Khắc phục sự thiếu vắng doanh nghiệp quy mô vừa

ANTĐ -  Quy mô doanh nghiệp càng nhỏ thì năng lực tài chính của doanh nghiệp càng kém, tỷ lệ thua lỗ cao và khó tham gia vào chuỗi cung ứng. Số lượng doanh nghiệp quy mô vừa giảm khiến sức cạnh tranh khi hội nhập không cao. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có chính sách để Việt Nam tăng số lượng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, sẵn sàng cho hội nhập.

Quy mô doanh nghiệp càng nhỏ đi

Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục dịch chuyển theo hướng quy mô ngày càng nhỏ đi, khiến Việt Nam đang thiếu hụt một lực lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn đủ để dẫn dắt nền kinh tế hội nhập với quốc tế. Lao động bình quân trong doanh nghiệp đã giảm từ 49 lao động năm 2007 xuống còn 29 lao động năm 2014. Đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, số lượng lao động giảm từ 27 năm 2007 xuống còn 18 lao động năm 2014. 99% doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp ngoài Nhà nước. 

Khắc phục sự thiếu vắng  doanh nghiệp quy mô vừa ảnh 1

Doanh nghiệp quy mô vừa có lợi thế nhất định trong cạnh tranh

Theo Tiến sĩ Lương Minh Huân (Viện Phát triển doanh nghiệp- VCCI), quy mô doanh nghiệp càng nhỏ thì năng lực tài chính càng kém và tỷ lệ thua lỗ càng cao. Trong giai đoạn 

2007- 2013, trung bình 45% doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, trong khi hiệu suất sinh lợi của các doanh nghiệp giảm mạnh, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng khó tham gia được vào chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2007-2013, hiệu quả sử dụng lao động của khu vực doanh nghiệp không những không được cải thiện, mà còn giảm đi, từ 17,3 lần năm 2007 xuống còn 15,7 lần năm 2013, chủ yếu do tiền lương ngày càng tăng lên, nhưng chất lượng của lao động vẫn chưa tăng tương xứng. Các chỉ số về khả năng thanh toán của doanh nghiệp vẫn ít được cải thiện so với năm 2012. Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp và không có dấu hiệu của sự cải thiện. Chính điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn tăng cao trong năm 2014 và tỷ lệ lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tín hiệu tốt từ tái cơ cấu

Cũng theo ông Lương Minh Huân, các doanh nghiệp FDI có sự ổn định hơn so với doanh nghiệp trong nước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng khối doanh nghiệp này vẫn cải thiện được hiệu quả sử dụng vốn và khả năng thanh toán tốt nhất. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được triển khai từ năm 2012 bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu tốt.

Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014 cũng đưa ra dự cảm tốt về hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay. Cụ thể, chỉ số động thái doanh nghiệp năm 2015 đạt + 28 điểm. Các doanh nghiệp cho hay, doanh thu, giá bán, lợi nhuận, năng suất lao động, đơn hàng... năm nay đều khả quan hơn so với năm ngoái.

Nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2015, các chuyên gia khuyến nghị, ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục tái cấu trúc kinh tế là điều kiện tiên quyết. Những rủi ro từ thị trường xuất khẩu và điều chỉnh chính sách đột ngột vẫn luôn là nỗi lo của doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần có những điều chỉnh phù hợp, có lộ trình thay đổi rõ ràng, nhất là đối với xăng dầu, điện, tỷ giá... Để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mạnh hơn khi hội nhập, VCCI cho rằng nên có một khuôn khổ chính sách để khắc phục “sự thiếu vắng doanh nghiệp quy mô vừa”; hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư; hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và tập trung các giải pháp nâng cao năng suất lao động.