Khi bỏ đói trở thành “vũ khí” trong nội chiến ở Sudan

ANTD.VN - Nhiều người dân địa phương ở 2 thành phố kết nghĩa của Sudan là Omdurman và Khartoum nói rằng, nếu không có bếp ăn từ thiện, họ sẽ chết đói. Cuộc nội chiến ở đây bắt đầu vào tháng 4-2023. Các khu chợ trong thành phố đã bị cướp phá và hầu như không có cửa hàng hay nhà máy nào thoát khỏi tình cảnh này. Kinh khủng hơn, “bỏ đói” trở thành vũ khí chiến tranh.

Giữa hai làn đạn

Trước khi mặt trời mọc trên bờ Đông sông Nile, ông Ayman al-Amin Taha (50 tuổi) bước vào bếp ăn từ thiện do chính ông điều hành. Vào 5h30 mỗi sáng, Taha với 5 chiếc bếp gas lớn bắt đầu chuẩn bị đồ ăn để phân phát vào trưa và tối cho hàng trăm người. Taha từng làm nghề nhập khẩu phụ tùng ô tô đã qua sử dụng và cũng từng điều hành một khu nghỉ dưỡng trên bờ sông Nile, nhưng giờ đây ông chỉ còn lại một nhà hàng và bếp ăn từ thiện. Địa điểm Taha nấu ăn cho người nghèo là nơi sông Nile Xanh và sông Nile Trắng giao nhau, kết nối 2 thành phố Omdurman và Khartoum vốn đã bị bom đạn phá hủy.

Những căn bếp từ thiện trở thành nguồn sống cho người dân khu vực chiến sự ở Sudan

Ở Omdurman, thanh niên bị ép nhập ngũ và ném vào các trận chiến dưới ảnh hưởng của ma túy đá. Tại một số ít bệnh viện vẫn còn hoạt động ở đây, nhân viên y tế thiếu hụt nghiêm trọng trong khi bệnh nhân nằm trong những căn phòng đông đúc cùng những người lính bị cắt cụt chân tay. Các cửa hàng bị cướp phá nằm trong đống đổ nát.

Cách nơi ở của Taha khoảng 5km, bên kia sông Nile là những tòa nhà chọc trời của Khartoum. Đây là thành phố nơi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 4-2023. Xung đột nổ ra do kế hoạch sáp nhập Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF - một nhóm bán quân sự với quy mô trước chiến tranh khoảng 100.000 người) vào Lực lượng vũ trang Sudan (SAF - quân đội Sudan). Nhưng các cuộc đàm phán bất thành, SAF do Tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo đã chống lại RSF dưới sự chỉ huy của cựu phó tướng của ông - Tướng Mohamed Hamdan Daglo (thường được gọi là Hemeti).

Hemeti bắt đầu sự nghiệp vào năm 2003 với tư cách là chỉ huy của lực lượng dân quân Janjaweed khét tiếng vùng Darfur, phía Tây Sudan. Nhóm này tiến vào các ngôi làng, hãm hiếp, tàn sát cư dân rồi cướp bóc bất cứ thứ gì có thể. Năm 2013, Hemeti được bầu làm thủ lĩnh của RSF mới thành lập. Ngày nay, RSF kiểm soát 8/18 thủ phủ khu vực ở Sudan và tiếp tục tiến công vào phía Đông Nam nước này. Ông Alex de Waal - Giám đốc Quỹ Hòa bình thế giới tại Đại học Tufts gần Boston (Mỹ), gọi lực lượng dân quân này là “cỗ máy cướp bóc”.

Người dân xếp hàng chờ phát cháo từ thiện ở Omdurman, Sudan

Rùng mình cảnh báo về nạn đói

Theo ước tính của Mỹ, nội chiến ở Sudan đã khiến 150.000 nạn nhân thiệt mạng trong 1,5 năm qua. Các cuộc đàm phán hòa bình vào tháng 8 do Mỹ thúc đẩy đã kết thúc không thành công tại Geneva. Nội chiến cũng đã gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới. Khoảng 9 triệu trong số 48 triệu người dân của nước này đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ tháng 4-2023. Hơn 25 triệu dân trong nước đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Theo Chương trình lương thực thế giới, đây là cuộc khủng hoảng đói kém lớn nhất thế giới.

Tháng 6-2024, Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói có thể sớm bùng phát ở 14 khu vực của Sudan. Theo số liệu thống kê chính thức, 750.000 người dân nước này đang bên bờ vực chết đói, trong đó có 220.000 trẻ em. Một nhóm nghiên cứu từ Hà Lan cho hay, có tới 2,5 triệu người ở Sudan có thể mất mạng do nạn đói trong năm nay. Các chuyên gia của Liên hợp quốc cáo buộc cả 2 bên đều sử dụng nạn đói như một vũ khí. Ví dụ, SAF phần lớn từ chối cho phép các đoàn xe cứu trợ vào các khu vực do RSF kiểm soát. Chính vì lý do đó mà hàng trăm takias (tên gọi của các bếp ăn từ thiện) đang phân phát bữa ăn tại các thành phố bị tàn phá trên sông Nile. Họ được tài trợ bởi các khoản đóng góp từ cả trong và ngoài nước. Nhiều bếp ăn trong số đó chỉ mới mở trong những tháng gần đây. Và hầu như mọi người đều cần sự giúp đỡ. Gần như không ai có việc làm để có tiền mua thức ăn. Bác sĩ, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, giáo viên, luật sư, sinh viên, doanh nhân, tất cả đều tới đây mỗi ngày để lấy 3 muôi cơm hầm hoặc súp đậu lăng.

