Hót trọn ổ “ cát tặc” trong đêm mưa bão giữa mùa Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều ngày “làm bạn” với lau lách và màn đêm, các trinh sát của Phòng CSHS, CATP Hà Nội đã đồng loạt bắt quả tang các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Đuống. Đối tượng đứng sau những chiếc tàu “khủng long” khai thác cát này cũng được Phòng CSHS, CSGT, CAH Gia Lâm lật mặt...

Mật phục quây trọn ổ “cát tặc” trong đêm

Trong những ngày đầu tháng 9/2021, giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì các trinh sát của Phòng CSHS và Đội Cảnh sát đường thủy số 2, phòng CSGT CATP Hà Nội xác định tại tuyến sông Đuống có tình trạng tàu lén lút khai thác cát trái phép.

Dù thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19, nhưng tại khu vực tuyến sông Đuống thuộc địa bàn huyện Gia Lâm vẫn xuất hiện một số tàu thuyền đi lại với rất nhiều dấu hiệu nghi vấn.

Số tàu thuyền này hoạt động trên sông không theo một quy luật cụ thể nào.

Dù trời xanh gió mát mặt nước sông Đuống êm dịu nhưng chủ tàu thuyền lại cắm neo nằm cả ngày phơi nắng.

Cứ hễ khi trời nổi giông mưa to gió lớn là những chiếc thuyền trên lại lầm lũi lén lút nổ máy dời khỏi vị trí thả neo ban sáng.

Đáng nói, trời càng tối, những chủ, lái tàu càng không bao giờ bật hệ thống điện. Những chiếc tàu này cứ lầm lì như tàu ngầm bất thình lình táp nhanh vào một ví trị nào đó trên sông, tắt máy rồi sau một khoảng thời gian nhất định tiếng máy lại giòn tan, lao vút đi lẩn khuất vào bóng đêm mất dạng.

Các phương tiện khai thác cát trái phép bị lực lượng Công an phát hiện, bắt quả tang

Các phương tiện khai thác cát trái phép bị lực lượng Công an phát hiện, bắt quả tang

Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng Phòng CSHS, CATP Hà Nội sau khi nhận được báo cáo sơ bộ của các trinh sát đã khẳng định: “Cát tặc” và giao nhiệm vụ đánh án số cát tặc này trực tiếp cho Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng Phòng CSHS. Yêu cầu của Đại tá Nguyễn Bình trong chuyên án trên đó chính là, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho CBCS cũng như những đối tượng vi phạm bởi yếu tố sông nước và trong lúc dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp.

“Nắm nhanh, chắc và chính xác tình hình, di biến động của các đối tượng từ khai thác cát đến những đối tượng “vệ tinh” xung quanh”- Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng Phòng CSHS chỉ đạo Ban chỉ huy Đội 6 và các trinh sát tham gia đánh án.

Rất nhanh chóng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chân dung của những đối tượng trên các thuyền đã được các trinh sát cụ thể hóa qua các báo cáo dù khái quát nhưng khá cơ bản và đầy đủ, phục vụ cho yêu cầu lập án để đấu tranh.

Ngay sau đó, kế hoạch vây bắt số đối tượng vi phạm này đã được Phòng CSHS, phối hợp với Phòng CSGT, CAH Gia Lâm triển khai, trên tinh thần “an toàn, chính xác, gọn, hiệu quả”.

Chọn đúng đêm 14/9 khi các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc ảnh hưởng bởi cơn bão lớn đang từ biển Đông tiến nhanh vào đất liền gây mưa to gió lớn, chỉ huy Phòng CSHS chắc nịch: “ Đêm nay các đối tượng sẽ đi “ăn hàng”, cũng là thời điểm chúng ta “cất vó”. 3 tổ công tác của Phòng CSHS do các đồng chí Trung tá Phạm Thế Hanh, Phan Quang Vinh và Doãn Văn Anh, Đội phó Đội 6, Phòng CSHS dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tá Cao Văn Thái cùng với lực lượng của Phòng CSGT, CAH Gia Lâm đã nhanh chóng ém mình dưới khu vực sông Đuống, đoạn chảy qua địa bàn xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm.

Bóng đêm bao phủ dày đặc. Gió bắt đầu thổi mạnh từ hướng biển vào đất liền. Sau những tiếng sấm nổ đì đoàng, vệt sáng lóe lên xé toạc bầu trời đêm rồi lại bị màn đêm nhấn chìm, mưa bắt đầu trút xuống như thác đổ.

Cả mặt sông Đuống “sôi” lên. Các chỉ huy và lực lượng đánh án vẫn kiên trì nép mình bên cạnh chiếc xuồng ở ven sông.

Nước mưa rơi xuống mạnh và dày đến nỗi dường như mắt không thể mở kịp để nhìn rõ mặt sông đang gào réo trong đêm bão.

Từ khoảng cách đủ xa để tránh sự phát hiện của các đối tượng “cát tặc” và cũng đủ gần để quan sát, các trinh sát phát hiện 2 chiếc tàu cỡ lớn bắt đầu nhổ neo và nhanh chóng rời đi khỏi vị trí ban đầu.

Với hệ thống máy móc được trang bị hiện đại, các tàu này nhanh chóng tăng tốc ra giữa sông, và bắt đầu cắm vòi rồng rồi ùng ục hút lên khoang thuyền không biết cơ man nào là “vàng” của sông Đuống.

Từng ống vòi rồng khổng lồ lôi lên cát tưởng như con sông Đuống đang bị chúng ghim chặt cỗ máy khổng lồ cắm sâu vào thân thể, róc từng thớ vàng ruộm ném vào khoang thuyền…

Lật mặt “trùm” bảo kê

Sau hiệu lệnh của chỉ huy, các tổ công tác của Phòng CSHS, CSGT, CAH Gia Lâm đã nhanh chóng phóng ca nô áp sát những chiếc tàu vi phạm. Chiếc tàu đầu tiên mang số hiệu BG 0207 đang khai thác cát trái phép do Ngô Văn Dũng (Sinh năm: 1967; HKTT: số 76 tổ dân phố Đoàn Thuận Huy, phường Trần Phú, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) là lái tàu. Để phục vụ cho hoạt động khai thác cát trái phép, 5 thuyền viên cũng được chủ tàu nuôi ăn ở trả lương, có nhiệm vụ vận hành hệ thống máy móc khai thác cát.

Ở cách đó không xa, Trung tá Phạm Thế Hanh, Đội phó Đội 6 cùng với CBCS cũng nhanh chóng khống chế yêu cầu lái tàu vỏ xi măng gắn thiết bị hút cát, sơn số hiệu H0094 khi đang hút cát từ lòng sông Đuống bơm lên khoang chứa hàng của tàu và bơm cát sang mạn lên khoang chứa hàng của tàu khác nhanh chóng di chuyển về nơi tập kết. Lái tàu là Trịnh Văn Bộ (Sinh năm: 1985; HKTT: thôn Đông Tâm, xã Cổ Thành, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Tại tàu này cũng có 3 thuyền viên làm nhiệm vụ vận hành hệ thống khai thác cát trái phép.

Những đối tượng vi phạm bị Phòng CSHS bắt giữ

Những đối tượng vi phạm bị Phòng CSHS bắt giữ

Ngoài 2 tàu khai thác cát trái phép trên, lực lượng chức năng còn phát hiện và bắt giữ tàu mua cát mang số hiệu BG - 0152 (đang được tàu hút số hiệu H0094 bơm cát sang mạn vào khoang chứa hàng của tàu).

Trên tàu mua cát lúc này ngoài Lại Công Khang (Sinh năm: 1982; HKTT: thôn Ngạc, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, chủ tàu kiêm lái tàu) còn có vợ là Giáp Thị Thúy (Sinh năm: 1987; HKTT: thôn Ngạc, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).

Những người có mặt tại 3 tàu nêu trên đều không xuất trình được giấy phép khai thác cát do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; không xuất trình được bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và giấy tờ của phương tiện.

Mở rộng điều tra, Phòng CSHS làm rõ, để được khai thác cát trái phép, số chủ tàu thuyền trên đã phải chi ra một khoản khá đậm cho “ông trùm” đứng sau là Lương Văn Hậu (SN 1979, HKTT tại phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Hậu chính là đối tượng đứng sau tự vạch ra cả đoạn sông Đuống là của y để “bán” cát cho những đối tượng khai thác cát trái phép.

Bất kỳ ai muốn vào địa phận này khai thác cát trái phép đều phải có sự đồng ý của Hậu và phải trả tiền cho đối tượng này.

Dũng đã liên lạc với Hậu để xin phép và được đối tượng này đồng ý, thỏa thuận mỗi m3 cát đen khai thác trái phép được thì Dũng phải trả cho Hậu 33.000 đồng/1m3.

