Khi Cảnh sát bảo vệ mục tiêu là… phái yếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiếm một phần rất nhỏ trong quân số của Trung đoàn Cảnh sát cơ động bảo vệ mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật (E31) nhưng sự mềm mại của những bông hoa thép cũng tạo nên màu sắc rất riêng…

Người chỉ huy nữ duy nhất của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động

Là một đơn vị chiến đấu đặc thù được mệnh danh là quả đấm thép của lực lượng CAND nên số lượng nữ trong Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Cùng với đó, sự khác biệt về giới khiến chị em cũng còn nhiều hạn chế, khó để bổ nhiệm vị trí cấp trưởng. Nhưng Trung tá Bùi Thị Hải Anh, Trưởng ban Chính trị, E31 thì hơi khác một chút. Trải qua quá trình hơn 20 năm phấn đấu trong lực lượng CAND, người Chủ tịch Hội phụ nữ Trung đoàn đã trở thành nữ chỉ huy duy nhất trong tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ.

Trung tá Bùi Thị Hải Anh (ngoài cùng bên phải và đồng đội)

Trung tá Bùi Thị Hải Anh (ngoài cùng bên phải và đồng đội)

Xuất thân từ cán bộ quản giáo, khi E31 được chính thức thành lập, Trung tá Bùi Thị Hải Anh có nguyện vọng được chuyển môi trường công tác và đã được tổ chức phân công nhận nhiệm vụ tại đây. Ban Chính trị của chị phụ trách từ thi đua khen thưởng đến tuyên truyền, lương thưởng, chế độ chính sách cho CBCS toàn Trung đoàn.

Chia sẻ về công tác phụ nữ, về những người đồng đội nữ của mình, Trung tá Bùi Thị Hải Anh cho biết, tuổi đời của các hội viên đa số còn trẻ, số chị em là công nhân viên, hợp đồng lao động chiếm gần 1/3 quân số nữ của Trung đoàn. Các chị em chủ yếu ở các vị trí kế toán, quân y, cũng có những chị em ở Đại đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu.

Với đặc thù của đơn vị là vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu, các Chi hội trực thuộc được biên chế theo đơn vị và hoạt động, ăn ở phân tán tại các quận, huyện của Thủ đô Hà Nội. Trong hoạt động có thuận lợi về quân số, sự năng động và nhiệt tình của các Chi hội, song cũng gặp không ít những khó khăn như nơi ở, làm việc phân tán, không tập trung, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động còn khó khăn và đặc biệt quân số luôn biến động vì nhóm bộ phận làm công tác cấp dưỡng ở các đơn vị là nhân viên hợp đồng thường không ổn định…

Vượt qua những khó khăn, các cấp Hội Phụ nữ Trung đoàn 31 đã linh hoạt vận dụng, cụ thể hóa thành các phong trào, hoạt động phù hợp với đặc thù đơn vị và đối tượng để động viên thu hút hội viên, phụ nữ tham gia; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia và thực hiện tốt các Cuộc vận động, xây dựng Mái ấm tình thương, “Mẹ đỡ đầu”, làm đường giao thông nông thôn, gia đình kiểu mẫu, vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh.

Đại úy Thân Thị Bắc và đồng đội

Đại úy Thân Thị Bắc và đồng đội

Thanh xuân gửi lại núi rừng Tây Bắc

Đại úy Thân Thị Bắc, cán bộ Đại đội 5, Trung đoàn 31 vốn là một cô gái sinh ra và lớn lên tại trung tâm Hà Nội. Với tấm bằng chuyên ngành kế toán, cô đã từng có 2 năm làm việc doanh nghiệp. Nhưng rồi truyền thống gia đình với người bố, các anh chị đã khiến cô quyết định rời Thủ đô gia nhập lực lượng CSCĐ, biên chế tại Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh CSCĐ tại khu vực Tây Bắc.

“Tôi vẫn là kế toán nhưng ở nơi đây, không chỉ là những con số thông thường mà là một mảng việc trong công tác hậu cần của một đơn vị chiến đấu. Sẽ chẳng bao giờ quên được những lần đi cứu trợ mưa lũ vùng cao, ánh mắt, gương mặt kém sắc của cán bộ chiến sỹ, tôi cảm thấy thấu hiểu hơn sự vất vả của đồng đội mình” - Đại úy Thân Thị Bắc chia sẻ.

