Học thêm, dạy thêm: Chất lượng mù mờ

ANTĐ - “Chương trình quá tải, thực trạng nền giáo dục nặng về thi cử, học sinh càng học lên cao, áp lực điểm số càng khủng khiếp, bởi các em có quá ít “cánh cửa” vào đời. Đó chính là nguyên nhân của việc dạy thêm, học thêm...”.

Áp lực thi cử cũng là thủ phạm...

Quá mệt mỏi với học “nhồi”

Đó là nhận xét của cô Nguyễn Thanh Phương, nguyên giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ về bức tranh giáo dục hiện nay. Lý giải cho tình trạng tại sao học sinh lại phải quay cuồng học thêm, giáo viên thi nhau dạy thêm, cô Phương tâm sự: “Thời chúng tôi ngày xưa, chẳng bao giờ biết học thêm là gì nhưng sao vẫn có rất nhiều người đỗ đạt, thậm chí giữ những chức vụ quan trọng. Giờ giáo viên phải dạy thêm cũng là vì nhu cầu cuộc sống, vì đồng lương hạn hẹp. Nếu chúng ta tìm ra cách để cải thiện chất lượng dạy, học, phân phối chương trình hợp lý, giảm tải chương trình, thì tự nhiên học sinh không cần thiết phải đi học thêm nữa”.

Vụ chen lấn xảy ra ở trường Thực nghiệm mới đây, phản ánh một thực tế nhu cầu tiếp cận môi trường giáo dục mới của số đông phụ huynh đang ở mức cao. Được biết, trường Tiểu học Thực nghiệm là một trong số những trường công hiếm hoi ở Việt Nam đi theo mô hình dạy học của Mỹ, thay vì cách dạy học thuộc lòng thường thấy. Hàng nghìn trẻ mẫu giáo sẽ phải cạnh tranh nhau để giành 200 đơn xin học lớp một mùa thu này. Điều này, cho thấy cả phụ huynh và học sinh đã quá mệt mỏi với kiểu học “nhồi” trong nhiều trường công lập hiện nay. 

“Thực tế cho thấy, các chương trình học, các cấp học từ tiểu học đến đại học quá khác nhau, thời gian học trên lớp không thể đáp ứng được những kì thi nặng về kiến thức. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH rất gần nhau nhưng lại khác xa về cách thức ra đề cũng như phần trăm đỗ khiến nhiều học sinh dù đi học thêm chỉ để giải đề cũng thấy yên tâm hơn, phụ huynh cũng vì thế mà coi chuyện học thêm là cần thiết”, bà Nguyễn Hồng Hạnh, giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ thừa nhận. Song cũng theo bà Hạnh, nếu học sinh chỉ làm theo cách giải mà thầy cô đưa ra sẽ đi theo lối mòn, thui chột khả năng tư duy, sớm muộn các em sẽ trở thành những cỗ máy. 

Nhiều giáo viên có tâm huyết với nghề cho rằng, việc dạy và học hiện nay tập trung vào thi cử nên rất dễ tạo áp lực lớn cho giáo viên và học sinh. Cả 2 phía không coi đó là niềm vui, quyền lợi mà như gánh nặng. Chính vì việc học của các em chỉ tập trung vào các kỳ thi nên mới sinh ra dạy thêm, học thêm. “Do hạn chế về trình độ, phương pháp giảng dạy,... một bộ phận không nhỏ thầy cô dạy chưa tận tâm với bài giảng trên lớp. Những học sinh có học lực hạn chế cần học thêm như một kiểu “mua điểm, mua tình cảm” của thầy cô để yên tâm trong giờ lên lớp. Còn nhóm học sinh khá, giỏi không hài lòng với kiến thức, hay cách dạy của thầy, cô trên lớp nên tìm thầy giỏi hơn. Một cán bộ Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, có quá nhiều áp lực đối với nhà trường, giáo viên, học sinh dẫn đến việc thầy cô phải đi dạy, học trò phải đi học. Khi người thầy còn đau đáu với đồng lương, quay quắt với cuộc sống, khó có thể tìm thấy đội ngũ thầy, cô hết mình với sự nghiệp trồng người. 

Hiệu quả - còn phải bàn

“Thực tế, việc học thêm khiến nhiều em không cần thời gian dành cho thể thao và các hoạt động ngoại khóa cần thiết để phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Điều này dẫn đến những căng thẳng và đào sâu khoảng cách trong xã hội, bởi những gia đình khá giả có khả năng chi mạnh tay hơn để thuê được gia sư, thầy cô giáo có trình độ tốt hơn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc dạy thêm, học thêm vẫn là vấn đề cần bàn tới. Nó được đánh giá không chỉ dựa trên mục tiêu và khả năng của học sinh mà còn của năng lực của người thầy. Nhiều cơ sở nghiễm nhiên gắn mác thầy, cô có kinh nghiệm, có thương hiệu nhưng thực chất lại không như vậy, khiến chất lượng của việc dạy thêm cũng trở nên mù mờ”, Tiến sĩ Trần Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng thừa nhận. 

Được biết, từ năm 2007, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, song tình trạng này vẫn không hề giảm. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về học thêm, dạy thêm, trong đó quy định rõ các nguyên tắc dạy thêm, học thêm.  

Tuy nhiên, theo PGS. Văn Như Cương, việc quy định chi tiết cả thời lượng bồi dưỡng các môn năng khiếu, rèn nhạc,... cho thấy quy định này chưa sát với thực tế khi đây là nhu cầu của phụ huynh và gia đình, không thể “giới hạn” bằng một thông tư hướng dẫn mang tính hành chính. Và điều quan trọng vẫn là phương pháp dạy học, phát huy năng lực tự học của học sinh, kiểm tra đánh giá, cải tiến công tác thi, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh mới chính là điều mà ngành giáo dục cần hướng tới...