Kê biên khối tài sản “khủng” trong vụ cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh An Giang

ANTD.VN - Tại Kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68 và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên khối tài sản đặc biệt lớn nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước…

Hàng loạt bất động sản và “xe sang” bị kê biên

Theo đó, Cơ quan điều tra (CQĐT) đề nghị truy tố 44 bị can trong vụ án về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Rửa tiền”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68, Trần Anh Thư (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang), Nguyễn Việt Trí (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang), Nguyễn Thanh Bình (cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) và 40 bị can liên quan…

"Trùm cát tặc" Anh Giang Lê Quang Bình (ngoài cùng, bên trái) và đồng phạm.

Kết luận điều tra cho thấy, từ tháng 12-2021 đến tháng 7-2023, Công ty Trung Hậu 68 khai thác và bán trái phép cho khách lẻ trái quy định với khối lượng là 3,7 triệu m3 cáy, gây thiệt hại cho Ngân sách hơn 293 tỷ đồng.

Quá trình điều tra vụ án, CQĐT đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch nhằm khắc phục hậu quả vụ án. Trong đó, đối với bất động sản, CQĐT kê biên 7 thửa đất của bị can Hoàng Hải Thụy (Phó tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68). Những bất động sản này phần lớn ở TP Long Xuyên và chỉ có một bất động sản ở huyện Thoại Sơn (An Giang).

Bị can Phạm Quốc Văn (Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Văn Anh) bị kiên biên 33 bất động sản. Những bất động sản này đều đứng tên vợ bị can nằm ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

CQĐT ngăn chặn giao dịch đối với một số bất động sản có liên quan tới những cá nhân là nhân viên Công ty Trung Hậu 68, người nhà và bản thân bị can Lê Quang Bình đã mua bán nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý. Trong số này có thửa đất ở quận 7 diện tích hơn 4.900m2, một thửa đất ở huyện Bình Chánh (TP HCM) diện tích hơn 3.700m2.

Khi khám xét khẩn cấp tại mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68, CQĐT đã tạm giữ 46 phương tiện thủy nội địa và sau đó có quyết định ngăn chặn giao dịch. CQĐT cũng kê biên 15 ô tô của Công ty Trung Hậu 68, trong đó có một số xe do các cá nhân đứng tên chủ sở hữu hộ Lê Quang Bình như xe Mercedes Benz S450, Lexus ES 250 và cả những mẫu xe đắt đỏ như Lexus LX 570, G63.

Ngoài ra, Công ty Kiên Giang Sài Gòn do bị can Lê Quang Bình làm Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật cũng bị kê biên 8 xe ô tô.

Cựu Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình.

CQĐT phong tỏa tài khoản của 6 bị can với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng. Về khắc phục hậu quả vụ án, 22 bị can và một số người liên quan đã nộp tổng cộng hơn 47 tỷ đồng và 70.000 USD. Trong đó, bị can Trần Anh Thư (cựu Phó Chủ tịch tỉnh An Giang) bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”, số tiền hơn 900 triệu đồng và đã nộp 1 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thanh Bình (cựu Chủ tịch tỉnh An Giang) bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cựu Chủ tịch tỉnh An Giang nhận 300.000 USD nhưng trả lại 250.000 USD và đã nộp khắc phục 50.000 USD.

Bị can Nguyễn Việt Trí (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang) bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”, số tiền hơn 3,1 tỷ đồng và đã nộp hơn 3 tỷ đồng. Bị can Lê Quang Bình đưa hối lộ hơn 4 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 293 tỷ đồng và đã nộp 5,7 tỷ đồng và 20.000 USD.

Những kiến nghị từ cơ quan điều tra

Theo Cơ quan điều tra, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản vẫn còn có tình trạng buông lỏng, móc ngoặc giữa doanh nghiệp với các cá nhân được giao làm công tác quản lý. Qua công tác điều tra vụ án, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát san lấp), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị UBND tỉnh, thành phố và các sở, ngành liên quan một số nội dung.

Cựu Phó chủ tịch tỉnh An Giang Trần Anh Thư.

Cụ thể, chấp hành nghiêm quy định quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo Luật Khoáng sản; các Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và các quy định pháp luật có liên quan; rà soát để phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Tăng cường quản lý đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là cát xây dựng; kiểm tra giám sát chặt chẽ đối với hoạt động cấp phép, khai thác, kinh doanh và sử dụng cát, lòng sông, đặc biệt chú ý tới tác động xấu đến môi trường và việc gây sạt lở, sụt, lún bờ sông khi khai thác; khuyến khích, tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên (sử dụng tro, xi làm vật liệu san lấp), khắc phục tình trạng khan hiếm cát, san lấp xây dựng ở một số địa phương.

Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan. Rà soát các quy định còn bất cập trong quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng, tạo điều kiện để các tổ chức hoạt động khoáng sản tuân thủ quy định của pháp luật.

Khai thác cát luôn là hoạt động "béo bở" đối với "cát tặc".

Sau cùng, CQĐT kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khoáng sản theo quy định; có giải pháp hữu hiệu để quản lý chặt chẽ sản lượng khai thác; việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, trách nhiệm đối với địa phương của các tổ chức hoạt động khoáng sản trên địa bàn; Chủ động phối hợp với UBND các tỉnh giáp ranh thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.