Bạo hành gia đình – những câu chuyện khó tin

“Kệ cho nó chết, tiền là để bố con tôi sống”

ANTĐ - Anh suốt ngày áo quần bảnh bao lượn xe đẹp đi chơi với gái làm tiền, rồi về kể bô bô với vợ, ngay trước mặt các con: "Tao ngủ với con ấy cả đêm mấy lần mà chỉ phải trả có một triệu đồng, không như mày đến làm tình cũng không biết!"

Sinh ra và lớn lên ở con phố trung tâm Thủ đô, một trong những khu phố sầm uất nhất, chị V. trông xinh xắn, phổng phao hơn hẳn các bạn cùng lứa. Nhưng số phận chị đã không được may mắn từ khi mới chào đời. Bố chị là một người đàn ông trăng hoa, có rất nhiều người tình. Bà vợ đầu không chịu nổi khi thấy chồng dan díu với hết người này đến người khác, nên đâm đơn li dị rồi bỏ đi, để lại con cho chồng nuôi. Chị V. là con của người vợ thứ hai.

Khi chị được tròn 5 tuổi thì mẹ chị cũng phải dứt áo bỏ lại chị để đi tìm người đàn ông khác, vì bố chị không thể bỏ được cái tật "sớm mận tối đào", lăng nhăng hết người này đến người khác.

Chị V. sống với bố và hai anh chị con người vợ đầu của ông. Chỉ chưa đầy một năm sau bố chị cưới người vợ thứ ba và lại có tiếp một đứa con nữa. Vậy là tuổi thơ của chị V. trôi qua trong cảnh gia đình rất phức tạp với mấy kiểu con và bà dì ghẻ. Ông bố thì vô trách nhiệm, thả cho con cái sống sao thì sống. Vì vậy chỉ mới 15 tuổi chị V. đã giao du với đám bạn gái hơn tuổi vô công rồi nghề cùng khu phố, lại có ngoại hình già dặn hơn tuổi thật nên chị bắt đầu có những bạn trai, đi sớm về khuya, không thiết gì đến gia đình?

 

Sợ con gái hư hỏng, bố chị V. tìm một gia đình vốn có quan hệ bạn bè lâu năm, cùng sinh sống trong khu phố cổ, có cậu con trai hơn chị V. 6 tuổi, đánh tiếng gả con. Gia đình này buôn bán lâu năm nên giàu có, nhưng cậu con trai duy nhất do cậy gia đình có tiền nên suốt ngày chỉ lêu lổng ăn chơi, không chịu học hành, đã bỏ học từ năm lớp 4. Chị V. còn trẻ tuổi không suy nghĩ thấu đáo, chỉ nghĩ lấy chồng là thoát khỏi gia đình phức tạp, lại trông cậu con trai gia đình kia cũng sáng sủa ưa nhìn nên gật đầu đồng ý, đi lấy chồng từ năm 17 tuổi.

Hai vợ chồng không có nghề ngỗng gì để sống, nhà chồng cho một diện tích nhỏ cửa hàng, chị V. liền tính chuyện kinh doanh. Lúc đó mặt hàng giày, guốc nhập từ Sài Gòn đang chạy, chị mở ngay cửa hàng giày dép lấy hàng từ Sài Gòn ra rồi phân phối cho các tỉnh, đồng thời bán lẻ tại nhà. Chồng chị thậm chí còn chưa biết làm các phép tính thông thường, chị phải cầm tay dạy từng li từng tí cho đến khi anh T. đủ sức tự quản lý, bán hàng tại nhà, cho chị đi lấy hàng. Hai đứa con đủ nếp đủ tẻ ra đời, cửa hàng dần có nhiều mối khách quen, hàng lấy không kịp bán. Chị xông pha như con thoi nhưng vẫn thấy vui vì kinh tế gia đình ngày càng lên.

Còn anh T., ngoài việc trông cửa hàng cho chị, anh không tham gia thêm vào việc gì nên khá nhàn nhã, suốt ngày ngồi quán nước với đám bạn bè cùng phố. Tưởng rằng anh T. thấy vợ vất vả thì thương, nhưng ngược lại, dường như anh ghen ghét với sự đảm đang tháo vát của vợ nên suốt ngày anh chửi bới, nhiếc móc, mỉa mai chị bằng những câu nói rất độc ác. Anh xưng hô "mày tao" với vợ, nhiếc chị sinh ra trong gia đình không ra gì, nhờ có cửa hàng của gia đình anh mới cất mặt lên được. Anh chửi mắng chị là đồ vô học, vì chị chưa tốt nghiệp phổ thông.

Anh còn lấy tiền của gia đình, suốt ngày áo quần bảnh bao lượn xe đẹp đi chơi với gái làm tiền, rồi về kể bô bô với vợ, ngay trước mặt các con: "Tao ngủ với con ấy cả đêm mấy lần mà chỉ phải trả có một triệu đồng, không như mày đến làm tình cũng không biết!". Khi chị phản ứng lại thì ông chồng liền thượng cẳng chân hạ cẳng tay rất vũ phu. Anh ta còn hành hạ chị trong sinh hoạt vợ chồng bằng đủ cách. Đau đớn và nhục nhã vô cùng, nhưng chị nghĩ để các con có bố, để không phá nát gia đình, không phải chia số tài sản mà chị đã đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra nên nghiến răng chịu đựng, cố gặp gỡ anh ta càng ít càng tốt.

Làm quần quật suốt 15 năm trời, tích lũy được số vốn kha khá, mua được nhà, được đất và tiết kiệm được một số tiền vàng đáng kể, vợ chồng bàn nhau cất tiền vàng ở một chỗ bí mật trong nhà để khi cần vốn có thể lấy ngay. Đến lúc đó thì chị lâm bệnh nặng. Bác sĩ phát hiện một khối u trong cơ thể chị. Chị nằm liệt giường, người xanh xao vàng vọt, gầy sút hàng chục cân, khủng hoảng tinh thần vì nghĩ đến cái chết cận kề. Trong hoàn cảnh đó, những tưởng chồng chị sẽ vì tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm, vì con cái mà chăm sóc chạy chữa cho vợ, thì anh ta lại còn xử sự khốn nạn hơn.

Sáng hôm ấy chị đi khám bệnh, bác sĩ kết luận khối u đó là u lành, chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ là khỏi. Đang vui mừng vì được quay trở lại với cuộc sống, bước vào nhà, bỗng chị thấy có linh tính thế nào. Chị liền mở chỗ cất giấu tiền vàng của hai vợ chồng là xem thì lạnh toát sống lưng. Hơn 30 cây vàng và toàn bộ số tiền vốn đã không cánh mà bay. Trong lúc hoang mang như vậy, chị vẫn đủ tỉnh táo để không làm ầm ĩ mọi chuyện, lên công an phường trình báo, và cũng nói rõ nghi vấn của chị là chồng chị lấy. Các đồng chí công an đến nhà điều tra, bằng một số biện pháp nghiệp vụ, người chồng đã nhận là lấy toàn bộ số tiền vàng mang giấu đi, với lý do là: "Tôi sẽ không bỏ ra một đồng nào để chữa bệnh cho con vợ tôi, cứ kệ cho nó chết, tiền ấy là để bố con tôi sống!"

Choáng váng vì sự cạn tàu ráo máng của chồng, sau khi phẫu thuật xong và bình phục lại, chị V. đưa đơn li dị. Chồng chị làm đủ cách để tranh giành tài sản và con cái, đến mức chị hầu như tay trắng khi nhận tờ quyết định ly hôn.

Vì không thể đi đâu nên căn nhà của hai vợ chồng được tòa xử chia đôi, chị ở tầng dưới, chồng chị tầng trên. Vậy là anh ta vẫn tiếp tục khủng bố chị bằng những lời nói độc địa, chửi mắng bâng quơ khi tình cờ giáp mặt nhau. Chị cũng rất khó để tìm kiếm hạnh phúc mới, vì cứ có ai đến thăm chị là chồng chị tìm cách gây sự để họ không dám đến với chị nữa. Khi chị đặt vấn đề là giờ đã li hôn thì nên để chị đi tìm cơ hội mới, nhưng anh không chịu đối thoại và vẫn chứng nào tật ấy.

Chị V. càng nghĩ càng thấy cay đắng xót xa, giá mà ngày xưa chị không quyết định vội vàng, không lấy chồng sớm thế thì có lẽ đã không lâm vào cảnh lỡ dở thế này. Chị cũng nhận ra rằng, chính vì đã để chồng nhàn rỗi, không có trách nhiệm với gia đình nên anh ta mới có thời gian lăng nhăng bên ngoài tiêm nhiễm các thói hư tật xấu, trở về nhà cư xử tệ bạc với vợ. Đến khi phải chịu trận những cuộc bạo hành, thì chị lại không kiên quyết, và không tìm phương pháp chống lại, khiến anh ta được đà ngày một lấn tới. Và cái kết cục cuối cùng như là điều được báo trước mà chị vẫn thật khó lòng đón nhận.

Điều 3 (Luật phòng chống bạo lực gia đình):

1. Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền - giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phòng tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

2. Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

3. Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ.

4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.