Khi học sinh giỏi không mặn mà với “màu cờ sắc áo”

(ANTĐ) - Vốn được coi là một trong những mũi nhọn đem lại vinh quang cho đất nước nhưng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đi thi Olympic quốc tế lại đang ngày càng kém sức hút học sinh tham gia trước nhiều tính toán thiệt hơn. Các chính sách đãi ngộ đang được đặt ra để tạo động lực “vực dậy” các đội tuyển quốc gia.

Khi học sinh giỏi không mặn mà với “màu cờ sắc áo”

(ANTĐ) - Vốn được coi là một trong những mũi nhọn đem lại vinh quang cho đất nước nhưng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đi thi Olympic quốc tế lại đang ngày càng kém sức hút học sinh tham gia trước nhiều tính toán thiệt hơn. Các chính sách đãi ngộ đang được đặt ra để tạo động lực “vực dậy” các đội tuyển quốc gia.

Đã có những lo ngại về thành tích đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam đang tụt hậu so với các nước trong khu vực

Không mặn mà vì ngại khổ

Đánh giá về chất lượng và kết quả đạt được của các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia trong các kỳ thi quốc tế gần đây, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT Trần Văn Kiên cho biết, kết quả dự thi Olympic Quốc tế của Việt Nam 5 năm gần đây có phần chững lại thậm chí là đi xuống, cụ thể, năm 2010, Việt Nam chỉ giành 2 Huy chương Vàng ở cả 5 môn mặc dù về tổng số giải vẫn tương đương các năm trước. Điều đáng nói là kết quả dự thi của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á lại có những tiến bộ rõ rệt. Theo GS Nguyễn Thế Khôi, ĐH Sư phạm Hà Nội, thành tích của Việt Nam vào loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á cách đây khoảng 5 năm, nhưng đến nay các nước như Indonesia,

Singapore đã đuổi kịp và vượt qua chúng ta. Còn theo GS.TSKH. Hà Huy Khoái - Viện Toán học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, đội tuyển Olympic Toán học của Việt Nam đang lùi dần khỏi top 20 đội mạnh nhất. Một trong những nguyên nhân chính được đưa ra ở đây chính là sự giảm sút nhiệt tình của học sinh đối với các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia dẫn đến giảm sút chất lượng đội tuyển.

Việc phụ huynh, học sinh thiếu nhiệt tình và thậm chí là từ chối tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đã được phản ánh từ vài năm gần đây. Cân nhắc thiệt hơn giữa việc đầu tư vào duy nhất một môn đi thi quốc gia và quốc tế với việc tập trung vào tiếng Anh và tìm kiếm các học bổng du học khiến sự lựa chọn đem lại “màu cờ sắc áo” cho đất nước với những tấm huy chương quốc tế không còn được phụ huynh, học sinh ưu tiên hàng đầu.

Điều này đã được chính thầy cô giáo các địa phương phản ánh với lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong cuộc trao đổi và tập huấn tổ chức ôn luyện các đội tuyển quốc gia ngày 12 và 13-10 ở Hà Nội. TS. Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP.HCM cho biết, trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi có quy định mới về chế độ ưu đãi đối với học sinh đoạt giải quốc gia, phong trào học sinh giỏi đã có phần đi xuống.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, do đích đến của học sinh và phụ huynh khi học xong THPT là vào được một trường ĐH trong hoặc ngoài nước nên khi Bộ GD-ĐT bỏ chế độ tuyển thẳng vào ĐH cho các học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, học sinh và phụ huynh sẽ chọn con đường ít khó khăn hơn, đó là tập trung ôn thi ĐH và học tiếng Anh thay vì chỉ học “lệch” có mỗi một môn để thi quốc gia. Trong khi đó, để đạt được 1 tấm huy chương quốc tế, học sinh Việt Nam phải thi đấu với học sinh của hơn 100 quốc gia, cơ hội không nhiều kèm theo với việc không được nhận tuyển thẳng vào ĐH, trong khi các môn thi khác các em lại không có thời gian đầu tư.

Nên tuyển thẳng ĐH để thu hút

Không thể chỉ giảng giải suông về nhiệm vụ lớn lao của học sinh khi tham gia đội tuyển quốc gia, trong khi các em phải đầu tư cả một quá trình từ kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, quận huyện, tỉnh thành phố. Đại diện lãnh đạo sở GD-ĐT và các khối chuyên trường ĐH đều đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc cần đưa ra những chế độ đãi ngộ hợp lý với cả học sinh lẫn giáo viên hướng dẫn đội tuyển.

“Đã có thời gian, sau các đợt tập huấn và đưa học sinh đi thi quốc tế, các cán bộ giáo viên tham gia tập huấn và học sinh được thưởng một vài trăm nghìn đồng gọi là động viên, cùng với bằng khen. Tuy nhiên, nhiều năm nay ngay cả một đồng cũng không được thưởng trong khi các giáo viên, huấn luyện viên các đoàn thể thao thì được hưởng xứng đáng. Giáo viên tham gia tập huấn đội tuyển và đưa học sinh đi thi không trông đợi vào tiền thưởng, tuy nhiên tiền thưởng thể hiện sự đánh giá công lao của họ” - TS. Phạm Văn Lập, trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội cho biết.

Liên quan đến vấn đề chế độ của giáo viên cũng như những khoản chi cho công tác tập huấn đội tuyển, ông Trần Văn Kiên cho rằng cần thay đổi, bổ sung một số nội dung Thông tư 29/2007/TTLT/BTC-BGD-DT hướng dẫn tạm thời về nội dung, mức chi cho công tác tuyển chọn và tập huấn các đội tuyển dự thi Olympic Quốc tế và khu vực vì một số mức chi được quy định trong thông tư từ năm 2007 so với thời giá hiện nay là quá thấp, không phù hợp với thực tế.

Để thu hút hơn nữa sự tập trung của học sinh vào đội tuyển, TS. Nguyễn Thanh Hùng cho rằng cần đưa ra chế độ thực tế nhất cũng chính là phương thức đã được áp dụng trước đây là cho phép tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia vào ĐH đối với những học sinh đoạt giải chính thức vào học các ngành khoa học tương ứng với môn các em dự thi. Có như vậy, phụ huynh học sinh mới yên tâm để theo đuổi các môn dự thi. Bên cạnh đó, đại diện Sở GD-ĐT Hải Phòng đề xuất, Bộ GD-ĐT nên cấp giấy chứng nhận đối với thầy cô giáo có học sinh đoạt giải, có tổng kết đánh giá thành tích các địa phương nhằm khuyến khích động viên kịp thời các đơn vị có kết quả cao về công tác học sinh giỏi.

Duy Anh