Từ sự đồng cảm ấy, Thân Thị Bắc đã lăn mình vào hoạt động Đoàn, hoạt động phụ nữ, được đồng đội và nhân dân tin yêu, mến thương. Cô chia sẻ, những ngày đầu mới về nhận nhiệm vụ, bản thân đã từng khóc vì nhớ nhà. Là con út, cô được cả gia đình cưng chiều, thế mà giờ đây, sống tập thể tại môi trường toàn con trai, cách nhà 5 giờ đi xe khách. Đã có lúc cô nghĩ muốn về Hà Nội, nhưng rồi "khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn", thời gian về Hà Nội học tập, sự lưu luyến vùng đất ấy đã khiến cô gắn bó gần 10 năm. "Để giờ đây, được sống cùng gia đình, người thân, nghĩ về thời thanh niên sôi nổi, tuổi thanh xuân của mình nơi vùng núi Tây Bắc ấy, tôi không hề cảm thấy hối tiếc vì mình đã cống hiến hết mình cho nó" - Đại úy Thân Thị Bắc tâm sự.

Sau 8 năm gắn bó với Tây Bắc, Đại úy Thân Thị Bắc được điều chuyển về Bộ tư lệnh và năm 2021, cô chính thức thuộc biên chế của Đại đội 5 bảo vệ mục tiêu. Nhiệm vụ của cô và đồng đội là đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực Phòng tiếp công dân của Tòa án nhân dân tối cao.

Nguyện vọng được trở lại là Cảnh sát Đặc nhiệm

Thượng úy Nguyễn Thị Hương, Đại đội 6 Trung đoàn 31 là một trong số ít nữ cán bộ Trung đoàn 31 làm nhiệm vụ canh gác trực tiếp tại mục tiêu bảo vệ. Cô gái Hải Dương là lứa đặc nhiệm nữ đầu tiên của lực lượng CSCĐ. Sau 5 năm ở Trung đội nữ Cảnh sát đặc nhiệm, cô luân chuyển qua nhiều vị trí công tác khác nhau và giờ đây, để được gần gia đình, cô có nguyện vọng về công tác tại Đại đội 6, bảo vệ mục tiêu ở phía Tây Thủ đô.

Thượng úy Nguyễn Thị Hương và nhiệm vụ thường ngày

Thượng úy Nguyễn Thị Hương và nhiệm vụ thường ngày

Nhiệm vụ của người Cảnh sát bảo vệ mục tiêu thường là gác chốt ngày 3 ca, mỗi ca từ 2 giờ trở lên. Là thành viên nữ duy nhất làm nhiệm vụ gác mục tiêu của Đại đội, cô được chỉ huy sắp xếp không phải trực ca đêm, được về nhà chăm sóc con. "Nhưng chúng tôi không có ngày nghỉ, ca gác cứ đều đặn từ thứ 2 đến chủ nhật cũng là một khó khăn của chúng tôi. Gia đình ở xa, tôi ở một mình với bé con mới chỉ 4 tuổi. Ngày nghỉ, thay vì được đến công viên, khu vui chơi như bạn bè, con lại đến cơ quan trực cùng mẹ. Công viên của con chính là khuôn viên sân chơi Đại đội, người chơi cùng chính là các bác các chú đồng đội của mẹ nên nhiều khi con vùng vằng, tỏ thái độ, mẹ rất thương nhưng cũng không biết phải làm như thế nào" - Thượng úy Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Là người lính CSCĐ, Thượng úy Nguyễn Thị Hương quen với những bài võ, tập điều lệnh và những cuộc hành quân. Còn với cô bây giờ, là những ca trực ở chốt. "Thời tiết mùa thu như những ngày này thì tương đối dễ chịu, nhưng ngày nắng nhiệt độ cao, hay những ngày rét thấu xương, đứng làm nhiệm vụ dù hết sức đơn giản nhưng cũng khiến bản thân tôi muốn tụt huyết áp" - Thượng úy Hương chia sẻ.

Nhưng cô luôn tự nhủ, nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành, khó khăn nào cũng phải vượt qua và thành công sẽ đón chờ mình ở phía trước. "Mỗi nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ đều có những đăc thù riêng, sự vất vả khác nhau. Cảnh sát bảo vệ mục tiêu thì thiếu thốn thời gian cho gia đình, Cảnh sát Đặc nhiệm thì lại vất vả chuyên môn, thể lực. Khi chọn màu áo Cảnh sát Cơ động, tôi tin rằng, không chỉ tôi mà các chị em khác ở bất cứ vị trí nào cũng đều khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ" - Thượng úy Nguyễn Thị Hương bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục