Kết nối vì người tiêu dùng Việt Nam

(ANTĐ) - Sáng 12-8, đại diện các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước và các nhà phân phối đã có buổi trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, phương hướng hợp tác trong buổi giao lưu “Kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối miền Bắc vì người tiêu dùng Việt”.

Kết nối vì người tiêu dùng Việt Nam

(ANTĐ) - Sáng 12-8, đại diện các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước và các nhà phân phối đã có buổi trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, phương hướng hợp tác trong buổi giao lưu “Kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối miền Bắc vì người tiêu dùng Việt”.

Tư vấn tốt khiến khách hàng hài lòng (ảnh minh họa)

Tư vấn tốt khiến khách hàng hài lòng             (ảnh minh họa)

Liên kết đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, một trong các điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng nội địa trên sân nhà là thiếu tính liên kết. Ông Phú cho rằng, việc liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sẽ đem lại những phản hồi tích cực trong việc cải tiến mẫu mã, chất lượng, giá cả sản phẩm, từ đó tiêu thụ hàng hóa tốt hơn. Giữa các doanh nghiệp phân phối với nhau cũng cần phải liên kết. Ví dụ, cùng trong một chuyến đưa hàng về nông thôn, nếu các doanh nghiệp có trao đổi thông tin qua lại sẽ có thể chung 1 chuyến xe chở hàng, giảm chi phí vận chuyển, hoặc tránh trùng lặp sản phẩm bày bán, gây lãng phí.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm lăn lộn trên thương trường, bà Dương Thanh Thủy - Chủ tịch HĐQT, nhãn hiệu Miss Áo dài cho biết: “Không ít doanh nghiệp Việt Nam có tâm lý, tôi là số 1, hàng hóa của tôi tốt hơn hàng hóa của anh. Tâm lý tự tin đó là đương nhiên, nhưng không phải lúc nào cũng tốt. Nó có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Thậm chí, đó là điều tối kỵ trong kinh doanh”.

Sự liên kết khác khi muốn mở rộng mạng lưới phân phối là phải chú trọng đặt quan hệ với chính quyền địa phương. Cụ thể như trong việc quảng bá hàng Việt Nam giúp doanh nghiệp, để lại đầu mối liên lạc. Nếu người tiêu dùng địa phương có nhu cầu tiếp tục mua hàng, họ sẽ liên hệ với chính quyền địa phương để kết nối với nhà phân phối.

Sơ kết về chương trình đưa hàng Việt về nông thôn từ 46 phiên chợ đã được tiến hành ở 18 tỉnh, thành phố, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết: “Ghi nhận từ phía doanh nghiệp cho thấy, mối liên kết giữa các doanh nghiệp khi cùng tham gia chương trình khá tốt. Họ cùng nhau chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau về cơ sở vật chất, hướng dẫn nhau cách tham gia chương trình cho hiệu quả nhất. Một số doanh nghiệp còn giới thiệu nhà phân phối giúp nhau”.

Học hỏi từ người tiêu dùng

“Người tiêu dùng của doanh nghiệp là ai?” Bà Dương Thanh Thủy cho rằng, doanh nghiệp cần biết, người tiêu dùng vừa là thầy, vừa là bạn của doanh nghiệp. Họ không phải là người nhận sự phân phối bị động từ doanh nghiệp. Lý giải cho điều này, bà Thủy nói: “Là thầy nên người tiêu dùng mới chỉ cho doanh nghiệp thấy sản phẩm này cần phải như thế nào? Thêm mặn, ngọt hay đã vừa. Là bạn nên họ mới nói cho doanh nghiệp biết họ cần gì thay vì những việc làm “ngấm ngầm” của đối thủ”.

Ông Riges Prigent - Giám đốc Marketing siêu thị BigC chia sẻ: “Để làm hài lòng khách hàng, chúng tôi đã dành ra 2.500 giờ để tiếp xúc, lắng nghe họ. Kết quả là chúng tôi thu được những yêu cầu chính đáng như: thời gian tính tiền nhanh hơn, nhân viên ân cần và niềm nở hơn, các chương trình khuyến mãi hiệu quả hơn, sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn, giá rẻ hơn và phương thức mua sắm tiện lợi hơn”.

Đáp lại mong muốn của khách hàng, BigC đã lắp đặt thêm 22 quầy thanh toán tiền. Trong năm 2010 này, siêu thị có kế hoạch bỏ ra hơn 4.100 giờ để đào tạo nhân viên. Thậm chí, họ còn đổi mới từ việc mua giỏ kéo hàng cho khách thay vì giỏ xách tay trước đó. Đồng thời, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, BigC đã tổ chức quảng bá cho hàng Việt Nam trên tất cả các tờ rơi, chương trình quảng cáo; liên kết với nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đà Lạt…

Ngoài việc lắng nghe khách hàng, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đẩy mạnh liên kết thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý đến công tác hậu mãi. Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về xúc tiến thương mại nội địa, bố trí cơ sở hạ tầng cũng như tăng cường kiểm tra, xử lý chống hàng giả, hàng lậu để hàng Việt Nam chính hãng chiếm lĩnh thị trường nội địa một cách hiệu quả hơn.

Vân Hằng