- Nghi can trong vụ giết vợ là Phó khoa sản Bệnh viện Lào Cai đã tử vong
- Bạo lực gia đình đang "đốt cháy" hạnh phúc
- Nghi án chồng giết vợ rồi tự tử
Những cái chết không báo trước
Đến thời điểm hiện tại, vụ án vợ giết chồng rồi phân xác phi tang xảy ra tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương hồi cuối năm 2017 khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. Sau khi bị bắt, tại cơ quan công an, người vợ 32 tuổi khai nhận đã ra tay do nghi chồng mình có bồ song lại về ngược đãi, hắt hủi vợ.
Mới đây, tại Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Nạn nhân là chị Trần Thị H, phó trưởng khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai bị chồng dùng búa đập vào đầu do ghen, nghi ngờ chị H có quan hệ bất chính bên ngoài. Sau khi gây án, chồng chị H đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử.
Những vụ án mạng trong gia đình xảy ra ngày càng nhiều (ảnh minh họa)
Còn ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, do mâu thuẫn vợ chồng, Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1981) đã dùng dao chém nhiều nhát vào vợ là chị Phạm Thị Thêu và hai con gái là N.T.D (sinh năm 2006), N.H.A (sinh năm 2012), khiến cả 3 tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, Nguyễn Minh Hùng đã dùng dao tự chém vào tay trái của mình để tự sát.
Trước đó, ở xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Nguyễn Văn Phương, 31 tuổi đã dùng dao bầu đâm liên tiếp vào người ông L.X.H (bố vợ Phương) khiến ông H tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau khi đâm ông H, Phương tiếp tục truy sát mẹ vợ là bà N.T.Q (58 tuổi) và vợ là L.T.P (30 tuổi) khiến hai mẹ con bị thương nặng.
Nghiêm trọng hơn, tại tỉnh Cao Bằng, Hoàng Văn Huỳnh, sinh năm 1999, sau khi đi chơi về khuya thấy cả nhà đang ngủ đã vào phòng chị Nông Thị K (chị dâu Huỳnh) ngủ cùng 2 con quấy rối chị K. nhằm thực hiện hành vi giao cấu nhưng bị chị K. chống cự và bỏ chạy. Thấy vậy, Huỳnh lấy dao chém chị K bị thương. Ông nội của Huỳnh ở cùng nhà đến can ngăn cũng bị Huỳnh dùng dao chém chết tại chỗ. Không dừng lại ở đó, Huỳnh tiếp tục xuống dao với 2 cháu con chị K làm 1 cháu chết tại chỗ, 1 cháu bị thương. Gây án xong Huỳnh vào bếp, đóng cửa và dùng dây điện treo cổ tự tử.
Có thể nói, những vụ án mạng nghiêm trọng trên hầu hết xuất phát từ những mâu thuẫn, ghen tuông trong gia đình nhưng không giải quyết được nên bị dồn nén lâu ngày đến những hậu quả ngoài mong muốn. Nó cũng cho thấy sự bất lực, thiếu kỹ năng sống của những người trong cuộc…
Sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức, lối sống
Thật đáng buồn là hành vi bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình đã không còn là chuyện hiếm gặp. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, gần đây, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.200 vụ giết người, trong đó có tới 18-20% số vụ là người thân trong gia đình giết nhau. Con số này thể hiện sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức, văn hóa ứng xử giữa con người với con người trong xã hội hiện tại.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân đã trở nên lỏng lẻo. Trong khi đó, không ít cá nhân có lối sống ích kỷ, đặt lợi ích bản thân lên trên hết. Điều đó dẫn đến sự lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau giữa các thành viên trong gia đình, nên khi phát sinh mâu thuẫn, xung đột họ sẵn sàng tìm đến bạo lực để giải quyết, bất chấp việc gây tổn thương, đau đớn cho chính người thân của mình.
Bên cạnh đó, một số người đã bị dính vào tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè hay ngoại tình, ghen tuông…Khi bị người thân lên án, phản đối, thậm chí ngăn cấm, họ mù quáng không phân biệt được đúng sai, từ đó có những hành động phản kháng lại bằng bạo lực thiếu kiểm soát – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.
Đành rằng, sau những vụ án mạng gia đình, các bị cáo phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật, song nỗi đau với những người còn lại sẽ còn đeo đẳng mãi. Trước thực tế này, phòng ngừa xã hội cần xem là giải pháp được ưu tiên hàng đầu.
Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhằm hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm để làm gương, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, mỗi gia đình phải chú trọng giáo dục về đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho con em mình, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên, kịp thời phát hiện và hóa giải các xung đột, không để dồn nén kéo dài. Ngoài ra, ở các khu vực dân cư, khi phát hiện mâu thuẫn trong các gia đình, các ban ngành đoàn thể cấp cơ sở cần tổ chức ngay việc hòa giải, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng".