Hội chứng "cháy sạch"

ANTD.VN - Thuật ngữ “burn-out” (cháy sạch) chỉ tình trạng cạn kiệt năng lượng như một cây nến đã cháy hết hay một bếp lửa đã tắt, chỉ còn tro tàn, lạnh lẽo. Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng hội chứng “cháy sạch” có thể để lại những hậu quả nặng nề, trong khi không nhiều người có khái niệm về nó. Bác sĩ Cao Hồng Phúc, giảng viên khoa Y học Lao động, Học viện Quân y, Hà Nội đã chia sẻ thông tin về hội chứng này.

- PV: Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về thuật ngữ “bunr-out” và tính phổ biến của nó?

- Bác sĩ Cao Hồng Phúc: Hội chứng burn-out là một thuật ngữ khá mới ở Việt Nam, tạm dịch là hội chứng “cháy sạch”. Có thể hiểu hội chứng burn-out là tình trạng kiệt quệ về mặt thể chất và tinh thần của một người nào đó. Nó dẫn tới người bệnh không có khả năng kiểm soát các hành động, không thể thực hiện các hoạt động thể chất. Ở Việt Nam, hội chứng này chưa có tính phổ biến, tỷ lệ thấp nhưng một khi đã mắc phải thì là một vấn đề nghiêm trọng.

- Tại sao burn-out lại được gọi là hội chứng mà không phải là bệnh? Nguyên nhân gây ra do đâu, thưa bác sĩ? 

- Burn-out được gọi là hội chứng là vì nó gặp ở nhiều trường hợp với những nguyên nhân khác nhau không cụ thể mà phụ thuộc vào từng trường hợp. Có thể kể ra một số trường hợp thường gặp như: Một người lao động quá sức, làm việc quá 18 tiếng trong 1 ngày, quá 5 ngày 1 tuần, không còn thời gian nghỉ ngơi, dẫn đến sức lực suy kiệt, rối loạn hệ thống enzyme sinh học. Một ví dụ khác như người trẻ chơi game kéo dài nhiều ngày không ăn ngủ khiến năng lượng dự trữ bị sử dụng hết, tới mức không còn khả năng duy trì, họ có thể gục ngay tại bàn. Hoặc một người bị ám ảnh bởi một bệnh lý nào đó mà họ đang mắc phải, kéo dài lâu, dẫn tới căng thẳng, rối loạn cảm xúc, cảm thấy suy sụp, bi quan, mệt mỏi, dẫn tới suy kiệt về mặt cảm xúc, gây ra hội chứng burn-out...

- Bác sĩ phân tích những biểu hiện điển hình hội chứng?

- Hội chứng burn-out thường biểu hiện dưới 3 nhóm triệu chứng: hành vi, cảm xúc và thể lực. Về mặt thể lực, người bệnh không thể thực hiện bất cứ hành vi nào, thậm chí không thể nhấc nổi tay lên vì quá mệt mỏi. Về mặt cảm xúc, người bệnh rơi vào trạng thái cùng cực, chán nản, triệu chứng này gần giống như trầm cảm nhưng ở mức độ cao. Về hành vi, họ có những rối loạn như ngủ vào một giờ giấc không đúng nhịp sinh học bình thường, xuất hiện những cơn cuồng sảng, hét to… Đó là sự suy kiệt về mặt thể chất, cảm xúc nghiêm trọng, người bệnh không còn khả năng hoạt động sống, từ từ chìm dần dẫn đến hậu quả khó lường.

- Một người đặt ra mục tiêu, tự gây áp lực để đạt mục tiêu có dẫn đến hội chứng burn-out không, thưa bác sĩ?

- Trường hợp bạn đặt ra mục tiêu quá lớn dẫn đến việc đảo lộn nhịp sinh học, thời gian ngủ chỉ 1-2 tiếng/ngày, nếu kéo dài khoảng 1 tuần dễ rơi vào hội chứng burn-out. Nguyên do bởi đã sử dụng hết năng lượng dự trữ tiềm tàng trong cơ thể, dẫn đến không thể ăn, hệ thống thần kinh bị tê liệt, hệ thống enzyme bị ức chế, gây ra rối loạn chuyển hóa năng lượng nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là rối loạn năng lượng ẩn sâu trong tế bào. Các tế bào mà không sử dụng được năng lượng thì rất khó phục hồi.

- Burn-out có biểu hiện giống stress và kiệt sức, vậy phân biệt thế nào để nhận biết đang rơi vào hội chứng burn-out chứ không phải stress hay kiệt sức?

- Về mô tả thì burn-out có nhiều nét giống với kiệt sức, trầm cảm, stress nhưng nó cũng có những khác biệt nhất định. Kiệt sức chỉ áp dụng trong trường hợp lao động thể lực quá lớn, tập luyện thể thao quá nhiều, tức là dùng sức lực nhưng không có sự căng thẳng về mặt thần kinh. Khi kiệt sức, chỉ cần giảm sức cơ, co cơ, truyền dịch và ăn uống đủ sẽ khỏe lại, nhưng với burn-out rất khó hồi phục. Còn với căng thẳng hay stress thì họ không mệt mỏi cơ, sức cơ, đo điện cơ vẫn bình thường. Nhưng những người mắc hội chứng burn-out thì điện cơ rất thấp và năng lực co cơ gần như không còn. Bởi hội chứng burn-out tập trung cả 3 nhóm: thể lực - hành vi - cảm xúc suy kiệt.

- Vậy khi mắc phải hội chứng burn-out sẽ phải làm gì?

- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bản thân mắc hội chứng burn-out cần nhanh chóng đi khám ở các bệnh viện lớn để loại trừ các nguyên nhân khác. Khi đã xác định thực sự bị burn-out hãy áp dụng các cách điều trị sau.

Thứ nhất, hồi phục về năng lượng, đừng chê đường, đường là thực phẩm dễ hấp thụ và dễ chuyển hóa, đừng uống quá ngọt vì nó có thể tạo ra cảm giác sợ thực phẩm. Hãy uống ngay một cốc nước đường, độ ngọt vừa phải, nếu chán thì uống từ chút một. Đừng quên các thuốc đa sinh tố, đặc biệt vitamin B1 thúc đẩy chuyển hóa, phục hồi năng lượng trong cơ thể, khắc phục các triệu chứng suy kiệt về mặt thể lực.

Thứ hai, cần kiểm soát căng thẳng, hãy kết nối những thứ ngày xưa bạn thích, gặp một người bạn mà bạn yêu quý lâu rồi bạn không gặp, hãy đi xem phim, nghe nhạc… ngay cả khi bạn không thấy hứng thú, dần sẽ thấy thoải mái… Cuối cùng, để khắc phục hội chứng hành vi, đừng ngồi một mình mà hãy ngồi cùng người thân hoặc bạn bè để họ giúp bạn kiểm soát các hành vi bột phát.  

- Cảm ơn bác sĩ!