Khai thác hiệu quả tiềm năng khoáng sản

ANTĐ - Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư một số dự án khai thác, chế biến sâu khoáng sản, góp phần thay đổi cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để ngành khai thác và chế biến khoáng sản Bắc Cạn phát triển bền vững.
Theo các kết quả nghiên cứu, đánh giá tài nguyên, các loại khoáng sản của Bắc Cạn chủ yếu gồm quặng kẽm, chì, sắt, vàng sa khoáng, măng-gan,... Tài liệu dự báo trước đây xác định, trữ lượng quặng chì, kẽm trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn thuộc diện lớn nhất nước ta, với gần 100 mỏ và điểm mỏ, tổng trữ lượng gần hai triệu tấn, tài nguyên dự báo khoảng 2,9 triệu tấn. Tại hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư vào ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Công ty TNHH Ngọc Linh đã lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện phân chì kẽm, công suất hơn 30 nghìn tấn/năm tại xã Ngọc Phái (huyện Chợ Ðồn, Bắc Cạn).
Khai thác hiệu quả tiềm năng khoáng sản ảnh 1

Các hạng mục xây dựng cơ sở Nhà máy điện phân chì kẽm ở xã Ngọc Phái (Chợ Ðồn, Bắc Cạn)
đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng xây lắp.  

Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Linh Vũ Ðức Tuấn cho biết: Mục tiêu của nhà máy là sản xuất kẽm thỏi và các sản phẩm khác từ kẽm, chì,... phục vụ các ngành công nghiệp như nhúng kẽm, mạ kẽm, sản xuất pin. Trước mắt, sản phẩm kẽm thỏi sẽ được cung cấp cho thị trường trong nước, bởi trong điều kiện hiện nay, các ngành công nghiệp nói trên đang phải nhập khẩu tới hơn 90% lượng kẽm thỏi từ nước ngoài để phục vụ sản xuất, với giá thành khá cao, trị giá khoảng 400 triệu USD. Sản phẩm kẽm thỏi thử nghiệm của Công ty TNHH Ngọc Linh được đánh giá có chất lượng tương đương nước ngoài, giá thành lại thấp hơn.

Sau khi xem xét tính khả thi và phê duyệt đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh Bắc Cạn đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và cam kết cấp phép đủ vùng nguyên liệu cho dự án. Căn cứ theo kết quả đánh giá trữ lượng quặng chì, kẽm trong tỉnh, UBND tỉnh Bắc Cạn đề nghị bổ sung nhà máy vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020.

Ngày 20-9 vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: "Việc xây dựng và bổ sung nhà máy vào quy hoạch là thực tế và phù hợp chủ trương tăng cường chế biến sâu khoáng sản". Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thể hiện quan điểm thống nhất việc bổ sung các dự án chế biến sâu chì, kẽm vào dự án quy hoạch chung cả nước. Theo thiết kế, nhà máy có quy mô gần 70 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực luyện kim mầu. Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cam kết tài trợ vốn cho dự án. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm cho hơn 2.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực. Khi đạt công suất thiết kế, doanh thu dự kiến của nhà máy mỗi năm đạt từ 60 đến 90 triệu USD, góp phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Cạn. Với dây chuyền công nghệ, thiết bị mới, hiện đại, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường, cùng hệ thống xử lý chất thải phù hợp, dự án bảo đảm không gây tác động xấu và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Thời điểm này, nhà máy đã hoàn thành khoảng 80% các hạng mục về xây dựng cơ sở hạ tầng và đang chuẩn bị tiến hành lắp đặt các thiết bị kỹ thuật, dây chuyền sản xuất. Theo tiến độ thi công hiện nay, cùng sự hợp tác chặt chẽ của BIDV, dự kiến đến giữa năm 2013, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, cung cấp cho thị trường mỗi năm khoảng 30 nghìn tấn kẽm thỏi, chì thỏi, độ tinh khiết 99,99% và 50 nghìn tấn a-xít sun-phu-ríc.

Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Bắc Cạn đã có văn bản đồng ý thực hiện cam kết cấp phép đủ vùng nguyên liệu cho dự án nhà máy, quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Với nguồn tài nguyên đã được thăm dò, đánh giá, vùng nguyên liệu của tỉnh Bắc Cạn đủ để xây dựng hai nhà máy luyện chì, kẽm kim loại với quy mô công suất mỗi nhà máy khoảng 30 nghìn tấn/năm, thời gian tồn tại các nhà máy hơn 30 năm.