Khâm phục người vợ giúp chồng rời bỏ "nàng tiên nâu"

ANTĐ - Chị, một người phụ nữ gốc Huế dịu dàng, thuần khiết nhưng đằng sau đó lại rất cứng cỏi và mạnh mẽ. Người phụ nữ ấy đã từng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của dư luận, một mình lặng lẽ giúp chồng cai nghiện thành công, âm thầm dạy dỗ các con chăm ngoan, học giỏi.

Câu chuyện về người phụ nữ can trường này khiến tôi cảm phục về nghĩa tình phu thê. Chị đã “ngậm buồn nuốt tủi” kéo chồng thoát khỏi "nàng tiên nâu" đeo bám. Chị là Trần Thị Tâm (sinh năm 1965), phường Hưng Dũng, Thành phố Vinh.

Chị Trần Thị Tâm chia sẻ với phóng viên về những chuỗi ngày giúp chồng cai nghiện

 Bước chân lầm lỡ của người chồng

Chị Tâm lập gia đình với anh Lê Xuân Thông vào năm 1987. Tình yêu của anh chị được xây đắp trên nền tảng của tình yêu thương. Năm 1989, bé gái Hà Minh ra đời, sau đó năm 1992, chị Tâm sinh cho anh một đứa con trai bụ bẫm Minh Tuấn. Hạnh phúc tưởng như viên mãn, nhưng có ngờ đâu sóng gió ập đến.

 Ngày ấy, vừa làm công nhân của nhà máy dầu thực vật, chị Tâm lại lao vào kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Anh Thông vốn là bộ đội phục viên về quê chưa có việc làm. Để giúp vợ, cứ trời vừa tảng sáng anh lại dắt chiếc xe máy cũ kỹ của mình đi làm thêm đến tối mịt mới về.

Làm nghề xe ôm, anh giao lưu với rất nhiều bạn bè. Có những cuộc say bí tỉ, những tối hội hè, bài bạc thâu đêm suốt sáng, và rồi oái oăm thay! Anh lạc lối khi để “nàng tiên nâu” dẫn đường. Chìm ngập trong khói thuốc, anh bỏ bê mọi thứ. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, nay lại chồng thêm khó khăn.

Năm 2003, chị Tâm phát hiện chồng có những biểu hiện lạ. Lặng lẽ, nhẹ nhàng, chị âm thầm dõi theo từng “đường đi nước bước” và rồi mọi thứ bỗng nhiên vỡ òa khi chị biết anh đã vướng vào cái thứ “khói trắng” chết người. Đã bao đêm nằm bên chồng, mà nước mắt chị lưng tròng. Có những lúc chị nghĩ đến cái chết, có lúc chị lại có suy nghĩ bỏ rơi anh... Yêu chồng và trên hết là thương con. Làm sao chị lại có thể đẩy cuộc đời của mình vào cái cảnh vợ lìa chồng, con vắng bóng cha, làm sao chị có thể....

Nhìn anh Thông đang co ro bởi những lúc thèm thuốc, chị vừa giận vừa thương, vừa muốn tìm cách cứu anh thoát khỏi ma túy. Nghĩ rồi, chị tự nhủ, không thể bỏ mặc anh trong hoàn cảnh này “Đã lấy nhau là số phận trời se. Anh ấy nghiện, mình là vợ thì phải cùng sống chết với anh, giúp anh có nghị lực vượt qua. Giờ nhìn anh nghiện ngập và chết mòn thì không khác gì mình nhìn bản thân mình chết”, chị Tâm chia sẻ.

Giúp chồng vượt ải "nàng tiên nâu"

Có một điều làm mọi người phải khâm phục chị là dù chồng nghiện ma túy nhưng chưa bao giờ chị nói đến hai từ ly dị. Chị luôn nghĩ giản đơn "còn nước còn tát", con sinh ra lớn lên phải có bố. Những ngày đầu cai nghiện cho anh quả là vất vả. Chị Tâm đã phải thế chấp ngôi nhà mà gia đình mình đang ở, lặn lộn giữa trưa hè nắng oi ả, cùng chồng đi mua vé tàu chạy thẳng vào TP.HCM, đến những nơi tốt nhất để xin được tư vấn.

Chị nhớ lại: “ Vào đó, việc đầu tiên là mình tìm đến các trung tâm cai nghiện, xin được các bác sỹ tư vấn, để có phương pháp chữa trị”. Không thể ở lại trong ấy quá lâu, chị dìu anh về, quyết tâm cai nghiện tại nhà. Vò võ mỗi ngày, chị Tâm vừa làm thiên chức của một người mẹ chăm lo học hành ăn uống cho hai con, vừa còng lưng làm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho cả gia đình, lại vừa chăm sóc, giúp người chồng cai nghiện thành công. Mệt mỏi, vất vả nhưng chưa bao giờ chị than phiền, oán trách hối hận.

 Rồi phần nào sự dịu dàng, tế nhị của chị đã thức tỉnh được tinh thần của anh. Chị Tâm nhớ lại, có lần đang trong quá trình cai nghiện thì anh lại lén lút trốn chị để hút thuốc. Nhìn thấy anh đang chìm đắm trong khói thuốc, hai dòng nước mắt của chị bỗng lăn dài trên má. Trong đầu bỗng dưng lóe lên ý nghĩ, chẳng lẽ mình đành bỏ cuộc như vậy hay sao? Rồi không ít lần anh và chị xảy ra mâu thuẫn, mỗi lần vợ chồng cãi cọ anh lại tìm đến thuốc. Những lúc ấy, chị biết đấy, tránh những lời mắng nhiếc, xỉ vả, chị âm thầm, khuyên nhủ động viên anh. Chị hiểu một khi anh còn nói “ không phải anh hút” là một khi chị còn hi vọng. Chị chỉ sợ anh lẳng lặng bỏ đi, rồi mặc cho số phận mình trôi dạt về đâu thì về.

Để cai nghiện thành công cho chồng, chị Tâm cũng đã không ít lần nghe những lời xì xào, bàn tán về gia đình mình. Người dân trong khối, xóm nhìn chị với ánh mắt lạnh lùng, xa lạ. Dường như nó lại mỗi lúc cào cấu vết thương trong lòng chị?. Ngày ấy, rộ lên vụ án Năm Cam, đứa con gái đầu của chị mỗi khi nghe ai đó nhắc đến lại giật mình hoảng hốt. “Ngày trung thu, hai đứa trẻ không dám đi ra khối Đông Thọ để vui đùa cùng lũ bạn. Hà Minh sợ bạn bè dị nghị nên nằm riết ở nhà mà ấm ức ngấn lệ. Thằng em Minh Tuấn còn nhỏ, thì chạy sang khối khác mong được nhận quà như những đứa trẻ con khác”, chị Tâm nói trong hai dòng nước mắt. Không để chồng vướng bận trong quá trình cai nghiện, chị một mình chống chọi với những dư luận của xã hội.

Hạnh phúc kỳ diệu

Sau bao ngày tháng vất vả, năm 2007, anh Thông đã cai nghiện thành công. Để tạo công ăn việc làm cho chồng, chị Tâm đã đứng ra đấu thầu đầm nuôi tôm ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh. Tin tưởng anh, chị giao phó mọi việc cho chồng. Đều đặn mỗi ngày chị và con lại xuống thăm, động viên anh, giúp anh vượt qua những thời khắc khó khăn.

Đến nay, nhờ vào đầm tôm mà gia đình anh Thông, chị Tâm mỗi năm thu về 80- 100 triệu đồng. Điều mà chị vui mừng là anh đã vượt qua những thời điểm khó khăn. Giờ đây, hai đứa con anh chị đều đã vào đại học. Đứa con gái lớn đang theo học trường Đại học Vinh. Em sau, đang học tại trường Đại học Y Vinh.

Khi nói về vợ mình, anh Thông tự hào: “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên những tháng ngày ấy, nếu không có người vợ ngoan hiền, chịu đựng hi sinh có lẽ tôi đã ở thế giới bên kia rồi. Vợ đã giúp tôi thoát khỏi ma túy để làm lại cuộc đời. Tôi có một chỗ dựa vững chắc, đó chính là gia đình mình”.

Giờ đây, khi đã bớt được gánh lo gia đình chị Tâm thỏa sức lao mình vào công việc với một niềm đam mê nhiệt huyết, hiện chị đang là tổ trưởng tổ sản xuất của nhà máy chi nhánh Vinh, thuộc Nhà máy dầu Tường An. Tấm gương về chị chắc chắn sẽ là ngọn đèn đường soi sáng cho bao số phận, bao hoàn cảnh gia đình đang vướng vào vòng lao đao của con mang "ma trắng" đeo bám giống như gia đình chị trước đây, nhưng họ chưa đủ can đảm để đứng lên quay đầu dứt khỏi nỗi sợ hãi đó.

Chia tay gia đình chị khi buồi chiều tà, tôi vẫn nhớ hình ảnh ngồi nhà khang trang mái ngói đỏ tươi mà anh chị mới làm nên sau bao năm không dám nghĩ tới. Hình ảnh ánh mắt, nụ cười mãn nguyện - hạnh phúc của anh chị làm tôi thầm nghĩ, cuộc sống xung quanh ta luôn có những điều kỳ diệu. Và anh Thông, chị Tâm đã làm nên một trong những điều kỳ diệu đó.