Huy động cán bộ đăng kiểm bị khởi tố đi làm: Đúng luật hay trái quy định?

ANTD.VN - Liên quan đến các đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại vẫn tiếp tục làm việc, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định, công chức bị khởi tố có bị đình chỉ công tác và xử lý kỷ luật?

Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, do thiếu nhân viên đăng kiểm nên đơn vị này phải sử dụng 12 đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng được tại ngoại để vận hành lại hai trung tâm đăng kiểm từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội.

Việc cho các đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc nêu trên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Những người không đồng tình cho rằng, theo Điều 17 Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, đăng kiểm viên sẽ bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ 1-3 tháng trong trường hợp làm sai lệch kết quả kiểm định hoặc không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.

Các đăng kiểm viên bị khởi tố do vi phạm quy định trên nên phải bị tạm đình chỉ công việc. Do đó, việc tiếp tục để những cá nhân này làm việc là trái luật. Điều này có thể gây hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Không nhất trí với quan điểm trên, một số cá nhân khác phân tích, đăng kiểm viên bị khởi tố đang tại ngoại được tiếp tục làm việc là phù hợp với quy định hiện hành.

Bởi, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên họ phạm tội. Cá nhân bị khởi tố chỉ bị hạn chế một số quyền. Họ vẫn có các quyền của công dân, trong đó có quyền lao động.

Thời gian qua, nhiều trung tâm đăng kiểm rơi vào tình trạng quá tải

Theo Luật Cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để họ tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật gồm cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền…

Như vậy, trong trường hợp công chức bị khởi tố nhưng không có quyết định tạm giữ, tạm giam thì đơn vị chưa xem xét xử lý kỷ luật nên không được tạm đình chỉ công tác đối với công chức này– Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Ngoài ra, trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định.

Về chế độ, chính sách đối với trường hợp đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ, Nghị định 112/2020 nêu rõ, cán bộ công chức trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà không thể tiếp tục đi làm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật thì được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung… (nếu có).

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại.