Huy động doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào công nghiệp quốc phòng, an ninh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, việc thể chế để huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang tham gia đầu tư vào công nghiệp quốc phòng, an ninh là cần thiết…
Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình

Chiều nay, 8-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN) và động viên công nghiệp.

Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, xuất phát từ thực tiễn hiện nay đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật…

Mục đích xây dựng luật là nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp QPAN, động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài.

Trong đó, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp QPAN, phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang;

Tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của quân đội, nhiệm vụ của công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu.

Đồng thời, việc xây dựng luật còn giúp huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp QPAN và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp; tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế...

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo Luật công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp bố cục gồm 07 chương và 73 điều. Nội dung cơ bản tập trung vào 5 chính sách nổi bật được Chính phủ, Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết ban hành luật như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Về một số nội dung cụ thể, ông Tới cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách đối với các nhà khoa học đầu ngành ở ngoài các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, các viện nghiên cứu, các trường đại học… cho đầy đủ;

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về độ tuổi lao động đối với các nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư là sĩ quan, người giữ chức vụ trong lĩnh vực này; không quy định hưởng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân mà nên quy định theo hướng "hưởng chính sách ưu đãi theo pháp luật về thuế".

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể, minh bạch hơn về chế độ, chính sách đối với các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp.