[Info] Trực thăng khổng lồ Liên Xô, cánh tay đắc lực nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới

ANTD.VN - Với trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 42,5 tấn và có khả năng chở theo 90 binh sĩ với trang bị đầy đủ, Mi-6 là trực thăng lớn nhất Việt Nam từng sử dụng. Đây cũng là loại máy bay đắc lực nhất trong việc chuyển quân trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979.

Được NATO gọi với tên “Hook”, Mi–6 được đưa vào sản xuất từ năm 1960, khoảng 860 chiếc đã được chế tạo tính tới năm 1981. Mi–6 là trực thăng lớn nhất thế giới lúc đó, và là trực thăng sử dụng động cơ phản lực đầu tiên của Liên Xô.

Năm 1961, Mi–6 giành giải thưởng Sikorsky và là trực thăng đầu tiên bay với tốc độ hơn 300 km/h. Với 2 động cơ phản lực Soloviev D-25V có công suất 8.200 kW (tương đương 11.000 mã lực), đường kính cánh quạt là 35 m, tổng chiều dài 33.18 m, Mi–6 có trọng lượng cất cánh tối đa là 42.500 kg và có khả năng chuyên chở 70 lính dù hoặc 90 binh sĩ thường.

Trong chiến tranh Việt Nam, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam một lượng nhỏ Mi-6. Ngay lập tức những chiếc trực thăng khổng lồ này được dùng để chở quân hay vận chuyển những hàng hóa cỡ lớn phục vụ chiến đấu như xe tải, thậm chí cả máy bay MiG-21.

Trực thăng khổng lồ Mi-6

Khi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc bùng nổ, một số đơn vị bộ binh đang đóng ở phía Nam được lệnh cơ động ra Bắc, các loại máy bay trực thăng Mi-6 và Mi-8 của Trung đoàn không quân 916 liền được lệnh cơ động để chuyển quân về tập kết tại sân bay Tân Sơn Nhất để bay ra Nội Bài. Không những hoạt động tại phía Nam, các trực thăng khổng lồ Mi-6 còn chuyển quân và khí tài lên sát những vùng chiến trận để tăng cường yểm trợ cho cánh quân chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đang chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Sau thời gian dài phục vụ, đến nay toàn bộ phi đội Mi-6 của Không quân Việt Nam đều đã được "nhận sổ hưu" do hết hạn sử dụng, để thay thế khoảng trống Mi-6 để lại, Việt Nam đã mua trực thăng hạng trung Mi-8/17.