Kể chuyện bằng mầu sắc hồi sinh sông Tô Lịch trữ tình

ANTD.VN - Vũ Xuân Đông sinh năm 1974, mệnh Thủy. Theo tử vi tướng số, anh hợp với công việc liên quan tới nước. Lời tiên tri ấy đã nghiệm đúng với Vũ Xuân Đông - người có hơn 20 năm vẽ sông Tô Lịch, làm hồi sinh dòng sông bằng các tác phẩm nghệ thuật, gợi ký ức cho người xem về cảnh sắc nên thơ, trữ tình của một trong những con sông nổi tiếng bậc nhất Kinh thành Thăng Long.

Dòng sông nay chỉ còn lại trong ký ức

Thời còn học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Vũ Xuân Đông thuê nhà ở làng Khương Trung và làng Lủ. Ấn tượng về sông Tô với anh khi ấy đậm nét là những làng mạc bình yên, trù phú, xanh ngút ngàn bên những rặng tre rì rào. Cứ đi dọc dòng sông ấy sẽ đến các đền thờ danh nhân Chu Văn An, Phạm Tu… Khung cảnh ấy khá giống với bất cứ dòng sông nào trên dải đất hình chữ S.

Nhưng sông Tô thì có sự khác biệt, vì đó là dòng sông chảy trong lòng Hà Nội. Thủ đô đã có lịch sử hơn 1010 năm, tạo nên những trầm tích lịch sử, hình thành nên thôn xóm, phố phường Hà Nội ngày nay. Trái ngược với màu nước đen ngòm của một dòng sông ô nhiễm, sông Tô từng rất nổi tiếng với vẻ đẹp nên thơ, đi vào thi ca như một trong những dòng sông đẹp nhất của Hà Nội: “Sông Tô Lịch vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền vào đỗ sát thuyền anh/ Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình/ Sông bao nhiêu nước, thương mình bấy nhiêu”.

Các tác phẩm về sông Tô có trục xoay được họa sĩ Vũ Xuân Đông tự tay gò đã tạo ra hình thái uốn lượn của một con sông, bề mặt cong tạo thành những lớp sóng nước

Tiếc là, đến nay, sông Tô Lịch đã không còn như xưa. Cảnh đánh bắt cá trên sông, màu nước trong vắt, mát lành chỉ còn lại trong ký ức của người dân Hà thành. Được ở bên cạnh dòng sông Tô, Vũ Xuân Đông đã có thời gian đi dưới lòng sông để ký họa. Đó là khoảng thời gian Hà Nội thực hiện nạo vét, cải tạo dòng sông này. Những hàng cọc kè bờ và công trường ngổn ngang giống như một bãi khai quật khảo cổ.

Đi dưới lòng sông, tận mắt nhìn ngắm và cảm nhận nó bằng tất cả tri giác đã tự nhiên gợi mở Vũ Xuân Đông tới đề tài bài tốt nghiệp về dòng sông Tô sau 5 năm học. Vì chỉ muốn sử dụng cấu trúc đặc biệt của các hàng cọc chồng chéo, xô lệch với ý đồ trừu tượng lại không tập trung khai thác hình tượng người, nên thầy hướng dẫn có ý muốn Xuân Đông đổi đề tài. Tuy vậy, thầy Hiệu trưởng Lê Anh Vân đã bảo vệ đề tài này của sinh viên Vũ Xuân Đông và anh tự tin bắt tay vào công việc sáng tác.

Bài tốt nghiệp ấy đã mở ra cho Vũ Xuân Đông hướng đi cho mình sau khi tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, con đường theo đuổi đề tài này của họa sĩ vấp phải nhiều khó khăn. Điều đầu tiên anh vấp phải chính là chuyện cơm - áo - gạo - tiền. Với một họa sĩ ngoại tỉnh về Hà Nội lập nghiệp, Vũ Xuân Đông đã làm các công việc từ chính nghề nghiệp của mình như dạy học, vẽ quảng cáo, vẽ tranh theo đơn … để nuôi sống bản thân.

Quãng thời gian ấy đủ dài để bất cứ sinh viên trường nghệ thuật nào bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống, mà bỏ bẵng đi con đường mình từng lựa chọn. Nhưng với Vũ Xuân Đông, dù lăn lộn, đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách tình yêu nghề của mình, nhưng anh không quên dòng sông Tô đang chờ anh vẽ tiếp, viết tiếp những câu chuyện để kể cho người xem hiểu về lịch sử và giá trị của một dòng sông nức tiếng một thời.

Họa sĩ Vũ Xuân Đông

Và tất nhiên, để kể những câu chuyện hấp dẫn về dòng sông này, không thể vẽ một cách đơn điệu, giản đơn như sự vật vốn vậy, mà cần phải đào sâu suy nghĩ, tiếp tục thử nghiệm và làm mới chính mình. Cũng phải nói thêm rằng, nhờ những chuỗi ngày bền bỉ và lăn lóc với các công việc để kiếm sống, Vũ Xuân Đông đã biết tới các làng nghề truyền thống Việt Nam, các sản phẩm làng nghề độc đáo phần lớn mới dừng lại ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Do vậy, anh đã sử dụng kết hợp nghệ thuật sơn mài truyền thống và gò đồng trong các dự án nghệ thuật về sông Tô. Theo Vũ Xuân Đông, anh không chỉ kể câu chuyện về sông Tô mà còn kể những câu chuyện về làng nghề Việt Nam thông qua các tác phẩm có ngôn ngữ nghệ thuật mới.

Thanh âm từ ngàn xưa vọng về

Đến nay, Vũ Xuân Đông đã có hơn 20 năm vẽ về sông Tô, thực hiện các dự án nghệ thuật và triển lãm cá nhân với một đề tài duy nhất - sông Tô Lịch. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn với người nghệ sĩ. Người xem sẽ rất dễ cảm thấy nhàm chán với những hình ảnh lặp lại, đơn lẻ. Vượt lên những khó khăn này, Vũ Xuân Đông đã tìm ra được cách thể hiện sinh động, tương tác trực tiếp giữa người xem với nghệ thuật thị giác mới.

Điều đáng nói, bộ tác phẩm hộp đồng sơn mài “Sông Tô” dài hơn 12m của anh đang được lưu giữ tại Dự án nghệ thuật đương đại hầm tòa nhà Quốc hội Việt Nam. Ở tác phẩm này, Vũ Xuân Đông đã sử dụng đồng và sơn mài để nói câu chuyện về một dòng sông của Thủ đô nay chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người. Nuối tiếc khi sứ mệnh lịch sử hào hùng của dòng sông nay không còn nữa, họa sĩ đã gửi gắm vào trong những sáng tác của mình. Anh đã làm nhiều hộp đồng sơn mài nhỏ nối lại với nhau. Khi người xem xoay tròn các hộp đồng này sẽ tạo ra sóng lay động “u….u…” như thanh âm từ ngàn xưa vọng về.

Một trong số các bức tranh vẽ sông Tô của họa sĩ Vũ Xuân Đông

Càng khai thác về sông Tô, Vũ Xuân Đông càng nảy ra được nhiều cách làm hay. Năm 2021, tại triển lãm “Ký ức sông Tô”, anh đã làm hồi sinh dòng sông thông qua nghệ thuật. Vũ Xuân Đông chia sẻ, trong những ngày giãn cách vì đại dịch Covid-19, con người sống giãn cách và mọi thứ chỉ có thể liên lạc với nhau qua các thùng hàng tiếp tế. Điều đó gợi anh nhớ đến những năm tháng sống cạnh sông Tô và chứng kiến rác bị mọi người ném xuống dòng sông và khiến nó “chết dần”. Chính vì vậy, Vũ Xuân Đông đã giữ lại, sử dụng các tấm carton đó để vẽ lên vô vàn những tiếc nuối ngàn xưa.

Điều đặc biệt tại cuộc triển lãm này là một số tác phẩm được thiết kế trưng bày trên hộp có trục xoay được tác giả tự tay gò từng chút một tạo ra hình thái uốn lượn của một con sông, bề mặt cong tạo thành những lớp sóng nước. Đáng chú ý hơn nữa, khi chạm vào các hộp trục xoay này sẽ tạo ra các chuyển động và âm thanh lóc cóc, lanh canh tiếng chèo khua mạn thuyền như âm hưởng của dòng sông đang hồi sinh. Đây là chủ ý của họa sĩ Vũ Xuân Đông muốn đổi mới triển lãm không chỉ “tĩnh” mà có cả “động”. Toàn bộ hình ảnh con sông Tô Lịch từ xa xưa được tác giả chạm lên các hộp trục xoay qua lời kể, miêu tả của thế hệ trước thể hiện mơ ước tái hiện một dòng sông Tô tươi mát, sạch đẹp tiếp nối hồ Tây, sông Kim Ngưu bao quanh Hà Nội.

Tới thời điểm hiện tại, Vũ Xuân Đông là họa sĩ hiếm hoi bền bỉ theo đuổi đề tài về sông Tô. Các dự án nghệ thuật liên tục nối nhau. Cái tên Vũ Xuân Đông cũng được nhắc tới nhiều hơn, biết tới nhiều hơn với tư cách là họa sĩ yêu sông Tô theo cách tích cực, muốn làm hồi sinh dòng sông bằng cách thức tỉnh người dân về lịch sử của sông Tô. Sức mạnh của nghệ thuật là ghê gớm, hiệu triệu lòng người cùng đồng hướng… Bất kể ai yêu Hà Nội đều có quyền mơ về một tương lai gần, sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh thật sự, không còn nằm lại trong ao ước...