Binh sĩ quân đội Sudan trên đường tuần tra

Ông Taha thường cùng với nhóm của mình phát đồ ăn từ thiện tại maseed sufi (một loại trung tâm cộng đồng trong khu vực). Anh trai của Taha là một doanh nhân giàu có đã tài trợ cho nhà bếp. Mỗi ngày ở đây có 15 người nấu ăn, nướng bánh và rửa bát. Theo lời ông Taha, hoạt động của bếp ăn từ thiện đã ít nguy hiểm hơn so với đầu năm. Hồi đó, RSF cướp bóc các khu phố, bắt giữ và bắn người một cách ngẫu nhiên. Không ai dám ra ngoài, cư dân chết đói trong căn hộ của họ. Tuy vậy, ông vẫn mạo hiểm lái chiếc xe tải nhỏ qua các trạm kiểm soát để đến khu chợ do SAF kiểm soát 3 lần/tháng. Những khu chợ như vậy là nơi duy nhất có đủ thực phẩm. Ông không từ bỏ bếp ăn bởi “người dân cần chúng tôi”.

Vào tháng 3-2024, SAF đã chiếm lại một số khu vực của Omdurman. RSF vẫn rải rác khắp thành phố và cũng kiểm soát hầu hết Khartoum ở bờ bên kia sông Nile. Khu vực có bếp ăn từ thiện đã trở lại tay SAF. Hàng trăm người xếp hàng trước bếp của Taha, người già được ưu tiên, tiếp theo là phụ nữ rồi trẻ em…

Ông Ali Saleh (60 tuổi) từng làm lái xe cho cơ quan nhà nước Sudan bày tỏ: “Bếp từ thiện đã cứu mạng tôi”. Hơn 1 năm qua, người đàn ông này đã sụt khoảng 20kg, mắc nhiều bệnh vì suy dinh dưỡng. Ông Saleh có một khoản tiền lương hưu ít ỏi tương đương khoảng 18 euro/tháng. Nhưng để lĩnh được tiền, ông phải đi đến thành phố cách đó khoảng 3 giờ xe chạy. Ông kể rằng tháng 11-2023 ông đã suýt chết vì đói. RSF cướp bóc các tòa nhà, đặc biệt là các cửa hàng. Nhà ông không còn gạo, ngũ cốc hay rau để ăn. Nước sạch cũng không có, buộc phải lấy nước từ sông Nile. Vợ ông đưa con trai bỏ trốn để tránh bị bắt đi lính. Saleh không muốn rời khỏi ngôi nhà nhỏ do cha mẹ để lại. Nhiều ngày không có gì ăn, ông chỉ nằm dài và cảm nhận chưa bao giờ gần cái chết đến thế. Sau 4 ngày, ông vùng dậy lê đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ.

Tương lai mịt mờ

Thường xuyên xếp hàng ở bếp ăn từ thiện của ông Taha còn có Abdulrahim Mirghani (21 tuổi). Bắt đầu từ tháng 12-2018, người dân Sudan đã cố gắng biến đất nước của họ thành một nền dân chủ. Mirghani khi đó vẫn còn đi học, là thành viên của ủy ban địa phương vận động người dân khu phố đi biểu tình. Cuối cùng, Tổng thống Omar al-Bashir buộc phải rời khỏi chức vụ sau 30 năm cầm quyền. Nền dân chủ ở Sudan tưởng như đã ở trong tầm tay thì 2 nhân vật đã quyết định thay đổi số phận đất nước, đó là Tướng Burhan và Tướng Hemeti. Họ từ chỗ là đồng minh trở thành địch thủ. Năm 2021, Mirghani một lần nữa xuống đường đòi các tướng lĩnh từ chức, nhưng anh đã bị chiến binh RSF bắn vào tay. Thời tham gia cách mạng, những người biểu tình như Mirghani cũng đã yêu cầu giải tán RSF. “Chúng tôi biết lịch sử của họ, biết về vụ thảm sát ở Darfur, nạn cướp bóc, sự tàn bạo. Bây giờ chúng tôi cũng đang chứng kiến những tội ác ấy ở đây”.

Khi nội chiến nổ ra, Mirghani đã hy vọng có thể theo đuổi con đường học nghệ thuật. Nhưng hiện giờ anh mắc kẹt trong tình cảnh không nghề nghiệp, không học hành, thậm chí có nguy cơ chết đói. Thanh niên này vẫn hy vọng một ngày nào đó Sudan có thể có một chính phủ dân sự. “Dù tương lai còn rất xa vời và mịt mù, nhưng ý tưởng thì không thể chết” - Mirghani quả quyết.

Giống như nhiều người Sudan khác, ông Taha muốn 2 phe ngồi vào đàm phán đi đến hòa bình. Nhưng để điều đó xảy ra, các chuyên gia cho rằng, những đồng minh của cả 2 phe cần phải gây thêm áp lực vì cuộc nội chiến này đang có dấu hiệu của “chiến tranh ủy nhiệm” với nhiều thế lực nước ngoài.