- Việt Nam là nước an toàn nhất Đông Nam Á về tài chính trực tuyến
- New Delhi làm "cách mạng" khi đưa dịch vụ công về tận nhà dân
- Chi 400 USD để "bôi trơn" dịch vụ công
Thông tin tích hợp, chính xác, cập nhật và duy nhất
|
Indonesia đang từng bước sắp xếp các ứng dụng dịch vụ công tích hợp trong một ứng dụng |
Indonesia đã phải vật lộn với tình trạng dữ liệu nằm rải rác khắp các bộ và cơ quan chính phủ khác nhau, cản trở chính quyền trong việc tập hợp dữ liệu để đưa ra chính sách phù hợp hay người dân không biết đâu là dữ liệu chính xác khi các cơ quan công bố các số liệu khác nhau về cùng một đối tượng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo năm 2019 đã ký Sắc lệnh Tổng thống về cổng dữ liệu “Một Dữ liệu Indonesia”, với mục đích cho phép chính phủ tổng hợp dữ liệu thông qua một kênh tích hợp, chính xác, cập nhật và có thể truy cập duy nhất. Dữ liệu được cung cấp bao gồm kho lương thực, năng lượng, cơ sở hạ tầng, hàng hải, giáo dục, y tế, giáo dục, kinh tế, công nghiệp, du lịch và bộ máy hành chính.
Tờ Jakarta Post đánh giá, cổng “Một Dữ liệu Indonesia”, có thể truy cập qua website: data.go.id, nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ bằng cách cung cấp quyền truy cập công khai vào dữ liệu từ các cơ quan nhà nước khác nhau, cũng như hỗ trợ hoạch định chính sách theo hướng dữ liệu.
Theo chương trình hành động, Cơ quan Kế hoạch Phát triển quốc gia (Bappenas), đóng vai trò là giám đốc của chương trình, đã phác thảo kế hoạch thành lập một trung tâm dữ liệu cũng như dữ liệu lớn vào năm 2021 sau khi tăng cường các thủ tục thu thập dữ liệu trong năm. Tuy nhiên, giai đoạn mới bước vào thực hiện, quản trị dữ liệu kỹ thuật số vẫn chưa được áp dụng bình đẳng giữa các cơ quan nhà nước khác nhau, gây trở ngại hơn cho quá trình này. Tiêu chuẩn hóa dữ liệu và khả năng tương tác hay khả năng trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống, là một trong những thách thức lớn mà các cơ quan chức năng phải đối mặt trong việc thiết lập sáng kiến cổng dữ liệu chung này.
Kế hoạch xây dựng 4 trung tâm dữ liệu lớn
“Nếu nói về các dịch vụ công, phải thấy rằng có rất nhiều dịch vụ được công chúng tiếp cận một phần. Vì vậy, Chính phủ đang chuẩn bị tạo ra siêu ứng dụng dịch vụ công, nói cách khác là những ứng dụng dịch vụ công tích hợp trong một ứng dụng”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Johnny G. Plate mới đây cho biết. Theo ông Johnny, các siêu ứng dụng cần phải cho phép sự liên kết giữa các cơ quan vào một hệ thống. Do đó, siêu ứng dụng này được thiết kế để tránh sự lặp lại của các ứng dụng có tính năng giống hệt nhau từ các cơ quan chính phủ khác nhau. Do đó, để phát triển các siêu ứng dụng tích hợp và đáng tin cậy, mọi khu vực chính phủ buộc phải có sự phối hợp với nhau.
Bộ trưởng Johnny G. Plate nhấn mạnh thêm, việc tạo ra một ứng dụng toàn diện, duy nhất cho Indonesia là để tổ chức lại hàng trăm ứng dụng đang phân tán hiện nay. Theo đó, Bộ sẽ loại bỏ khoảng 24.400 ứng dụng và sau đó sẽ dần dần bổ sung các siêu ứng dụng, chỉ sử dụng tối đa 8 siêu ứng dụng. Việc này được thực hiện theo lộ trình, dự kiến sẽ tạo được hiệu quả hơn, tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ rupiah.
Mặt khác, Indonesia vẫn đang sử dụng 2.700 trung tâm dữ liệu để triển khai chính quyền điện tử. Tuy nhiên, chỉ 3% dữ liệu của Indonesia là dựa trên công nghệ đám mây; 93% còn lại là riêng lẻ, đây là một trong những thách thức mà các nhà sản xuất dữ liệu Indonesia phải đối mặt. Trong khi đó, chính phủ có kế hoạch xây dựng thêm 4 trung tâm dữ liệu dựa trên nền tảng đám mây để mang lại hiệu quả trong việc quản lý các trung tâm dữ liệu. Hai trung tâm dữ liệu đầu tiên kiểu này sẽ được xây dựng gần thủ phủ của bang Jabodetabek và ở Nongsa, Batam, Quần đảo Riau, với dung lượng dự phòng xấp xỉ nhau. Trong tương lai, Thủ đô mới của Indonesia cũng có một trung tâm dữ liệu thứ ba của chính phủ. Ngoài ra, trung tâm dữ liệu thứ tư sẽ mọc lên tại Labuan Bajo, thuộc Đông Nusa Tenggara. Bộ trưởng Johnny chỉ ra 3 yếu tố chính cần được xem xét: Đó là khả năng cung cấp điện hoặc có nguồn điện lớn; có mạng cáp quang đầy đủ và luôn sẵn một dịch vụ dự phòng.
Quản trị dữ liệu của Indonesia đã được cải thiện trong những năm qua. Indonesia xếp thứ 88 về chỉ số chính phủ điện tử của Liên hợp quốc trong năm 2020, tăng 19 bậc so với năm 2018. Chỉ số này do Bộ Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc công bố trong thời gian khảo sát 2 năm một lần. Cuộc khảo sát về chính phủ điện tử của Liên hợp quốc còn cho biết, các quốc gia trong khu vực châu Á đang đạt được tiến bộ trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, trong đó Indonesia và Philippines đã sử dụng hệ thống đăng ký xã hội kỹ thuật số cho các chương trình bảo trợ xã hội. “Các hệ thống đăng ký kỹ thuật số như thế này cho phép minh bạch và đáng tin cậy hơn trong việc thiết kế và cung cấp các chương trình bảo trợ xã hội”, báo cáo cho hay. Một thành công đáng ghi nhận là Bộ Tài chính Indonesia đã hợp tác với Bộ Các vấn đề xã hội để cung cấp viện trợ xã hội cho gần 30 triệu gia đình thụ hưởng.