điểm hàng ngày... không còn là chuyện lạ ở các thành phố lớn, đặc biệt là những gia đình có điều kiện. Tôi đã từng chứng kiến những bà mẹ chồng ăn chơi… không có tuổi, dù đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng vẫn ăn mặc rất “xì tin”: Áo thun bó, váy ngắn, đeo ba lô, tóc cột cao, chẳng khác gì những nữ sinh sành điệu. Với họ, nhuộm tóc, tô vẽ móng tay, chân và đi spa… hàng tuần là chuyện bình thường”…

Không chỉ “ăn chơi”, có bà mẹ chồng còn dành phần lớn thời gian để… mải mê chinh chiến và yêu đương. “Bố chồng tôi mất sớm, mẹ chồng tôi một mình nuôi con nhưng bà cũng không chịu cô đơn được bao lâu. Do có nhan sắc, bà thường quan hệ với những đàn ông có tiền và thay người tình liên tục. Bà giận, hờn, ghen tuông suốt ngày. Và người gánh chịu không ai khác là các con, các cháu khiến không khí gia đình lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, ngột ngạt. Trong khi đó, những việc liên quan đến nội trợ như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cháu bà không bao giờ ngó ngàng đến. Vợ chồng tôi đã nhiều lần góp ý song bà không những không tiếp thu mà còn giận dỗi đến mấy ngày” - chị Vũ Thu Lan ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa chia sẻ.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, dù đã lấy chồng được gần 10 năm nhưng chưa lúc nào chị Đoàn Vân Hà, ở quận Hà Đông, Hà Nội cảm thấy tự do, thanh thản: “Đến tận bây giờ vợ chồng tôi vẫn phải đi thuê nhà để ở vì bố mẹ chồng tôi không thích sống chung với con cái. Mẹ chồng tôi là người buôn bán nên nói rất khó nghe. Nhiều khi bà đến nhà tôi chơi nhưng bà coi đấy là nhà của mình nên thích làm gì thì làm. Bà thường xuyên gọi hết bạn bè đến nhà rồi bảo tôi đi chợ, nấu nướng phục vụ. Tôi hiểu tâm lý của bà là thích thể hiện với bạn nên những ngày đầu tôi rất vui vẻ, cố gắng. Nhưng càng ngày, chuyện đó diễn ra với tần suất liên tục khiến tôi mệt mỏi vô cùng. Không chỉ có thế, mẹ chồng tôi còn ham chơi lô đề cờ bạc, ăn tiêu hoang phí. Bố chồng tôi là người rất tốt, nhưng không dám có ý kiến gì vì mỗi lần có ai góp ý, mẹ chồng tôi lại đem bệnh huyết áp cao của mình ra để… dọa”.

Cần ứng xử mềm mỏng

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, hiện nay, nhiều phụ nữ dù tuổi khá cao nhưng do luyện tập thể thao thường xuyên và điều kiện đời sống tốt nên trông họ rất trẻ so với tuổi. Không ít người vốn là cán bộ, có hiểu biết nhất định, nên có tư tưởng và lối sống rất thoáng. Vì vậy, thay vì ăn mặc theo kiểu cũ, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà thì một số bà mẹ chồng thích ăn mặc đẹp hơn, sành điệu hơn và có tâm lý hướng ngoại. 

Trong những trường hợp này, việc góp ý một cách thẳng thừng xem ra không mấy tác dụng. Sau khi tham khảo ý kiến của bạn bè, chị Thu Lan rút ra “kinh nghiệm”: Chuyện các cụ yêu đương tuổi xế chiều không phải hiếm gặp. Có khi, các cụ chỉ nghĩ đơn giản là mặc một cái áo màu mè, làm điệu… là đẹp, là thời trang mà không để ý đến phản ứng của con cháu. Vì thế, việc góp ý với các cụ đòi hỏi sự khéo léo và tâm lý, làm sao để các cụ đổi gu thẩm mỹ mà không tự ái. Chẳng hạn, mẹ chồng và nàng dâu có thể cùng đi mua sắm thời trang. Ngoài ra, con cái cũng không nên sợ người ngoài cười chê mà chê bai hay khích bác bố mẹ vì có thể làm các cụ tổn thương. Bên cạnh đó, khi thấy mẹ chồng chê mình trong cách ăn mặc, các nàng dâu cũng không nên phản ứng tức thì. Điều quan trọng nhất là bạn nên xem lại cách cư xử của mình xem có gì còn chưa phù hợp để tự rút kinh nghiệm. Và suy cho cùng, nếu biết sống hòa hợp, người con dâu vẫn được những người khác trong gia đình chồng yêu quý. 

Hiện có khá nhiều nàng dâu mong gặp được mẹ chồng có phong cách hiện đại, tân tiến. Họ cho rằng, những người phụ nữ này thường dễ dãi, thoải mái và tâm lý, không giống như một số bà mẹ cổ hủ, khó tính hay “soi”. Song trên thực tế, “mỗi người mỗi tính” nên để gìn giữ hạnh phúc trong gia đình, điều quan trọng nhất là giữa nàng dâu và mẹ chồng phải có sự cảm thông, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau.