- Không sơn vết nứt hầm Hải Vân để tiếp tục theo dõi
- Hầm Hải Vân xuất hiện vết nứt, chủ đầu tư nói "không nguy hiểm"
- 17 trạm thu phí BOT đặt nhầm chỗ nhưng không thể di dời
Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư dự án), sau hơn 2,5 năm tiếp nhận, nhà đầu tư đã đảm bảo kinh phí và tổ chức tốt việc quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 phục vụ an toàn, liên tục cho hơn 8,4 triệu lượt xe qua hầm.
Hầm Hải Vân 1 được xây dựng theo công nghệ NATM, lớp bê tông vỏ hầm được coi là không chịu lực mà chỉ chịu tải trọng bản thân. Sau hơn 13 năm vận hành khai thác, vỏ hầm xuất hiện các vết nứt, lớp sơn tường hầm bị lão hóa, bong tróc.
Ngay sau khi tiếp nhận hầm Hải Vân 1, nhà đầu tư đã khảo sát hiện trạng, đánh giá toàn bộ vỏ hầm Hải Vân, thực hiện sửa chữa một số vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu hoàn thành trong giai đoạn 1 của hạng mục dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân.
Vỏ hầm đường bộ Hải Vân được ghi nhận với hơn 320 vết nứt
“Các vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 đã được phát hiện, theo dõi và có phương án xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành, khai thác hầm đường bộ Hải Vân”, ông Đức khẳng định.
Tháng 3-2017, Công ty CP Đèo cả bắt đầu nổ mìn để thi công mở rộng hầm Hải Vân 2. Đại diện nhà đầu tư cho biết, khi thực hiện đã chỉ đạo các bên thực hiện đầy đủ các công tác kiểm tra, quan trắc hầm Hải Vân l bằng các phương pháp đo rung chấn khi nổ mìn; quan trắc hội tụ, chuyển vị vỏ hầm; quan trắc vết nứt hàng ngày trước và sau khi nổ mìn thi công.
“Các kết quả đo vận tốc rung chấn, đo hội tụ, chuyển vị vỏ hầm ổn định nằm trong giới hạn cho phép; kết quả quan trắc vết nứt hàng ngày trước và sau nổ mìn cho thấy các vết nứt ổn định không phát triển (bề mặt các tem thạch cao không xuất hiện các vết nứt), không thấy xuất hiện vết nứt mới”, đại diện nhà đầu tư thông tin.
Ngoài ra, cuối tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư và các đơn vị cơ quan Nhà nước đã kiểm tra hiện trường, đánh giá tình trạng vỏ hầm Hải Vân 1 chưa nhận thấy xuất hiện thêm vết nứt mới bên thành hầm.
Đối với các vết nứt đang được theo dõi, quan trắc, phía nhà đầu tư chưa nhận thấy sự phát triển vết nứt qua các vạch sơn đánh dấu hai đầu; bề mặt các miếng dán thạch cao không xuất hiện vết nứt.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, kết quả khảo sát và đánh giá đã phát hiện 326 vết nứt tại hầm Hải Vân 1. Tuy nhiên, tư vấn nhận xét, hầu hết các vết nứt đều nằm trong giới hạn an toàn. Tư vấn khuyến cáo sửa chữa theo hồ sơ thiêt kế được duyệt đồng thời cũng nhận định, tình trạng vỏ hầm đường bộ Hải Vân 1 đang trong tình trạng tốt, hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện vận hành hầm.
Hầm đèo Hải Vân được xây dựng từ năm 1999 đến 2005 bằng vốn vay ODA Nhật Bản với 1 đường hầm. Tháng 1-2016, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả nhận bàn giao vận hành, khai thác hầm Hải Vân 1. Đơn vị này cũng là chủ đầu tư BOT dự án mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2 vốn là hầm thoát hiểm với quy mô 4 làn xe theo hình thức BOT cùng tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng.