'Israel quá chú trọng Iron Dome mà quên mất những mối nguy hiểm khác'

ANTD.VN - Việc dồn quá nhiều sự đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome đã để lại những lỗ hổng khác trong Lực lượng phòng vệ Israel.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome là trọng tâm trong chiến lược xây dựng quốc phòng của Israel, nhưng có vẻ Tel Aviv đang có một lựa chọn không tốt.

"Israel rõ ràng có vấn đề trong phòng thủ", chuyên gia Avi Yager - nhà nghiên cứu tại Viện chống khủng bố quốc tế Israel đã tuyên bố điều này trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ).

Ông Yager cho biết gần đây sự chú ý của quân đội đã hướng tới Bờ Tây. Tình báo nước này cảnh báo về một cuộc xung đột tiềm tàng có thể diễn ra ở phía Bắc và mối đe dọa từ lực lượng Hezbollah.

"Cho đến trước ngày 7/10/2023, Israel không nghĩ Hamas có khả năng thực hiện một cuộc tấn công. Đồng thời hình thức tác chiến của nhóm vũ trang này đã trở nên tinh vi hơn”.

“Khi tấn công, họ kết hợp tên lửa tập kích với cường độ lớn, xuồng cao tốc, máy bay không người lái và thậm chí cả dù lượn, đây là điều chưa từng xảy ra trước đó", nhà phân tích nói thêm.

Theo chuyên gia Avi Yager, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) với tất cả công nghệ cao, vũ khí tiên tiến, phần mềm gián điệp và tình báo phức tạp, không thể lường trước được những gì diễn ra.

"Tel Aviv tin rằng mối đe dọa chính là các cuộc tấn công bằng tên lửa của các nhóm vũ trang. Do vậy những khoản đầu tư lớn đổ vào vũ khí phòng thủ, chẳng hạn như hệ thống chống tên lửa Iron Dome".

"Khi chiến lược của họ được thực thi, đáng ngạc nhiên khi Hamas và Hezbollah bắt đầu hành động giống như những đối thủ quân sự thông thường hơn là quân nổi dậy", ông Yager nói rõ.

Thậm chí khi thực hiện chức năng của nó, tổ hợp Iron Dome vẫn dễ dàng bị áp đảo khi Hamas phóng số lượng lớn tên lửa, làm quá tải năng lực đánh chặn của hệ thống phòng không đắt đỏ này.

Ước tính với khoảng 5.000 tên lửa do Hamas phóng đi trong ngày 7/10/2023, tổ hợp Iron Dome chỉ có sẵn 2.000 tên lửa phòng không để đánh chặn số đạn khổng lồ nói trên.

Thậm chí nếu Hamas chỉ phóng đúng 2.000 tên lửa thì với xác xuất đánh chặn đạt 90% của Iron Dome, tức là vẫn có tới 200 quả đạn rơi xuống mục tiêu, thiệt hại sẽ vẫn là rất lớn và khó chấp nhận.

Không chỉ có vậy, sau khi bắn hết cơ số đạn thì chính bản thân bệ phóng Iron Dome sẽ trở thành đối tượng bị tấn công, bởi đơn giản là nó cần thời gian để tái nạp và chẳng thể làm gì khác khi đó.

Ngoài ra nếu bên tấn công sẽ dễ dàng bù đắp lại số lượng tên lửa rẻ tiền đã được phóng đi thì Iron Dome cần rất nhiều thời gian để sản xuất đủ tên lửa đánh chặn Tamir trên các bệ phóng sẵn sàng chiến đấu.

Trong khi đó, nếu phải đối đầu với tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo tầm xa có tốc độ và vận tốc lớn thì năng lực của "Vòm sắt" vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp đủ tin cậy.

Thực tế những gì diễn ra có lẽ sẽ khiến Lực lượng phòng vệ Israel phải xem xét lại chiến lược quốc phòng của mình, nhằm thích ứng tốt hơn với nguy cơ trong tương lai vốn luôn biến đổi không ngừng.