Hậu yêu cầu Dũng liên lạc với Nguyễn Mạnh Thế (Sinh năm: 1964; HKTT: thôn Năng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) để Thế đi xuồng máy chỉ vị trí được khai thác cát trái phép dưới lòng sông Đuống và cảnh giới cơ quan chức năng cho Dũng.

Khi khai thác cát trái phép xong thì liên lạc với Đặng Xuân Nam (Sinh năm: 1999; trú tại xóm 1, thôn Lam Sơn, xã Khánh Thượng, Yên Mô, Ninh Bình) để Nam thu tiền, mỗi lần là 17 triệu đồng.

Số tiền thu lợi bất chính của các đối tượng khai thác cát trái phép lên tới nhiều tỷ đồng

Số tiền thu lợi bất chính của các đối tượng khai thác cát trái phép lên tới nhiều tỷ đồng

Để thực hiện việc khai thác cát trái phép, Dũng đã mua tàu, đăng ký BKS BG 0207. Đến tháng 3/2021, Dũng bắt đầu liên hệ hút cát tại địa phận xã Trung Mầu.

Trong tháng 3 chỉ hút một chuyến vào ngày 4/3/2021. Đến tháng 4/2021, Dũng tăng cường thuê thêm nhân công gồm có 5 người để vận hành hệ thống khai thác cát trái phép. Dũng thỏa thuận trả công nhóm hút cát 5.800.000đ/ chuyến. Các thuyền viên chia đều số tiền này.

Đến tháng 8/2021, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Dũng tiếp tục hút cát trái phép. Trong tháng 8 các đối tượng làm được 6 chuyến. Trong tháng 9 cho đến khi bị Phòng CSHS và các lực lượng phát hiện bắt giữ, Dũng đã hút trái phép được 7 chuyến. Tổng số từ tháng 4 cho đến ngày 14/9, Dũng đã hút trái phép 22 chuyến cát thu lợi hàng tỷ đồng.

Riêng tàu H0094 được Trịnh Văn Bộ góp tiền với một đối tượng khác để mua và đi khai thác cát trái phép. Đầu tháng 9, Bộ nhận được điện thoại Nam rủ đi khai thác cát đen trái phép tại khu vực sông Đuống thuộc địa bàn xã Trung Mầu, Gia Lâm, Hà Nội. Nam nói sẽ có trách nhiệm hướng dẫn chỉ vị trí khai thác cát và điều tàu đến mua cát với giá là 60.000 đồng/m3 cát đen.

Sau khi khai thác cát, sang mạn cho tàu mua thì Bộ sẽ là người trực tiếp nhận tiền từ tàu mua. Nam và Bộ thỏa thuận, thống nhất chia đôi lợi nhuận (Nam và Bộ mỗi bên được hưởng 50%) từ việc bán cát đen.

Khi đã thỏa thuận, rạng sáng ngày 3/9/2021, Bộ cùng Đông điều khiển tàu thủy gắn thiết bị hút cát từ Hải Dương đến khu vực sông Đuống thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội gặp Nam. Tại đây Nam chỉ 3 vị trí hút cát dưới lòng sông Đuống thuộc địa bàn xã Trung Mầu cho Bộ và Đông. Sau đó, Nam điều tàu mua cát đến để Bộ và Đông khai thác cát đen trái phép luôn. Từ ngày 3 đến ngày 14/9/2021, mỗi ngày tàu của Bộ hút cát đen, rồi bán sang mạn được cho 3 chuyến tàu mua.

Quá trình khai thác, Bộ liên hệ thuê thêm 4 thuyền viên phục vụ cho việc khai thác cát trái phép. Từ ngày 3 đến ngày 14/9/2021, tàu của Bộ khai thác được tổng cộng khoảng 7.950m3 cát đen, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Khoảng 21h ngày 14/9/2021, theo chỉ đạo của Nam, Bộ điều khiển tàu chở Phạm Văn Đông, Đỗ Văn Hùng và Đoàn Văn Chiến tiếp tục đi ra vị trí hút cát ở giữa dòng sông Đuống, thả neo giữ tàu và cắm vòi hút xuống lòng sông để hút cát đen lên khoang chứa tàu và bơm sang mạn cho tàu mang số hiệu BG - 0152, lái tàu là Lại Công Khang. Khi hút được khoảng 100m3 cát đen thì bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện bắt quả tang. Tổng số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ việc khai thác cát trái phép cũng lên tới hàng tỷ đồng...